Ellen Pao, nữ nhân làm chao đảo Thung lũng Silicon thời gian qua
Từ vụ kiện của Ellen Pao đến cuộc chiến vì nữ quyền tại thung lũng Silicon, dư luận lần đầu tiên đặt câu hỏi với giới công nghệ: "Bình đẳng giới như thế nào?"
Ellen Pao là một cái tên xa lạ đối với nhiều người, thậm chí cộng đồng dân công nghệ tại Việt Nam cũng chưa chắc có mấy người biết về bà. Mặc dù vậy Ellen Pao đang là một trong những cái tên hot nhất trên nhiều tờ báo uy tín của thế giới vì câu chuyện đấu tranh vì nữ quyền trong thế giới công nghệ của bà. Vậy Ellen Pao là ai và vấn đề nữ quyền trong thế giới công nghệ nóng bỏng ra sao? Chúng ta hãy tìm hiểu xem sao.
Chân dung Ellen Pao.
Nhân vật trung tâm
Ellen Pao (45 tuổi) hiện đang là CEO tạm thời của trang web Reddit danh tiếng trên Internet, trước đó bà đã có 7 năm công tác tại công ty đầu tư mạo hiểm Kleiner Perkins với vai trò giám sát và trách kỹ thuật. Đây là một trong những công ty đầu tư mạo hiểm nổi tiếng, đặt dấu ấn ở nhiều “đại gia” công nghệ hàng đầu như Google, Twitter, Spotify, Uber, Snapchat, Zynga…
Trong thời gian làm việc tại đây, mức thu nhập trung bình của Ellen Pao rơi vào khoảng 220 nghìn USD/năm (tương đương với số tiền gần 5 tỷ đồng), một con số đáng mơ ước của rất nhiều người khác.
Ellen Pao đấu với Kleiner Perkins.
Đến năm 2012, bà đã chính thức kiện Kleiner Perkins vì có những hành vi phân biệt đối xử với phụ nữ bên trong nội bộ công ty với nạn nhân điển hình chính là bản thân bà.
Từ vụ kiện tụng "động trời"...
Sau khi Tòa án tối cao bang California tiếp nhận đơn kiện của Ellen Pao, ngay lập tức nó đã biến thành một trong những phiên tòa chấn động nhất Thung lũng Silicon động chạm tới vấn đề kỳ thị phụ nữ. Tờ L.A. Times đã nhận định Ellen Pao là hiện thân của nỗi thất vọng điển hình của phụ nữ trong lĩnh vực công nghệ - vốn chưa bao giờ thoát khỏi sự “thống trị” của cánh mày râu.
Luật sư Therese Lawless, đại diện pháp luật của Ellen Pao, cho biết sau khi chấm dứt quan hệ tình ái với Ajit Nazre, một đồng nghiệp nam trong công ty, thì thân chủ của mình đã bị trả thù bằng cách loại khỏi các cuộc họp quan trọng của nhân viên cao cấp cũng như bị chặn mọi cơ hội thăng tiến. Ngoài ra, bà Pao đã phải đối mặt với những câu hỏi gai góc từ bồi thẩm đoàn về chi tiết của vụ ngoại tình khi Ajit Nazre là người đã lập gia đình.
Ellen Pao cùng với Therese Lawless tươi cười sau khi đơn kiện của bà Pao được thông qua.
Ellen Pao đã lên tiếng thừa nhận mối quan hệ này là đáng trách nhưng bà cũng giải thích thêm rằng Nazre đã theo đuổi mình một cách điên cuồng và bà chỉ đồng ý sau khi ông ta khẳng định đã ly thân với vợ. Ngay khi phát hiện Nazre nói dối, bà Pao lập tức cắt đứt nhưng lại bị trả thù và công ty đã “làm ngơ”.
Mặc dù vậy, phía Kleiner Perkins phủ nhận mọi cáo buộc từ Ellen Pao và cho rằng động cơ của sự việc này là do tình hình tài chính bất ổn của gia đình bà. Đại diện Kleiner Perkins trả lời báo giới rằng người chồng thứ hai của bà Pao (kết hôn vào năm 2007), ông Alphonse Fletcher, từng là người da màu giàu nhất nước Mỹ nhưng hiện đã phá sản và cả hai vợ chồng phải bán căn nhà siêu sang ở San Francisco. Tuy nhiên, phía tòa án đã bác bỏ lập luận trên của Kleiner Perkins.
... cho đến những mục đích lớn lao
Tốt nghiệp trường đại học Princeton và có trong tay cả bằng của khoa Luật lẫn khoa Kinh doanh của trường đại học Harvard, bà Pao được bạn bè đánh giá là người từ tốn và chưa bao giờ thích “chơi trội”. Bà khẳng định buộc phải kiện Kleiner Perkins bởi nếu không, công ty này sẽ mãi mãi không chịu cải thiện môi trường làm việc cho phụ nữ.
Hillary Clinton và câu nói nổi tiếng về nữ quyền của mình.
