TopZone đánh dấu sự hợp tác của Thế Giới Di Động - nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam với Apple.
Tại sự kiện kiện ra mắt TopZone vào ngày 16/10 vừa rồi, ông Đoàn Văn Hiểu Em - CEO hai chuỗi Thế Giới Di Động và Điện máy Xanh chia sẻ: "Với việc bắt tay với Apple, chúng tôi cho ra đời cửa hàng TopZone với kỳ vọng mang đến cho khách hàng không gian trải nghiệm mua sắm thú vị hơn các dòng sản phẩm của Apple."
Có thể coi, sự kết hợp lần này giữa Thế Giới Di Động - ông trùm ngành bán lẻ công nghệ tại Việt Nam với Apple là mối hợp tác win - win (cùng thắng). Cả hai đều có thể dựa vào những lợi thế của nhau để thúc đẩy thị phần, tăng doanh thu tại một trong những thị trường được đánh giá là sôi động bậc nhất khu vực Đông Nam Á.
Apple đang kinh doanh ra sao tại Việt Nam?
Theo số liệu từ GfK, thị trường smartphone Việt Nam hiện đang giữ quy mô khoảng 3 tỷ USD. Thống kê cũng cho thấy tiềm năng thị trường smartphone khi giữ vị trí số 10 trên toàn cầu về số lượng người dùng.
Trong toàn bộ thị trường smartphone, Apple hiện chiếm 8,4% thị phần, đứng trong top 5 thương hiệu smartphone bán chạy nhất Việt Nam tại tháng 3/2021. Dù chỉ xếp thứ 5 thị phần, song Apple lại đang thống trị phân khúc smartphone cao cấp. Theo thống kê từ GfK, iPhone 12 Pro Max là mẫu smartphone cao cấp hàng đầu nằm trong danh sách 10 chiếc điện thoại bán chạy tại Việt Nam đầu năm 2020.
Nhìn lại vài năm trước, số liệu từ GfK cho thấy trong tháng 3/2019, hai gã khổng lồ Apple và Samsung đã chiếm đến 99,2% thị phần di động cao cấp tại Việt Nam. Trong đó, 42,8% thuộc về Apple và 56,4% của Samsung.
Hiện tại, bên cạnh Apple và Samsung, thị trường smartphone cao cấp tại Việt Nam đã trở nên sôi động hơn với sự xuất hiện của hàng loạt tên tuổi như Xiaomi, Oppo, Vivo và Sony. Dù vậy, Apple vẫn là cái tên nổi bật.
Chiếm thị phần đáng kể tại Việt Nam song đến nay Apple vẫn chưa mở Apple Store tại Việt Nam, trong khi các thương hiệu nước ngoài như Xiaomi, Huawei hay Samsung đều đang sở hữu số lượng cửa hàng riêng nhất định, bên cạnh các đại lý uỷ quyền khác.
Hiện Táo khuyết mới chỉ đang duy trì các shop mono brand với số lượng khiêm tốn và không được cập nhật theo những quy chuẩn thiết kế mới nhất của Apple.
Điều này vô tình khiến Apple rơi vào thế bất lợi khi cạnh tranh với các thương hiệu khác tại thị trường Việt Nam. Dễ thấy, mặc dù đứng trong top 5 nhiều năm liền song vị trí của Apple không có sự đột biến. Trong khi đó, các đơn vị sản xuất điện thoại thông minh đến từ Trung Quốc và Hàn Quốc lần lượt chia nhau top đầu.
Mặt khác, nguồn cung iPhone chính hãng trên thị trường Việt Nam hiện nay mới chiếm 60%, theo khảo sát từ Tomorrow Marketers. Điều đó đồng nghĩa với việc 40% sản phẩm còn lại là hàng xách tay.
Nguồn hàng xách tay trôi nổi lớn có thể tác động tiêu cực tới thương hiệu và uy tín về chất lượng sản phẩm của Apple. Trong khi số lượng cửa hàng chuyên kinh doanh sản phẩm Apple còn tương đối thấp, và số lượng cửa hàng cao cấp để người dùng có thể trải nghiệm phương thức mua hàng chuẩn Apple còn thấp hơn nữa.
