Chất lượng ứng dụng "Tiêu chuẩn Apple" giờ đang ở nơi đâu?
Từng là công ty đặt ra những chuẩn mực cho sự kết hợp giữa phần cứng và phần mềm nhưng đến giờ khi công ty đang tìm kiếm những hướng đi mới, những chuẩn mực đó dường không phải lúc nào cũng được tuân theo nữa.
Phóng viên công nghệ Walt Mossberg, giờ đang là Quản lý biên tập của trang The Verge và là biên tập viên trên trang Re/Code. Dưới đây là đánh giá của ông về các trải nghiệm với phần mềm của Apple trong thời gian gần đây.
Mọi người cho rằng Apple là nhà sản xuất ra các phần cứng xuất sắc, và có những thiết bị tốt nhất để mua. Ví dụ, sản phẩm quan trọng nhất của công ty, iPhone, chiếc smartphone tốt nhất thị trường xét theo tổng thể.
Một thiết bị xuất sắc không chỉ là sự kết hợp giữa kim loại, kính và silicon. Một phần rất lớn của các trải nghiệm người dùng có được từ những phần mềm Apple tích hợp bên trong thiết bị, không chỉ iPhone mà từ chiếc Mac đầu tiên vào năm 1984. Cho dù là hệ điều hành hay ứng dụng lõi, một khía cạnh quan trọng mà cả người dùng và nhà phê bình đánh giá cao phần mềm của Apple là ít tiêu thụ năng lượng, đáng tin cậy và dễ sử dụng. “Nó chỉ hoạt động” cụm từ yêu thích của Steve Jobs.
Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, tôi nhận ra sự suy thoái dần về chất lượng và sự ổn định xuất hiện trong các ứng dụng lõi của Apple, không chỉ iOS mà còn Mac OS X. Điều này dường như là một kết quả khó tránh khỏi khi người khổng lồ công nghệ này đang hướng sự chú ý đến những giấc mơ mới hơn như smartwatch hay ô tô, thay vì những sẩn phẩm cốt lõi.
Đừng vội cho rằng đó là điều gì kinh khủng. Trên thực tế, những ứng dụng lõi của Apple vẫn hoạt động tốt, nếu không muốn nói là thú vị. Ứng dụng iMessage, ứng dụng Notes mới, Apple Pay, Touch ID, Safari, AirPlay, và nhiều ứng dụng khác nữa, vẫn là những ứng dụng tuyệt vời.
Nhưng những ngoại lệ đang tăng lên. Nếu có thể liệt kê ra một vài phần mềm “tịt ngòi” nổi tiếng của Apple, ta sẽ thấy có MobileMe, dịch vụ đám mây iTunes Ping, cũng như Apple Maps khi lần đầu xuất hiện (giờ ứng dụng đó đã được cải thiện đáng kể). Ngoài ra, không thể không kể đến ứng dụng đọc báo không mấy nổi bật Apple News.
Nhưng không chỉ những ngoại lệ này, ngay cả những ứng dụng quen thuộc với người dùng, như Mail, Photos, iTunes hay iCloud, cũng thường không đáp ứng được những tiêu chuẩn Apple tự đặt ra cho mình. Không chỉ trên iOS, mà còn trên OS X, cụm từ “Nó chỉ hoạt động” nổi tiếng của Jobs đôi khi không còn làm việc như bạn muốn.
iTunes cho máy để bàn: Tôi sợ mở thứ này ra.
Chương trình iTunes của từng là niềm ghen tỵ của thế giới với Apple. Một cửa hàng nhạc số kết hợp với trình nghe nhạc trên máy tính, ngoài ra còn có thể đồng bộ với iPod nữa. Không những thế, nó còn rất nhanh và đáng tin cậy trên cả Windows và Mac.
Cho dù đã có một cuộc cải tổ lớn trong năm 2012, iTunes một lần nữa trở nên cồng kềnh, phức tạp và chậm chạp. Đặc biệt điều này càng tệ hơn sau khi tích hợp dịch vụ âm nhạc trực tuyến Apple Music. Tôi đã thử đồng bộ hai chiếc iPad với iTunes nhưng dường như chương trình sẽ chạy mãi mà không nhận ra thiết bị. Trong khi đó, trên chiếc Mac phiên bản năm 2015, iTunes trở nên quá chậm để thực hiện được hầu hết các tác vụ.
Có lẽ đã đến lúc tách riêng những chức năng của ứng dụng này. Giống như cách Apple đã làm trên iOS, khi iTunes chỉ là một cửa hàng với từng loại nội dung riêng biệt, như âm nhạc, video, và có một trình phát nhạc của riêng mình. Công ty thừa nhận rằng họ đã thảo luận về điều này, nhưng cho đến lúc họ tìm ra giải pháp, người dùng vẫn phải chấp nhận dùng một chương trình nặng nề vì ôm đồm quá nhiều thứ bên trong.
Mail: Rắc rối còn vượt quá cả Gmail.
Ứng dụng mail trên desktop và di động của Apple đã từng là một điều tuyệt vời, nhưng giờ những tính năng thú vị của ứng dụng này đang trở nên chậm dần và không ổn định. Điều này đặc biệt đúng khi bạn sử dụng Gmail như một tỷ người đang làm. Với tôi, trên cả iOS và OS X, Mail trở nên chậm chạp mỗi khi nhận và gửi thư của Gmail, cho dù từ tài khoản cá nhân hay doanh nghiệp. Một số email không hiện hết, trong khi tìm kiếm thì bỏ sót một số kết quả.
