Đời hồng nhan bạc mệnh của nữ diễn viên xinh đẹp kiêm nhà sáng chế

    Neo,  

    Nữ diễn viên từng được mệnh danh là người đàn bà đẹp nhất châu Âu này đã dành nhiều đêm để nghiên cứu hệ thống truyền thông trải phổ và nhảy tần sơ khai. Phát minh của bà đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển hệ thống giao tiếp không dây từ trước kỷ nguyên máy tính cho tới nay.

    Hedy Lamarr sinh năm 1914 tại Áo với tên khai sinh là Hedwig Eva Maria Kiesler. Mẹ bà là một nghệ sĩ dương cầm gốc Do Thái còn cha bà là chủ một ngân hàng. Có lẽ, Lamarr thừa hưởng trí thông minh từ mẹ.

    Bà trở nên nổi tiếng khi bộ phim Ecstasy được công chiếu vào năm 1933. Bộ phim gây chấn động thế giới bởi trong đó có cảnh Lamarr khỏa thân. Thời bấy giờ, các phim có cảnh nóng không phổ biến như hiện tại.

    Sau khi đóng phim Ecstasy, Hedy kết hôn với tài phiệt Fritz Mandel, người cung cấp vũ khí cho cả Hitler và Mussolini. Bà học được về vũ khí và chiến tranh từ chồng. Tuy nhiên, sau khi lấy chồng bà phải dừng đóng phim bởi chồng bà theo Đảng quốc xã, giữ vợ như một tù nhân.

    Không thể chịu được cảnh nô lệ, bà giả làm người hầu trốn tới Paris sau đó tới Mỹ tiếp tục sự nghiệp diễn viên ở Hollywood vào năm 1937. Tại đây, bà đổi tên thành Hedy Lamarr và nhanh chóng trở nên nổi tiếng nhờ sắc đẹp vượt trội. Nhưng bà giữ nhiều bí mật đằng sau hình ảnh của một ngôi sao điện ảnh. Tại Viên, bà nghe được rất nhiều thông tin về các hệ thống vũ khí và truyền thông mà chồng bà thảo luận với các lãnh đạo phát xít châu Âu. Khi bà tới Mỹ, bà đã chia sẻ những thông tin trên với chính phủ.

    Những năm đầu thập kỷ 1940, bà gặp nhà soạn nhạc kiêm nghệ sĩ piano George Antheil, người tiên phong trong lĩnh vực cơ giới hóa âm nhạc và tự động đồng bộ hóa các nhạc cụ. Cặp đôi này cùng nhau suy nghĩ việc áp dụng các nguyên tắc của pianola vào một hệ thống thông tin bí mật giúp chống nhiễu sóng cho các loại ngư lôi được điều khiển bằng sóng vô tuyến.

    Liên tục biến đổi tần số là điểm mấu chốt trong phát minh của Hedy, bà đã phác họa ý tưởng của mình trên mặt sau của một chiếc khăn ăn. Nói cách khác, tín hiệu sóng vô tuyến luôn thay đổi tần số khiến chúng không thể bị chặn. Hệ thống của bà và Antheil được cấp bằng sáng chế vào tháng 8 năm 1942.

    Tuy nhiên, hệ thống của Antheil và Lamarr đã không được ứng dụng ngay lập tức. Theo Stepehn Michael Shearer, người viết tiểu sử của Lamarr đồng thời là tác giả của cuốn Beautiful: The Life of Hedy Lamarr, cho rằng có hai lý do khiến hệ thống không được ứng dụng ngay.

    Thứ nhất, tại thời điểm đó chính phủ không hiểu hoặc chưa phải là thời điểm phù hợp cho ý tưởng về một hệ thống truyền thông không dây. Lý do thứ hai có thể là do lý lịch bất thường của các tác giả phát minh. "Hedy đã đi trước thời đại của bà tới 20 năm", Anthony Loder, con trai của bà chia sẻ. Anh này nói thêm rằng mẹ của mình không hề có ý định kiếm tiền từ phát minh trên. Bà đã giao nó cho Hải quân Mỹ.

    Mãi tới 20 năm sau, khi vụ khủng hoảng tên lửa ở Cuba xảy ra, phát minh của bà mới được ứng dụng cho các mục đích quân sự lẫn dân sự. Trong những năm 1960, bằng sáng chế này được sử dụng để phát triển hệ thống thông tin liên lạc không dây quân sự để điều khiển tên lửa. Ngày nay phát minh của bà vẫn được ứng dụng rộng rãi trong các hệ thống điện thoại di động, mã hóa vệ tinh và nhiều thành tựu khác.

    Vì bằng sáng chế đã hết hạn trước khi được ứng dụng nên Hedy không nhận được bất cứ lợi ích tài chính nào từ nó.

    Sự nghiệp diễn viên của bà cũng không được tươi sáng cho lắm. Sau chiến tranh thế giới, nghiệp diễn của bà bắt đầu gặp khó. Những tháng ngày đen tối nhất trong cuộc đời bà bắt đầu từ năm 1960 khi Lamarr bị bắt vì tội ăn cắp. Bà cũng không hề được công nhận là một nhà phát minh cho tới khi qua đời vào năm 2000. Lamarr qua đời vào ngày 19/1/2000 ở tuổi 85. Nguyên nhân là vì suy tim, bệnh van tim mãn tính và bệnh động mạch vành. Bà được chính quyền Áo dành riêng cho một ngôi mộ danh dự trong Nghĩa trang Trung tâm thành phố Viên vào năm 2014.

    Tháng 5/2014, bà và Antheil mới được đưa vào đài tưởng niệm Hall of Fame Hoa Kỳ dưới danh nghĩa những nhà sáng chế có đóng góp lớn cho nước Mỹ và thế giới. Từ năm 2005, ngày sinh của bà, ngày 9/11, được các nước nói tiếng Đức như Áo, Thụy Sĩ và Đức coi là Ngày Phát minh.

    Quan tâm tới cuộc đời của bà, rất nhiều tác giả đã tham gia tìm hiểu viết sách. Con trai Lamarr, Loder mong muốn viết một cuốn sách về mẹ mình. Sau đó, bộ phim tiểu sử về bà do anh dàn dựng đã được ra mắt vào năm 2015.

    Tham khảo Wiki, bbvaopenmind

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