Với những lỗ hổng trên, rõ ràng dư địa để Apple tiếp tục dành thị phần và tăng doanh số tại Việt Nam vẫn còn rất nhiều. Đặc biệt với sức mạnh thương hiệu và xu hướng phát triển dải sản phẩm có phổ giá rộng trong những năm qua, Apple hoàn toàn có khả năng cạnh tranh sòng phẳng với những cái tên ở vị trí số 1, số 2 thị trường. Điều Apple còn thiếu ở Việt Nam là một hệ thống phân phối uỷ quyền đủ mạnh, đủ uy tín để khỏa lấp chỗ trống đó. Và Thế Giới Di Động là đối tác đầy tiềm năng.
Tại sao lại là Thế Giới Di Động?
Hợp tác với Apple để phân phối sản phẩm là mô hình kinh doanh không mới tại Việt Nam. Trước Thế Giới Di Động, nhiều đơn vị bán lẻ khác cũng đã thực hiện bước đi này song với một tiến độ triển khai rất chậm. Đơn cử như một nhà bán lẻ đã bắt tay với Apple mở cửa hàng bán độc quyền sản phẩm Táo khuyết từ những năm 2012, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, đơn vị này mới chỉ triển khai được 15 điểm bán.
Riêng lần này với Thế Giới Di Động, đây có thể nói là một động thái hợp tác chưa từng có tiền lệ của gã khổng lồ công nghệ xứ Cupertino. Đây là mô hình uỷ quyền ở cấp độ cao với những quy chuẩn không khác Apple Store từ sản phẩm kinh doanh tới thiết kế cửa hàng.
Theo chia sẻ từ phía Thế Giới Di Động, kế hoạch được bàn bạc từ tháng 8/2021 và rất nhanh chóng, chưa đầy hai tháng cả hai bên đã quyết định đưa vào hoạt động 4 cửa hàng vào ngày 22/10 tới. Mục tiêu chậm nhất quý I năm sau, hoàn thành 60 điểm bán cho chuỗi TopZone - con số vô tiền khoáng hậu của Apple đối với một thị trường như Việt Nam.
"Đằng sau thương hiệu TopZone được ra mắt là cả một quá trình. Để hình thành hệ sinh thái TopZone tại Việt Nam với quy mô lớn và những quy chuẩn ngặt nghèo từ website tới cửa hàng thì chỉ có Thế Giới Di Động mới làm nổi", lãnh đạo công ty chia sẻ.
Dễ hiểu khi với kinh nghiệm và vị thế là ông trùm bán lẻ sản phẩm công nghệ tại Việt Nam với hơn 2.700 cửa hàng trên toàn quốc, Apple hoàn toàn có thể tin tưởng gửi gắm các sản phẩm đỉnh cao của mình cho Thế Giới Di Động.
Theo thông tin công bố, khi mua hàng tại TopZone, khách hàng sẽ được hưởng chính sách bảo hành, đổi trả tại hơn 2.700 điểm bán của Thế Giới Di Động. Đơn cử như khách hàng có thể mua hàng ở Topzone, và đổi trả bảo hành ở tất cả các cửa hàng của Thế Giới Di Động và Điện máy Xanh.
Mọi sản phẩm cao cấp nhất của Apple đều được kinh doanh tại chuỗi này. Mặt khác, toàn bộ quy trình bán hàng, chăm sóc khách hàng đều được đào tạo theo chuẩn của Apple.
Chia sẻ về những kỳ vọng vào sự hợp tác lần này với Apple, lãnh đạo Thế Giới Di Động bộc bạch: "Hiện tại, ở một số quốc gia phát triển, có khá nhiều cửa hàng Apple Store, đây là những cửa hàng do chính Apple sở hữu và vận hành. Việt Nam và nhiều nước Đông Nam Á vẫn chưa có Apple Store. Tuy nhiên, Việt Nam lại có lượng khách hàng yêu mến thương hiệu Apple rất lớn, đây là lý do chính Thế Giới Di Động muốn mang mô hình ủy quyền này về Việt Nam để các khách hàng có một không gian mua sắm, trải nghiệm đúng chuẩn Apple."
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Để sống đến năm 200 tuổi, tỷ phú Bryan Johnson lại thử nghiệm phương pháp trường sinh mới
Johnson gọi mục tiêu sống đến năm 200 tuổi của mình là “cuộc cách mạng quan trọng nhất trong lịch sử của Homo sapiens”.
ChatGPT đã có thể đọc và viết code trực tiếp trên các công cụ lập trình: Thêm một bước thay thế công việc của coder?