Tối nay, Apple sẽ đi theo con đường được... Xiaomi vạch ra từ lâu

    Liam,  

    Thật trớ trêu, công ty vốn thường xuyên copy Apple lại phải chứng kiến con đường sống cốt lõi của mình bị Apple học theo. Nhưng giữa "Apple Trung Quốc" và "Apple Mỹ" có một điểm khác biệt cốt lõi có thể thay đổi tất cả.

    Đến cả sự hồi sinh của iPad Air và iPad Mini hay phiên bản kế tiếp của AirPods cũng không đủ quan trọng bằng dịch vụ streaming sắp được Apple ra mắt. Cả 3 sản phẩm phần cứng đã ra mắt thầm lặng... trên web, nhường chỗ cho dịch vụ phát video (và tin tức) chiếm vị trí trang trọng nhất trong sự kiện được Apple tổ chức vào ngày 25/3 tới.

    Apple đi theo... Xiaomi

    Không khó để nhận ra vì sao sự kiện này lại quan trọng với Apple tới vậy: khi iPhone đã bão hòa và chuẩn bị suy thoái, phần cứng Apple sẽ biến thành bệ phóng tuyệt vời cho phần mềm và dịch vụ lên ngôi. Quý gần đây nhất, mảng dịch vụ của Apple đã chạm mốc doanh thu 10,9 tỷ USD, vượt mặt tất cả các danh mục phần cứng ngoại trừ iPhone.

    Tối nay, Apple sẽ đi theo con đường được... Xiaomi vạch ra từ lâu - Ảnh 1.

    Khẩu hiệu "Công ty Internet" đã được Lei Jun nhắc đi nhắc lại từ những ngày đầu của Xiaomi.

    Trớ trêu thay, dùng phần cứng làm bệ phóng cho phần mềm cũng là chiến lược đã luôn được "Apple của Trung Quốc" nhắc tới. Tháng 6 năm ngoái, ngay trước khi IPO tại Hongkong, Xiaomi đã tái khẳng định sẽ không bao giờ ăn lợi nhuận quá 5% từ phần cứng. Mục đích của Xiaomi là trở thành một "công ty Internet": Bán những chiếc điện thoại thông minh giá rẻ, "chất lượng cao" với lợi nhuận thấp, rồi sau đó kiến tiền bằng cách cung cấp dịch vụ Internet. Trong con mắt của Xiaomi, những chiếc Redmi, Mi hay Poco chỉ là cánh cửa dẫn vào nguồn doanh thu từ phần mềm và dịch vụ mạng.

    Từ đầu năm cho đến nay, Apple đã liên tiếp nhắc đến những luận điểm tương tự. Khi công bố kết quả tài chính cho quý 4, Apple khiến nhà đầu tư nức lòng khi tuyên bố số lượng iPhone đang được sử dụng thường xuyên đã lên tới 900 triệu máy. 900 triệu máy đã đến tay người dùng sẽ không mang lại doanh thu phần cứng mới, nhưng lại là cánh cửa để người dùng tìm đến App Store, Apple Music hay các dịch vụ stream video, đọc tin có trả phí sắp ra mắt.

    Những khác biệt cốt lõi

    Tối nay, Apple sẽ đi theo con đường được... Xiaomi vạch ra từ lâu - Ảnh 2.

    Có 900 triệu chiếc iPhone đang lưu hành trên thị trường, tạo ra tiềm năng khổng lồ cho doanh thu dịch vụ.

    Đúng là Apple đang đi theo con đường đã được Xiaomi vạch ra từ đầu, nhưng giữa "Apple Trung Quốc" và "Apple Mỹ" có một điểm khác biệt cốt lõi có thể thay đổi tất cả: Apple chỉ kinh doanh sản phẩm cao cấp.

    Trong suốt 10 năm lịch sử của 2 cửa hàng App Store và Google Play, sự khác biệt này đã luôn tạo ra một nghịch lý: số lượt tải hay số lượng người dùng trên Android luôn cao áp đảo so với iOS, nhưng xét về doanh thu thì iOS luôn vượt mặt. Thậm chí, khoản tiền Apple và các nhà phát triển thu về từ App Store còn cao gấp 2 lần Google Play. Hóa ra, vì người dùng iPhone quá dư dả tài chính, họ cũng sẵn lòng chi tiền cho ứng dụng hơn.

    Với Xiaomi, sự khác biệt này càng trầm trọng: phần đông người dùng Xiaomi tập trung ở phân khúc giá rất thấp. Năm 2018, một người mua trung bình chỉ bỏ ra 150 USD để sở hữu smartphone Hạt Gạo Nhỏ, bằng 1/5 so với số tiền iFan bỏ ra để mua iPhone. Tầm nhìn dùng phần cứng làm bệ phóng dịch vụ của Xiaomi gặp trở ngại rất lớn, khi nhóm người dùng mà họ hướng tới thực chất lại không dư dả tài chính cho các dịch vụ số.

    Tối nay, Apple sẽ đi theo con đường được... Xiaomi vạch ra từ lâu - Ảnh 3.

    Năng lực chi trả của người dùng Xiaomi thấp hơn hẳn so với người dùng iPhone.

    Tệ hơn nữa, Xiaomi không thể xây dựng được một đế chế dịch vụ Internet như Apple. Phần lớn doanh thu dịch vụ của Xiaomi đến từ quảng cáo bên trong các ứng dụng tiện ích mà Xiaomi cài đặt sẵn lên điện thoại. Khoản ít ỏi còn lại đến từ các mảng app, video, nhạc, tin tức..., nhưng các mảng này lại phải chịu sự cạnh tranh quá lớn từ chính ông chủ của Android là Google.

    Ở phía ngược lại, iOS là do Apple làm chủ tuyệt đối. Không cần đến doanh thu quảng cáo, ứng dụng, nhạc, phim v...v... đã là quá đủ để Táo Khuyết xây dựng một đế chế dịch vụ 10 tỷ đô.

    Con số không nói dối

    Những con số không hề biết nói dối, và chúng vẫn đang chống lại tầm nhìn "công ty Internet" của Xiaomi. Khi IPO, Lei Jun khoe MIUI có hẳn 190 triệu người dùng hàng tháng. 190 triệu người dùng này chỉ mang lại cho Xiaomi 2,4 tỷ USD doanh thu dịch vụ trong cả năm 2018. Nói cách khác, trong cả 1 năm, doanh thu dịch vụ của Xiaomi bằng 1/4 doanh thu dịch vụ của Apple trong 1 quý. 

    Tối nay, Apple sẽ đi theo con đường được... Xiaomi vạch ra từ lâu - Ảnh 4.

    Với tiềm lực hạn chế của Xiaomi, xây dựng một đế chế dịch vụ là chuyện không tưởng.

    Muốn phát triển mảng này, Xiaomi sẽ lại phải đối mặt với thử thách mà cả Netflix hay Spotify đang làm: đốt tiền để xây dựng rồi mới hướng đến lợi nhuận lâu dài. Nhưng dự trữ tiền mặt của Xiaomi chỉ có vỏn vẹn 5 tỷ USD trong khi Apple có 250 tỷ USD, làm sao mà Xiaomi có thể xây dựng được đế chế dịch vụ như Táo?

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