Tổng thống Vladimir Putin vẫn sử dụng hệ điều hành Windows XP lỗi thời trên các máy tính làm việc của mình, thứ mà nhà phát triển Microsoft đã ngừng hỗ trợ gần sáu năm trước.
Theo OpenMedia, các hình ảnh được hé lộ từ biên niên ảnh chính thức của điện Kremlin, xuất bản gần đây đã hé lộ điều này. Windows XP được cài đặt trên một máy tính trong văn phòng của tổng thống Putin ở điện Kremlin và tại nơi cư trú của ông ở Novo-Ogaryovo. Các bức ảnh thậm chí còn cho thấy trình bảo vệ màn hình máy tính để bàn cũng sử dụng hình ảnh điện Kremlin.
Microsoft đã phát hành Windows XP vào tháng 10/2001 và ngừng hỗ trợ nó, bao gồm cả việc phát hành các bản cập nhật bảo mật cho hệ điều hành này, vào tháng 4/2014. Tuy nhiên, công ty Mỹ thỉnh thoảng vẫn tung ra các bản cập nhật bảo mật quan trọng cho hệ điều hành này, nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công từ phía hacker. Một trong số đó là bản cập nhật vào tháng 5/2019.
Mikhail Klimarev, giám đốc điều hành của Hiệp hội bảo vệ Internet, xác nhận rằng tổng thống Putin thực sự sử dụng một phiên bản lỗi thời của hệ điều hành Mỹ, sau khi đánh giá các bức ảnh trên.
Chủ tịch Ngân hàng Nga Elvira Nabiullina trong cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin Ảnh: kremlin.ru
Sau XP, Microsoft đã phát hành thêm một số phiên bản Windows, bao gồm Windows Vista, Windows 7 và gần nhất là Windows 10 vào tháng 7/2015. Một thập kỷ sau khi phát hành, XP vẫn là phiên bản hệ điều hành phổ biến nhất cho máy tính để bàn, nhưng đến tháng 11/2019, nó chỉ được cài đặt trên 1,3% máy tính trên toàn thế giới.
Theo ông Klimarev, nhiều khả năng tổng thống Nga không thể sử dụng phiên bản Windows mới nhất, vì nó không thông qua chứng nhận của Dịch vụ kiểm soát kỹ thuật và xuất khẩu liên bang Nga (FSTEC). Điều đó có nghĩa là, theo quan điểm của các nhà chức trách Nga, nó không được coi là an toàn để cài đặt trên máy tính của các quan chức nhà nước cấp cao.
Nói một cách đơn giản hơn, Windows XP đã thực sự trở thành hệ điều hành cuối cùng của Microsoft được chứng nhận sử dụng trong các cơ quan chính phủ Nga, theo tài liệu từ FSTEC. Còn Windows 10 được chứng nhận chỉ sử dụng để bảo vệ thông tin không chứa bí mật nhà nước. Do đó, nó không thể xuất hiện trên máy tính của tổng thống Putin, để ông có thể xem các tài liệu có chứng chỉ bí mật trên đó.
Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một cuộc họp video tại nơi ông cư trú ở Novo-Ogaryovo. Ảnh: kremlin.ru
Trên thực tế, ông Putin có thể sử dụng hệ điều hành do Nga sản xuất trên máy tính cá nhân của mình. Trong nhiều năm qua, các quan chức Nga đã ấp ủ kế hoạch từ bỏ hoàn toàn phần mềm nước ngoài trong hệ thống chính phủ. Chẳng hạn, bắt đầu từ năm 2017, ban quản lý các vấn đề của Tổng thống đã lên kế hoạch chuyển các quan chức của điện Kremlin sang làm việc trên hệ điều hành nội địa là Astra Linux, do tổ chức phi chính phủ RusBitech tạo ra. Đây là hệ thống duy nhất nhận được chứng chỉ của FSTEC, FSB và Bộ Quốc phòng Nga, cho phép nó được sử dụng để làm việc với các tài liệu ở bất kỳ mức độ bí mật nào.
Tuy nhiên, vào đầu năm 2018, một báo cáo cho biết văn phòng tổng thống đã phải hoãn các kế hoạch này do không có sẵn Astra Linux. Theo các kế hoạch được cập nhật, ít nhất 80% tất cả các máy tính của các quan chức ở điện Kremlin nên được chuyển sang hệ điều hành mới này bởi ban quản lý của Tổng thống chỉ làm việc vào cuối năm 2019. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì điện Kremlin vẫn không mua hệ điều hành nói trên.
Phát ngôn viên của tổng thống Nga, Dmitry Peskov, đã không trả lời câu hỏi của Open Media về việc tại sao hệ điều hành này chưa được cài đặt trên máy tính của tổng thống Vladimir Putin. Đại diện của tổ chức phi chính phủ RusBitech thì chỉ lưu ý rằng công ty của ông đang cung cấp Astra Linux cho một số bộ phận chính phủ. Chẳng hạn vào mùa hè năm 2018, Bộ Quốc phòng Nga đã mua nó để từ bỏ hoàn toàn hệ điều hành Windows.
Tuy nhiên, trên thực tế các bí mật của Nga có thể không bị ảnh hưởng do việc tổng thống sử dụng một hệ điều hành lỗi thời của Mỹ. Vởi vì Vladimir Putin đã nhiều lần nhấn mạnh rằng ông thực tế không sử dụng Internet. Vào tháng 2/2018, tổng thống lưu ý rằng ông không có điện thoại thông minh. Phát ngôn viên Dmitry Peskov cũng lưu ý rằng ông Putin thậm chí không có điện thoại di động, bởi vì "tổng thống của một quốc gia như Nga không nên đưa tất cả mọi thứ lên màn hình công cộng".
Tham khảo OpenMedia
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Những tiểu tiết bạn có thể đã bỏ qua trong trailer The Witcher 4