Với những người dựa vào Gmail như tôi, giải pháp là bắt buộc phải chuyển sang dùng thêm ứng dụng Gmail của Google hoặc mở trên trình duyệt. Apple tuyên bố đó là vấn đề ngoài tầm kiểm soát của họ, hay bất cứ nhà phát hành ứng dụng email nào khác. Họ cho rằng Gmail sử dụng công nghệ không theo chuẩn để có được lợi thế về tốc độ cho các ứng dụng và trang web riêng của mình.
Nhưng vấn đề không chỉ ở Gmail. Trên cả iOS và OS X, đều có rất nhiều ứng dụng email khác, giúp bạn phân loại email nhanh hơn, tự động sắp xếp email một cách thông minh và nhiều hơn nữa. Apple dường như không dám mạo hiểm trong lĩnh vực này, ngoài động tác vuốt ngang để xử lý tin nhắn. Không chỉ vậy, ngay cả bộ lọc tin nhắn rác cũng kém xa so với các đối thủ cạnh tranh khác.
Một nhược điểm khác của ứng dụng Mail trên iOS là nó không cho phép gửi email cho nhóm liên lạc, mà chỉ có thể nhập vào từng địa chỉ để gửi. Thật khó hiểu khi công ty cho biết đây là chủ định của họ, trong khi ứng dụng Mail trên OS X thì không gặp phải khó khăn này.
Photos: Đồng bộ gặp vấn đề.
Ứng dụng này là một nâng cấp lớn trên máy Mac vào năm ngoái, khi Apple cho “về hưu” ứng dụng lâu năm iPhoto và thay thế nó. Ứng dụng mới nhanh hơn và rõ ràng hơn nhiều.
Nhưng một dịch vụ tùy chọn trên máy Mac, thư viện iCloud Photo, để lưu trữ toàn bộ hình ảnh trên đám mây, lại làm những trải nghiệm này kém đi nhiều. Mặc dù hoạt động rất nhanh và chính xác trên iPhone và iPad, ứng dụng này lại tỏ ra chậm chạp và nặng nề trên desktop. Cho dù tôi không có đến 50.000 hay 100.000 bức ảnh, nhưng dường như chương trình sẽ chạy mãi mãi trên máy Mac để tìm kiếm các hình ảnh cũ, trong khi một vài trong số các ảnh hiện ra là chỉ là một khung hình trống. Đó hoàn toàn không phải tiêu chuẩn chất lượng của Apple.
Tệ hơn nữa, tính năng chia sẻ hình ảnh tuyệt vời trên thư viện iCloud của Apple không luôn luôn đồng bộ chính xác giữa iOS và Mac (Công ty cho biết sự cố này không phải lúc nào cũng xẩy ra).
iCloud: còn rất nhiều việc phải làm trên đám mây.
Có thể nói, điểm yếu nhất, điều gây khó chịu nhất trong những phần mềm của Apple là phần mềm đám mây. Những ứng dụng trong hệ sinh thái Apple, như ứng dụng Contact hay iMessage, đồng bộ một cách chính xác và nhanh chóng. Nhưng ngoài ra, không chỉ ví dụ về ứng dụng chia sẻ ảnh nói trên, kho nhạc của tôi trên iCloud thỉnh thoảng nhầm lẫn album khi lấy nhạc từ iCloud. Không như ứng dụng Kindle cho sản phẩm của Apple, iBook không nhớ trang trên quyển sách đang đọc dù đã được đánh dấu. Không những thế, việc chỉnh sửa và bình luận ứng dụng Pages (trình xử lý Word) của Apple phiên bản đám mây, khó hơn nhiều so với Google Docs.
Gần đây, thậm chí hai chiếc iPad của tôi còn không thể sao lưu trên iOS. Một trong số hai chiếc iPad còn không thể sao lưu trong suốt 5 tuần.
Trên thực tế, những ứng dụng khác của đám mây iCloud như Continuty hay Handoff vẫn hoạt động tốt trên nhiều thiết bị khác nhau của Apple. Những ứng dụng như vậy xứng đáng là hình mẫu lớn hơn cho các vấn đề về điện toán đám mây của Apple.
Ngoài các vấn đề đã nói ở trên, phần còn lại của các ứng dụng vẫn hoạt động tuân theo tôn chỉ của Steve Jobs. Nhưng không gì trong những điều trên là không thể khắc phục. Có lẽ công ty đã đúng khi cho rằng, một phần lỗi là do những thiết lập của riêng tôi. Nhưng dường như có điều gì đó lớn hơn xảy ra ở đây. Trong khi, nỗi thất vọng về phần mềm của Apple ngày một nhiều lên, đồng thời cũng làm gia tăng rủi ro về trải nghiệm trên phần cứng của thiết bị.
Theo Theverge.com
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?
Điện toán lượng tử hiện tại vẫn còn cách xa khả năng ứng dụng rộng rãi, nhưng tiềm năng mà nó mang lại là không thể phủ nhận.
Huawei xác nhận ra mắt Mate 70: Dòng smartphone đầu tiên "đoạt tuyệt" hoàn toàn với Android