Với yêu cầu về bồi thường lên tới 16 triệu USD vì bị đối xử một cách “đê hèn, độc ác, gian trá và chèn ép” khi làm việc tại Kleiner Perkins, Ellen Pao đã tạo nên một cú shock đối với giới công nghệ Hoa Kỳ và thức tỉnh khá nhiều phụ nữ đang làm việc tại thung lũng Silicon rằng đây vẫn là khu vực mà vấn đề bình đẳng giới đang bị vị phạm nghiêm trọng.
Ngay lập tức một làng sóng ủng hộ Ellen Pao nổ ra khi rất nhiều tờ báo đã gọi bà là "Rosa Parks của thung lũng Silicon". Rosa Parks từng là một trong những ngôi sao sáng trong lịch sử đấu tranh đòi quyền bình đẳng cho người da đen tại Hoa Kỳ. Vào năm 1996, Tổng thống Bill Clinton đã tặng bà huân chương cao quí về tự do, sau đó 3 năm thì quốc hội Mỹ tặng bà Huân chương Người công dân danh dự. Dĩ nhiên, không Tổng thống nào sẽ trao huân chương gì đó cho Ellen Pao cả nhưng vụ kiện của bà chắc chắn sẽ là một sự kiện khó quên tại thung lũng Silicon.
"Bạn không phải lo sợ nếu bạn đang làm điều đúng đắn" - Rosa Parks.
Ngay tại phiên tòa, Ellen Pao đã nhấn mạnh một cách quyết liệt rằng: "Tôi đã đi một chặng đường dài và nỗ lực nhiều lần để Kleiner Perkins đi đúng hướng. Cần phải có cơ hội công bằng cho cả phụ nữ và nam giới trong nghề đầu tư mạo hiểm. Tôi thực sự muốn làm việc trong ngành này nhưng không thể đạt được ước mơ trong môi trường thiếu công bằng như thế."
Ngoài việc theo đuổi vụ kiện đình đám này thì Ellen Pao còn thực hiện một chính sách đang gây tranh cãi tại Reddit: chấm dứt việc thương lượng về tiền lương. Nghe qua tưởng như đây là một chính sách độc tài nhưng trả lời phỏng vấn của phóng viên trong khuôn khổ buổi họp báo PreMoney tại San Francisco vừa qua, thì Ellen Pao khẳng định đây là việc làm cần thiết để cân bằng lại cán cân bình đẳng giới tại công ty khi mà các nhân viên nữ thường bị thiệt thòi trong những lúc đàm phán về thu nhập so với nam giới.
Mặc dù vậy cũng không hẳn là phụ nữ nào cũng ủng hộ chính sách này của Pao, ví dụ như chuyên gia tư vấn tuyển dụng của Microsoft, Amy Ala, cho biết lẽ ra Ellen Pao nên hỗ trợ các ứng viên nữ trong quá trình đàm phán lương thay vì loại bỏ một cách trắng trợn cả một chính sách như vậy.
Thua nhưng lại thắng
Cách đây chưa lâu, thẩm phán Harold Kahn đã tuyên bố kết thúc vụ kiện của Ellen Pao và vị nữ CEO đã phải ngậm ngùi chịu thất bại. Cùng với đó, bà phải nộp một khoản phí là 275,996.63 USD. Đây là phần của Ellen Pao trong tổng chi phí phải chịu lên tới 973 nghìn USD theo quy định của Tòa án bang California và số tiền còn lại sẽ là trách nhiệm của Kleiner Perkins.
Mặc dù vậy, tiếng vang của vụ kiện này đã thu hút rất nhiều nhà hoạt động xã hội quan tâm và lên tiếng ủng hộ Ellen Pao. Ví dụ như Shirley Hines, một trong những nhà hoạt động xã hội đấu tranh cho bình đẳng giới tại thung lũng Silicon từ những năm 80 của thế kỷ trước, cho biết bà cực kỳ ngưỡng mộ Ellen Pao và những gì vị nữ CEO này làm được đã truyền cảm hứng cho rất nhiều phụ nữ tại đây.
Ngoài ra, hai nạn nhân khác của tình trạng "trọng nam khinh nữ" tại thung lũng Silicon là Chia Hong, một chuyên viên quản lý dự án tại Facebook, và Tina Huang, một kỹ sư phần mềm tại Twitter, đã lên tiếng về việc sẽ cùng với Ellen Pao thành lập một câu lạc bộ hỗ trợ các phụ nữ làm việc tại thung lũng Silicon. Đây có thể nói là một thành tựu đáng ghi nhận sau những sự việc không hay xảy ra vừa qua.
Hi vọng vào tương lai
Từ trước đến này phụ nữ luôn đấu tranh để giành lấy sự bình đẳng đáng nhẽ họ phải nghiễm nhiên có được trong xã hội này. Điều này càng trở nên khó khăn ở đối với lĩnh vực công nghệ khi mà đây vốn là "sân diễn" của nam giới trong nhiều năm qua. Mặc dù vậy nếu nhìn vào hình ảnh của Ellen Pao trong sự kiện F8 của Facebook hay CEO Lisa Su của AMD đĩnh đạc giới thiệu các sản phẩm mới tại E3 2015 vừa mới kết thúc thì chúng ta có thể tin vào một tương lai tốt đẹp dành cho những "bông hồng kỹ thuật số" của thế giới.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương
Vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?