"Tôi phải chối bỏ mình là người Việt khi chơi game!"

    PV, Nghi Lâm 

    Đó là tâm sự của không ít game thủ nước nhà, tuy nhiên nhiều cư dân mạng phản đối hành động ấy kịch liệt.

    Với quá khứ vô cùng kiên cường và hào hùng trải dài suốt 4000 năm lịch sử, bất kỳ ai trong chúng ta cũng cảm thấy tự hào khi được nhận mình mang dòng máu Việt. Phải biết rằng đó là thành quả ngàn đời xây dựng mà không phải dân tộc nào cũng có và tất nhiên, chẳng thể mua được bằng bất cứ giá nào.
     

    Vụ bê bối tại SSF khiến cư dân mạng xôn xao bàn tán.
     
    Thế nhưng nghịch lý đã xảy ra khi rất nhiều game thủ nước nhà đang phải chấp nhận giấu diếm quốc tịch của mình khi tham gia vào các MMO nước ngoài. Điều này được giãi bày bởi chính họ khi một series các vụ bê bốiCabal, SANA SSF phơi bày trên mạng.
     
    Không thích nhưng buộc phải phủ nhận
     
    "Mình chơi game nước ngoài là cứ xác định lấy tên tiếng Anh, gặp người Việt quen biết thì gọi, không thì lơ, chơi với chúng nó cũng không bao giờ khai mình là người Việt (bọn nó hỏi 'where r u from?' thì cười trừ hoặc tránh), bao giờ mà chơi 1 thời gian chúng nó thấy mình ok thì lúc đó mới khai", một game thủ tâm sự trên diễn đàn, đây không phải là trường hợp đơn lẻ khi gamer Việt chơi tại các server nước ngoài.
     
    Đa phần những người không dám nhận mình tới từ dải đất hình chữ S đều là miễn cưỡng, họ luôn muốn một ngày được tự hào cất lên 2 tiếng "Việt Nam", thế nhưng khốn nỗi với nhiều tựa game, hành động ấy đồng nghĩa với việc bị cách ly khỏi cộng đồng.
     

    Gunbound thế giới là một trong những MMO gamer Việt dễ bị "kick" nhất.
     
    "Tôi đã gặp 1 trường hợp khi bắn Gunbound thế giới vào cái thời mà hack tọa độ lên tới cự thịnh. Đa số người VN dùng hack tọa độ bắn siêu cao, siêu giật siêu tá lả tới mức mà vừa check ra quốc tịch Việt của một ai đó là các thành viên trong phòng thi nhau hô 'kick', kick', 'kick'", thành viên nickname Lantis phát biểu trên diễn đàn Game thủ.
     
    Số khác lại kể rằng chỉ cần lỡ mồm lỡ miệng khai ra quê hương của họ là y như rằng sẽ bị PK không thương tiếc, muốn xin vào guild cũng không được còn nếu đang ở trong guild thì gần như chắc chắn sẽ bị đuổi ra ngoài như hủi. "Mình chơi Lineage 2 lúc đó gamer Việt bị ghét do hack và spam nên vừa mới PvP cái là bị tới 4, 5 người quây vào hành hạ, xong còn kêu 'noob, Viet' nữa", một người chơi khác ấm ức.
     

    Đã 5, 6 năm trôi qua nhưng dù không muốn vẫn phải "giấu".
     
    Tâm lý e ngại như trên chẳng phải bây giờ mới có, nó đã bắt nguồn từ cách đây nhiều năm khi làn sóng game online tràn về Việt Nam. Lúc đó hầu hết mọi người đều cho rằng sau vài năm tình trạng đáng xấu hổ ấy sẽ dần qua đi, thế nhưng đã 4, 5 năm trôi qua vẫn đâu hoàn đó. Sự việc xảy ra với Cabal, SANASSF xảy ra dồn dập chẳng qua là do làn sóng tràn ra server ngoại khi phiên bản nội bị đóng cửa mà thôi.
     
