Toyota có xe điện nạp 1 lần đi 1360km, thế hệ mới sẽ rẻ bằng một nửa, bền gấp 2,5 lần động cơ diesel
(Tổ Quốc) - Toyota Mirai từng được Guinness xác nhận đi được 1360km với một bình năng lượng đầy.
- Loạt khách mời công nghệ có mặt tại Better Choice Awards: Người lái xe hơn 3.000km, người đến chỉ vì Đen, nhưng ai cũng choáng ngợp bởi sự hoành tráng và thiết thực
- Pin thể rắn: Vũ khí bí mật giúp Toyota giành ngôi vương ngành xe điện từ tay Trung Quốc và Elon Musk
- Đã bán xe điện được 7 năm, CEO GM vừa ngậm ngùi thừa nhận: Càng làm càng thấy không suôn sẻ!
Trong một phỏng vấn với tờ Autocar, Giám đốc Công nghệ Toyota, ông Hiroki Nakajima, đã xác nhận về định hướng mới của Toyota trong phát triển công nghệ năng lượng hydro. Theo đó, Toyota sẽ ưu tiên phát triển công nghệ cho các dòng xe chuyên dùng thay vì các dòng xe phổ thông như trước đây.
Trên thực tế, Toyota từ lâu vẫn được ghi nhận là nhà sản xuất xe tiên phong với công nghệ năng lượng hydro, nhất là với mẫu sedan hạng sang Toyota Mirai. Song, tới nay Toyota vẫn chưa thể triển khai một cách rộng rãi. Một phần lý do đằng sau là vì xây dựng một trạm nạp hydro rất phức tạp, cần đầu tư lớn.
Trả lời tờ Autocar, ông Hiroki Nakajima cho biết: "Chúng tôi đã thử với Mirai nhưng chưa thành công. Có rất ít trạm nạp hydro, rất khó để xây dựng, nên Mirai [có doanh số khiêm tốn]."
Giám đốc Công nghệ Toyota cho rằng xây dựng trạm nạp hydro rất phức tạp.
Toyota Mirai từng khiến nhiều người bất ngờ khi hồi tháng 10/2021, mẫu xe này đã được Sách kỷ lục Guinness xác nhận một thành tích nổi bật: Đi liên tục 1360km không cần tiếp năng lượng. Để xác lập kỷ lục này, Toyota Mirai đã phải thực hiện 2 chặng di chuyển tại Mỹ, gồm 761 km ở chặng đầu và 598km ở chặng sau cùng, tất cả chỉ với một bình hydro đầy.
Toyota Mirai có một bình chứa hydro lỏng trên xe. Hydro sẽ cùng với oxy ở môi trường tham gia vào một phản ứng Oxy hóa - khử trong các ngăn xếp pin nhiên liệu; nước là thứ duy nhất chiếc xe thải ra môi trường. Tuy nhiên, bên cạnh nước thì quá trình phản ứng diễn ra cũng tạo ra điện, là năng lượng giúp mô tơ điện hoạt động và làm xe di chuyển. Dù năng lượng lưu trữ trên xe là hydro lỏng nhưng chiếc xe vẫn cần điện để hoạt động nên vẫn có thể coi là xe điện.
Toyota Mirai được Guinness xác nhận có thể đi 1360km với một bình hydro đầy.
Có thể Toyota chưa thành công với công nghệ này trên các mẫu xe phổ thông nhưng với xe chuyên dùng, hydro có thể mở ra một cánh cửa mới. Các mẫu xe chuyên dùng cần chở một khối lượng hàng lớn, cần đi xa nên công nghệ pin và công nghệ sạc ngày nay dường như chưa thể đáp ứng tốt. Xe chuyên dùng sử dụng công nghệ hydro không chỉ dễ dàng tiếp năng lượng trong thời gian ngắn mà bên cạnh đó, hệ thống nạp năng lượng cũng có thể được kiểm soát dễ dàng.
Theo ông Hiroki Nakajima: "Với những mẫu xe tải cỡ trung, [xây dựng trạm tiếp hydro] rất đơn giản, khi chủ yếu chạy từ A đến B. Vì có rất nhiều xe cùng di chuyển từ A sang B nên bạn có thể xây dựng cố định các trạm nạp hydro. Xe chuyên dùng là mảng rất nên thử và phát triển với công nghệ hydro".
Cùng với xe tải, ông Hiroki Nakajima cho rằng xe bán tải cũng có thể phù hợp với năng lượng hydro.
Trạm nạp hydro của Toyota tại Úc. Ảnh: Joel Strickland / Toyota
Tuy nhiên, ông Hiroki Nakajima cũng bày tỏ rằng Toyota "chưa muốn dừng hoàn toàn [năng lượng hydro] với xe con" và vẫn đang tìm cách để tối ưu kích thước thiết bị, trong đó bao gồm ngăn xếp pin và bình chứa hydro. Bộ thiết bị có kích thước nhỏ hơn cũng sẽ giúp tương thích với nhiều dòng xe khác nhau và có thể áp dụng được rộng hơn.
Ông Hiroki Nakajima cho biết: "Chúng tôi muốn giảm kích thước công nghệ hydro trên xe con".
Toyota từng cho biết rằng công nghệ pin năng lượng hydro thế hệ mới nhất mà hãng đang phát triển có chi phí bằng một nửa công nghệ hiện tại, nhưng lại có độ bền bằng 2 đến 2,5 lần động cơ diesel. Công nghệ mới cũng nâng cao hiệu quả lên 20% - yếu tố quan trọng giúp giảm chi phí năng lượng với các dòng xe chuyên dùng.
Công nghệ hydro mới được phát triển ưu tiên cho xe chuyên dùng, nhưng Toyota cũng sẽ phát triển loại chỉ có kích thước bằng một nửa để áp dụng trên các mẫu xe con. Toyota cũng đang nghiên cứu để áp dụng công nghệ pin hydro kích thước nhỏ bên ngoài ngành xe, ví dụ như xe công trường hay trong ngành y tế.
Bên cạnh xe con và xe chuyên dùng, Toyota muốn khai phá thêm ở các ngành khác.
Ông Hiroki Nakajima cũng tiết lộ về công nghệ pin mà Toyota đang nghiên cứu - là công nghệ pin thể rắn mà hãng sẽ bắt đầu sử dụng từ năm 2027 hoặc năm 2028. Công nghệ pin thể rắn được xem là bước ngoặt đối với xe điện khi có tiềm năng nâng cao mật độ năng lượng, đồng thời giảm kích thước, trọng lượng và chi phí sản xuất.
Theo ông Hiroki Nakajima thì những khối pin thể rắn đầu tiên sẽ có chi phí rất cao và sẽ chỉ sử dụng trên "xe hiệu suất cao" hoặc xe có "hiệu suất sạc cao". Toyota đang cùng đối tác Idemitsu nghiên cứu công nghệ pin thể rắn.
Trong lúc chờ công nghệ pin thể rắn, Toyota sẽ giới thiệu công nghệ pin Li-ion thế hệ tiếp theo tiếp theo cùng với những mẫu xe điện tương lai từ năm 2026.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"