TP.HCM có thể trở thành thành phố thông minh trong 10 năm tới

    PV,  

    Mục tiêu xây dựng TP.HCM thành thành phố thông minh với ứng dụng CNTT và viễn thông trong quản lý đô thị để thúc đẩy sự tương tác giữa người dân, doanh nghiệp, và chính quyền nhanh chóng và hiệu quả, hướng tới thành phố có chất lượng sống tốt

    TP.HCM đang gấp rút triển khai Đề án Đô thị thông minh, dự kiến hoàn thành vào ngày 15/12 sắp tới. Tại hội thảo “Quản lý xây dựng, chỉnh trang và phát triển đô thị TP.HCM” tổ chức gần đây, bài viết “Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh thành thành phố thông minh” của ông Nguyễn Đăng Sơn, Viện phó Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng (IUS) thuộc Tổng hội Xây dựng Việt Nam đã được dùng làm tại liệu tại hội thảo.

     Mô hình một dự án nhà cao tầng được trưng bày bên lề hội thảo “Quản lý xây dựng, chỉnh trang và phát triển đô thị TP.HCM” - Ảnh: H.Đ

    Mô hình một dự án nhà cao tầng được trưng bày bên lề hội thảo “Quản lý xây dựng, chỉnh trang và phát triển đô thị TP.HCM” - Ảnh: H.Đ

    Theo Viện phó Viện IUS, để xây dựng TP.HCM thành thành phố thông minh cần 3 bước.

    Trước tiên cần: Xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin viễn thông, xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung và quy hoạch của thành phố (cho doanh nghiệp, người dân, nhà quản lý, nhà đầu tư…), định kỳ điều chỉnh, hoàn thiện quy hoạch của thành phố (quy hoạch động, phát hiện sớm các nguy cơ ách tắc, điểm nghẽn trong phát triển thành phố, từ đó bổ sung các giải pháp quy hoạch mới).

    Tiếp đến cần quản lý ngành và các dịch vụ thông minh: Quản lý giao thông thông minh với hiện trạng giao thông cập nhật hàng ngày, hàng quý, hàng năm, và 5 năm, 10 năm, 20 năm; hệ thống bãi đậu xe thông minh; hệ thống thu phí thông minh… Quản lý môi trường thông minh với chất lượng môi trường không khí, nước, chất thải, tiếng ồn các khu vực thành phố được cập nhật hàng ngày, hàng quý, hàng năm; Quy hoạch xử lý rác thải công nghiệp, gia đình và rác y tế 5 năm, 10 năm, 20 năm; Quản lý y tế thông minh, giáo dục thông minh…

    Cuối cùng, cần tăng cường sự tham gia với các sáng kiến của người dân. Người dân phải là đồng tác giả, đồng thời có sự tham gia giám sát thực hiện, đánh giá sự hài lòng của người dân.

    Tham luận của ông Sơn viết, “nói đến đô thị thông minh là người lãnh đạo không để xảy ra các vấn đề cấp bách rồi mới xử lý mà phải dự báo để xử lý”.

    Bài viết cũng cho biết UBND TP.HCM xác định 4 mục tiêu cơ bản để trở thành thành phố thông minh từ nay đến 2025, đó là: thúc đẩy phát triển kinh tế, môi trường sống tốt hơn, người dân và doanh nghiệp được phục vụ tốt hơn, người dân tham gia quản lý và giám sát chính quyền.

    Về cơ sở dữ liệu: Hệ thống công nghệ thông tin có sẵn hiện đã được từng ngành xây dựng. Trên cơ sở đó việc trước mắt cần tập trung là xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung cho tất cả các lĩnh vực. Hiện nay cơ sở dữ liệu tổng hợp thành phố còn yếu kém, hạn chế.

    Về hạ tầng mạng, thành phố sẽ ký kết một hợp đồng hợp tác với VNPT để doanh nghiệp này cùng tham gia xây dựng đề án thành phố thông minh. Hiện nay VNPT có sẵn cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, có nguồn lực, kinh nghiệm. Xây dựng thành phố thông minh là một đề tài rất nóng, là yêu cầu cấp bách đối với thành phố có dân số gia tăng nhanh và đòi hỏi tốc độ kinh tế tốc độ phát triển nhanh như TP.HCM nên không thể chậm trễ.

     Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong (áo sơ mi trắng) đang xem một mô hình dự án tại hội thảo - Ảnh: H.Đ

    Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong (áo sơ mi trắng) đang xem một mô hình dự án tại hội thảo - Ảnh: H.Đ

    Tham luận dẫn ý kiến VNPT cho rằng, mục tiêu trong 10 năm tới TP.HCM sẽ trở thành thành phố thông minh là hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên, TP cần phân ra hai giai đoạn thực hiện. Đầu tiên trong 5 năm tới sẽ tập trung thực hiện chương trình giao thông thông minh, y tế thông minh, giám sát môi trường thông minh, để giải quyết các hạn chế bức xúc của người dân như kẹt xe, ngập nước, y tế. Sau đó, trong giai đoạn tiếp theo tùy vào yêu cầu thực hiện các bước làm thành phố thông minh hơn.

    Những tiện ích mà người dân thụ hưởng khi TP.HCM trở thành thành phố thông minh gồm: chính phủ điện tử, hệ thống giao thông thông minh, quản lý lưới điện, quản lý nguồn nước sạch, giám sát môi trường, quản lý rác thải. Tất cả những tiện ích này tập trung vào 5 lĩnh vực thành phố cần phát triển mang tính bền vững gồm giao thông, an ninh, môi trường, y tế, và du lịch.

    Bài tham luận cũng dẫn ý kiến Microsoft cho biết xây dựng thành phố thông minh hiện đại phải được dựa trên cơ sở nền tảng chuyển đổi sang kỹ thuật số nhưng phải đặt con người lên hàng đầu.

    Các giải pháp đưa ra là phải xây dựng thành phố hiện đại, an toàn, khỏe mạnh hơn, thành phố đào tạo, thành phố phát triển bền vững. Đặc biệt trong lộ trình chính phủ điện tử cần công bố thông tin rộng rãi, trao đổi hai chiều, xây dựng cổng thông tin đa mục đích, cổng thông tin được cá nhân hóa. Đồng thời cần cung cấp dịch vụ công hiệu quả và thúc đẩy quan hệ giữa người dân với chính quyền thành phố, kết nối mọi người và thông tin không biên giới - cho phép cộng tác trực tuyến từ xa và cho phép người dân tương tác với quan chức một cách đơn giản, dễ dàng, nhanh chóng.

    Trong xây dựng thành phố thông minh các dịch vụ cho công dân phải chú trọng dịch vụ công hiệu quả hơn và đẩy mạnh quan hệ giữa người dân và chính quyền thành phố.

    Tóm lại có thể nói xây dựng TP.HCM thành thành phố thông minh là ứng dụng CNTT và viễn thông trong quản lý đô thị để thúc đẩy sự tương tác giữa người dân, doanh nghiệp, và chính quyền nhanh chóng và hiệu quả, hướng tới thành phố có chất lượng sống tốt. Đồng thời cũng “tương tác giữa thành phố và thế giới thông qua siêu xa lộ thông tin” trong toàn cầu hóa để TP.HCM trở thành “điểm nút của mạng lưới kinh tế toàn cầu” có tính cạnh tranh cao hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

    Theo ICTNews

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