    Thậm chí một vài ý kiến còn không ngần ngại đưa ra lời khuyên rằng "nếu muốn chơi yên ổn thì đứng có khai ra mình tới từ đâu, ai đó có hỏi thì cứ bảo mình là người Thái, người Sing là được". Đây cũng chính là nguyên nhân gây ra hàng loạt cuộc bút chiến bàn về tính đúng sai trên forum.
     
    Không việc gì phải xấu hổ!
     
    Bên cạnh các gamer "khốn khổ" bên trên, vẫn còn khá nhiều người tỏ ra không đồng tình với cách làm theo kiểu tiêu cực, bị động ấy. Ở bất kỳ đâu cũng có người xấu, người tốt, không phải là người Việt chưa từng được vinh danh hoặc nể phục trong game, vì thế chối bỏ quốc tịch là hành động thiếu suy nghĩ.
     

    Gamer Việt trong cộng đồng WoW được đối xử rất công bằng.
     
    "Chả có gì phải sợ khi chơi game nước ngoài mà không dám nhận là người VN cả. Trước đây tôi chơi Rohan cũng đã chơi với rất nhiều người nước ngoài, họ không hề có ý bài trừ chúng ta mà rất hòa đồng", gamer nickname Voicon lên tiếng phản bác.
     
    Theo Voicon và các thành viên có chung quan điểm, ngay cả người nước ngoài cũng thường xuyên chửi tục, spam trên kênh chat chứ không phải đều có ý thức tốt. Họ cho rằng cộng động Việt bị coi khinh, hắt hủi như vậy đã là điều đáng buồn, thế nhưng nhiều người còn không dám nhận mình là người Việt thì còn đáng buồn hơn.
     

    "Che mặt" trước cộng đồng nước ngoài đến bao giờ?
     
    "Tự phủ nhận gốc gác của mình thì chính các cậu cũng đang góp phần làm cho tình hình căng thẳng hơn, thà lấy ít bù nhiều còn hơn là để họ nghĩ cả cộng đồng gamer Việt đều tệ như vậy", thành viên Seraphiel lên tiếng, anh tự nhận rằng mình đã trải nghiệm không ít MMO như WoW và tại đây người Việt được đối xử rất công bằng, mấu chốt là ở chỗ phải biết xây dựng hình ảnh thật đẹp trong mắt người nước ngoài.
     
    Lập luận trên không phải là không có căn cứ, nếu cứ mãi xử lý tình huống bằng cách giấu diếm mà không biết giải thích với cộng đồng xung quanh hoặc tự tạo lấy phong trào vực dậy ý thức thì có 100, 200 năm nữa mọi chuyện sẽ vẫn như bây giờ, gamer Việt sẽ tiếp tục phải chơi mà nơm nớp lo bị phát hiện mình tới từ đâu.
     
    Quyền tự do?
     
    Trái với 2 luồng tranh luận bên trên, cũng có không ít game thủ thẳng thừng cho rằng trong thế giới ảo không tồn tại khái niệm bạn là ai hay bạn có gốc gác như thế nào ngoài đời. Vì thế không việc gì phải trả lời các câu hỏi của người ngoài nếu họ muốn biết mình tới từ đâu, nói cách khác, họ "không sợ" mà chỉ "không thích bàn tới quốc tịch" mà thôi.
     

    Nhận hay không nhận quốc tịch là quyền của mỗi người trong thế giới ảo.
     
    "Các bạn quá quan trọng vấn đề. Mọi vấn đề trong game online không giống với thế giới thật được. Không thể kết luận ai đó là 'hèn' nếu họ không phạm luật lệ do game online quy định, mà game online không bắt người ta nói thật về 'quốc tịch' của mình, thế thôi", một thành viên theo lối suy nghĩ khá thoáng tâm sự.
     
    Vậy rốt cuộc ai sai và ai đúng? Có lẽ câu hỏi này sẽ không bao giờ có câu trả lời vì vấn đề mà chúng ta đang bàn tới chẳng còn nằm trong phạm trù đúng hay sai nữa mà là quan điểm của mỗi người. Chỉ có điều bài toán về ý thức gamer nước nhà chưa có lời giải mới là điều đáng lo.

    NỔI BẬT TRANG CHỦ