Tổng Giám đốc Thế Giới Di Động cho rằng, chỉ cần mang đúng mô hình cửa hàng Thế Giới Di Động đang kinh doanh tại Việt Nam sang áp dụng tại các thị trường như Campuchia, Myanmar, hệ thống bán lẻ này đã có thể tạo ra sức hút đối với người tiêu dùng.
Theo kế hoạch phát triển trong năm 2016 vừa được công bố, Công ty Cổ phần đầu tư Thế Giới Di Động đặt ra mục tiêu sẽ đạt số lượng từ 850 - 1.000 điểm bán, doanh thu 34.000 tỷ đồng (tăng khoảng 10.000 tỷ đồng so với 2015) và lợi nhuận 1.400 tỷ đồng.
Ông Trần Kinh Doanh, Tổng Giám đốc Công ty CPĐT Thế Giới Di Động. Ảnh: Nguyên Đức.
Đáng chú ý, hệ thống này cũng tuyên bố sẽ “xuất ngoại”, bắt đầu vươn mạng lưới bán lẻ ra thị trường nước ngoài với thị trường trước mắt trong khu vực Đông Nam Á như Lào, Campuchia và Myanmar.
Trao đổi với ICTnews, ông Trần Kinh Doanh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư Thế Giới Di Động cho hay doanh nghiệp này đã tiến hành khảo sát và đánh giá trình độ bán lẻ các thị trường Phnompenh (Campuchia), Yangon (Myanmar). Thế Giới Di Động tự tin, nếu không cần làm gì thêm, chỉ mang nguyên mô hình cửa hàng đang hoạt động tại Việt Nam sang đặt tại Phnompenh, Yangon đã tạo ra sức hút đối với người tiêu dùng.
Vị Tổng giám đốc của Thế Giới Di Động lấy ví dụ, nếu cho rằng FPT, Viễn thông A, Thế Giới Di Động làm được một cửa hàng, siêu thị xứng đáng 8 - 10 điểm thì tại Campuchia, doanh nghiệp tại quốc gia này chỉ được 3 - 4 điểm, Myanmar khá hơn, được khoảng 5 - 6 điểm.
Thế Giới Di Động tự tin sẽ thành công tại nước ngoài nếu áp dụng đúng mô hình bán lẻ đang thực hiện trong nước.
“Còn thậm chí ở sân chơi điện máy, nếu các hệ thống như Nguyễn Kim, Điện máy Xanh, Media Mart được chấm 8-10 điểm thì tôi không thể tìm được shop nào trên 5 điểm tại các thị trường này. Điều đó nói lên được cơ hội tiềm năng tại các thị trường này”, ông Trần Kinh Doanh nói.
Bên cạnh đó, tại quốc gia như Myanmar, thị trường smartphone đang phát triển rất tốt sau vài năm “mở cửa” gần đây.
Trước đây, sự độc quyền của doanh nghiệp viễn thông nhà nước đã có lúc đẩy giá SIM điện thoại lên khoảng 1.500 USD/SIM, nhưng khi các doanh nghiệp viễn thông nước ngoài được phép nhảy vào đầu tư thì điện thoại di động trở nên phổ biến hơn, giá SIM giảm xuống rất thấp, chỉ còn 1,5 USD.
Cùng đó, sự phát triển hiện nay cũng đang mang lại cơ hội sở hữu điện thoại cho nhiều người dân Myanmar hơn, thị trường phát triển mạnh mẽ, không có giai đoạn đi từ feature fone (điện thoại phổ thông) lên smartphone như Việt Nam mà lên thẳng smartphone.
“Myanmar có khoảng 40 - 50 triệu dân, Campuchia khoảng 20 triệu dân, thu nhập bình quân đầu người thấp hơn Việt Nam. Nếu Thế Giới Di Động phát triển cho “đến tới đến chốn” cũng phải đạt đến 30 - 40% những gì chúng tôi đã làm được tại Việt Nam - thị trường với hơn 100 triệu dân và hiện Thế Giới Di Động đã có trên 800 điểm bán”, Tổng Giám đốc Thế Giới Di Động bày tỏ.
Trao đổi thêm với ICTnews, ông Trần Kinh Doanh cho hay việc chuẩn bị tiến ra nước ngoài đang được Thế Giới Di Động xúc tiến ngay trong năm 2016, giải quyết các vấn đề liên quan như pháp lý cho hoạt động kinh doanh tại nước sở tại, tuyển dụng nguồn nhân lực tại chỗ, nhân viên bán hàng, xây dựng dàn lãnh đạo quản lý vững vàng cho các thị trường dưới sự điều hành của công ty mẹ đặt tại Việt Nam. Nếu thuận lợi, đến đầu năm 2017 Thế Giới Di Động sẽ mở điểm bán đầu tiên tại nước ngoài.
“Bên cạnh đó, một thách thức lớn nữa chúng tôi cũng cần phải xử lý đó là có thể mang văn hóa của Thế Giới Di Động hòa nhập được vào các quốc gia”, ông Trần Kinh Doanh bày tỏ.
Theo ICTNews
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Những tiểu tiết bạn có thể đã bỏ qua trong trailer The Witcher 4