"Tôi sẽ có tên trong top 10 StarCraft II thế giới"

    PV, Bình Minh 

    Đó là một trong những tâm sự của NonY – game thủ StarCraft nổi tiếng của Mỹ và đang trên đường trở thành một trong những Gosu hàng đầu thế giới StarCraft II.

    NonY chắc chắn không phải một cái tên xa lạ gì đối với cộng đồng game thủ StarCraft nói chung, anh đã bắt đầu làm quen cùng trò chơi chiến thuật kinh điển này từ năm 2002. Đỉnh cao của chàng trai đến từ nước Mỹ nằm ở việc anh quyết định gia nhập nền gaming chuyên nghiệp Hàn Quốc, gia nhập đội game eSTRO và có được những trải nghiệm thú vị.
     

    StarCraft II đang được toàn bộ cộng đồng game chiến thuật thế giới đón nhận.

    Trong một giải đấu có tên gọi khá đặc biệt – “Hello, Goodbye” vừa diễn ra, NonY đã đăng ký nhưng rồi đành phải “bỏ cuộc chơi” bởi anh còn vướng bận lớp Triết học tại Duke University – và khi phải lựa chọn giữa học và chơi, mọi người đều đã biết quyết định của NonY.
     
    Tuy đạt được không ít thành công với StarCraft và bận rộn với việc học hành, anh vẫn mong muốn sẽ xây dựng được tiếng tăm và vị trí đứng của mình trong cộng đồng StarCraft II qua tuyên bố: “Nếu tính cả những người Hàn Quốc, tôi không thể lọt vào top 100 của StarCraft: Broodwar, nhưng sẽ có tên trong top 10 StarCraft II thế giới”.
     

    NonY - Những tháng ngày phiêu lưu tại Kinh đô eSports thế giới. 

    Sau 7 tuần với 7 bản vá update, anh cho biết đã thấy được sự cân bằng cần phải có trong StarCraft II, điều mà người anh em của nó đã làm quá tốt trong giai đoạn trước. NonY cho biết: “Tôi nghĩ rằng điều quan trọng bậc nhất nằm ở việc cân bằng các map đấu và giữa các unit trong game. Trên quan điểm cá nhân, tôi tin tưởng rằng StarCraft làm được điều đó. Những bản vá nên bắt đầu dừng lại thôi, sử dụng nhiều map và patch trong nhiều năm là điều không có lợi cho eSport”.
     
    Đồng thời với việc dành những lời khen có cánh cho StarCraft II, NonY cũng đồng tình với những ý kiến trong cộng đồng rằng WarCraft III sẽ chịu ảnh hưởng rất nặng nề với việc StarCraft II được đông đảo cộng đồng game thủ đón nhận. Bằng chứng là việc số lượng game thủ trung thành của WarCraft III chuyển sang chơi StarCraft II càng ngày càng đông đảo, tuy rằng họ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn người chơi thuần StarCraft ở công đoạn multitasking – thực hiện nhiều công việc trong một thời điểm.
     


    Chia sẻ về việc các nước khác trên thế giới có thể tạo được một nền gaming chuyên nghiệp giống như Hàn Quốc hay không, NonY chỉ “nửa đùa nửa thật” chia sẻ: “Nếu như các quốc gia còn lại có 1000 người ngày đêm tập luyện và cố gắng trở thành game thủ chuyên nghiệp để đối mặt cùng Hàn Quốc – đất nước có 300 game thủ giỏi nhất chơi game cả ngày trong một ngôi nhà thì cũng có thể có cơ hội. Riêng bản thân tôi thì sẽ thấy khá bất ngờ nếu nước Mỹ có nổi 25 người kiếm sống được nhờ chơi StarCraft II”.

    Tất cả mọi người đều muốn nghe nói về những giải đấu tầm cỡ thế giới, những khoản tiền thưởng khổng lồ. Nhưng điều mà game thủ eSport cần thực sự là 30.000 USD và lương cho họ nuôi thân, vậy thôi!