Ichthys là một hình mà ngay cả một đứa trẻ lên 3 cũng có thể vẽ được. Nhưng khi nó quay tròn, bạn sẽ phải tự hỏi điều gì đang diễn ra vậy?
Đã bao giờ bạn tự hỏi: Liệu có khi nào mình sẽ đi lạc vào một chiều không gian hay một thực tại khác hay không? Mọi sự vật, sự việc và cả con người trong thực tại đó tưởng chừng giống hệt với thực tại của bạn, nhưng thực ra bạn chỉ đang bị đánh lừa mà thôi. Đó là một thế giới hoàn toàn khác, với những sự vật, sự việc và con người hoàn toàn khác.
Không cần phải mất thời giờ xem lại bộ phim Coherence để trải nghiệm tưởng tượng thú vị đó, chỉ cần nhìn vào 3 video đã đoạt giải "Ảo giác ấn tượng nhất năm 2019" do hiệp hội Neural Correlate bình chọn, là bạn đã có thể phải nghi ngờ về thực tại mình đang sống.
Hãy cùng điểm qua những tác phẩm nghệ thuật này để xem chúng hại não đến mức độ nào?
Dual axis illusion - Frank Force
Giải nhất: Ảo giác trục xoay kép (Frank Force)
Ảo giác ấn tượng nhất năm là cuộc thi được tổ chức thường niên bởi Neural Correlate. Trong đó, các thành viên của hiệp hội bao gồm nhiều nghệ sĩ, nhà khoa học, thần kinh học trên khắp thế giới sẽ bỏ phiếu để bình chọn ra các tác phẩm dự thi xuất sắc nhất, đạt tiêu chí làm lú lẫn não bộ con người nhất.
Năm nay, giải nhất của cuộc thi đã được trao cho Frank Force, một nhà lập trình game người Mỹ, cho tác phẩm Ảo giác trục xoay kép (Dual Axis Rotation Illusion) của anh.
Ảo giác này xuất phát từ một hình đơn giản và hết sức ngây thơ: biểu tượng con cá ichthys của người Hy Lạp. Khi đứng yên, nó chỉ là hai đường vòng cung bắt chéo vào nhau, với phần cuối kéo dài ra như một chiếc đuôi cá. Ichthys là một hình mà ngay cả một đứa trẻ lên 3 cũng có thể vẽ được.
Nhưng khi Frank Force tạo ra một hình con cá quay tròn, biểu tượng này đột nhiên thể hiện một cấu trúc phức tạp hơn rất nhiều. Ở đây, bạn có thể thấy nó quay theo trục ngang, từ trái sang phải, mà cũng có thể là từ phải sang trái. Rồi một lúc bạn sẽ thấy nó quay theo trục dọc, từ trên xuống dưới, mà cũng có thể là từ dưới lên trên.
Khi mới nhìn vào ảo giác này lần đầu, các tín hiệu thị giác sẽ khóa não bộ bạn vào một nhận thức chiều chuyển động nhất định. Nhưng nếu nhìn đủ lâu, bạn sẽ thấy chuyển động ấy thay đổi theo cả 4 kịch bản khác nhau. Não bộ của bạn sẽ phải đặt câu hỏi: Nó đang nhìn thấy cái quái gì vậy?
Change the color - Haruaki Fukuda
Giải nhì: Ảo giác thay đổi màu sắc (Haruaki Fukuda)
Trong tất cả những thứ não bộ chúng ta tạo ra mà chính nó cũng không thể hiểu nổi, việc nhận thức về màu sắc bị thay đổi dựa trên chuyển động của đối tượng có lẽ là điều khó hiểu nhất.
Như trong ảo giác Thay đổi màu sắc mà tác giả Haruaki Fukuda đến từ Đại học Tokyo đã tạo ra ở đây, những gì bạn thấy ban đầu là các chấm đỏ và xanh lá cây di chuyển từ trên xuống dưới, thực ra cũng có thể là các chấm vàng đang di chuyển từ trái sang phải nếu bạn nhìn chúng đủ lâu.
Có thể bạn sẽ phải mất một chút thời gian để tập trung và thay đổi nhận thức về chuyển động của chúng, nhưng một khi nó xảy ra, BOOM, bạn sẽ giật mình khi thấy màu vàng. Đó cũng là ví dụ cho thấy hàng triệu pixel trên màn hình LCD đã được sử dụng để đánh lừa thị giác của bạn như thế nào.
The rotating circles illusion - Ryan E.B. Mruczek, Gideon Paul Caplovitz
Giải ba: Ảo giác vòng tròn xoay (Ryan E.B. Mruczek và Gideon Paul Caplovitz)
Có thể bạn đã thấy nhiều ảo giác quang học, trong đó, sự chuyển động của một vật thể này dường như có thể làm thay đổi nhận thức về chuyển động của một vật thế khác. Trong khi thực tế là chuyển động của vật thể mục tiêu chẳng có gì thay đổi, chỉ có bộ não của bạn bị làm cho lẫn lộn.
Ryan E.B. Mruczek và Gideon Paul Caplovitz đã tạo nên một ví dụ cụ thể cho điều đó, với Ảo giác vòng tròn quay đạt giải ba trong cuộc thi Ảo giác ấn tượng nhất năm nay.
Ban đầu, Mruczek và Caplovitz tạo ra một vòng tròn đen lăn xung quanh một chấm tròn trắng nhỏ. Nó cứ quay liên tục như vậy từ đầu tới cuối. Nhưng khi được đặt vào một khung cảnh giữa một số chuyển động của những vòng tròn khác, bạn sẽ thấy vòng tròn đen ban đầu di chuyển theo những quỹ đạo hoàn toàn khác nhau, khi thì nảy lên xuống, khi thì đu đưa từ trái sang phải, thậm chí có khi còn di chuyển dọc theo 3 cạnh của một hình tam giác vô hình.
Nếu thấy bối rối, bạn cứ thử lấy tay che vào màn hình để xem liệu vòng tròn đen ban đầu có chắc chắn đang di chuyển theo đường đi ban đầu của nó hay không? Rõ ràng là nó vẫn lăn xung quanh một điểm, chỉ là não bộ của bạn đang bị lẫn lộn lên mà thôi.
Tham khảo Gizmodo
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Hai nhà khoa học giành giải Nobel Y học 2024 vì khám phá ra microRNA
Nghiên cứu của Ambros và Ruvkun có ý nghĩa rất lớn với việc tìm ra phương pháp điều trị nhiều căn bệnh, bao gồm cả ung thư.
Bị Mỹ cấm vận, người Nga bất ngờ có trên tay sản phẩm chưa ra mắt của Apple