iFixit - những chàng thợ sửa chữa lành nghề bị Apple ghét bỏ
Các đồ điện tử, đồ công nghệ ngày càng nhiều tính năng hơn, nhưng cũng phức tạp hơn, và dễ hỏng hóc hơn. Và đó cũng là một thị trường màu mỡ mà các nhà sản xuất muốn mình được có phần trong đó.
Một ngày đẹp trời nào đó, bạn có thể sẽ vô tình sút vỡ cái màn LCD chiếc Macbook của mình, lúc đó bạn sẽ có hai lựa chọn: Một – bạn có thể ra Apple store để thay chiếc màn LCD đó, mất khoảng 600 USD để thay màn LCD, hoặc bạn có thể lên eBay tìm kiếm và có thể sẽ có được một màn LCD mới với giá khoảng 50$. Nhưng không dễ để bạn tự thay màn LCD đó cho chiếc Macbook của mình.
Trên thực tế, không riêng gì Apple, các nhà sản xuất đồ điện tử khác đều không thích thú gì với việc người dùng tự sửa chữa các đồ bị hỏng, và họ nghĩ ra nhiều cách khác nhau để hạn chế điều đó.
Liệu bạn có thể sửa đồ hỏng không?
Thực ra các hãng sản xuất đồ điện tử lại không thích điều đó. Lý do rất dễ hiểu, đó là do doanh thu từ hoạt động này. Theo một nghiên cứu của công ty SquareTrade, trong thời gian từ năm 2007 đến năm 2014, người Mỹ đã chi ra khoảng 23.5 tỷ USD cho việc sửa chữa và thay thế các smartphone bị hỏng. Trong năm 2013, một báo cáo cho thấy, bằng việc sửa chữa iPhone tại cửa hàng thay vì gửi về các trung tâm bảo hành, Apple sẽ tiết kiệm được khoảng 1 tỷ USD mỗi năm. Điều này cho thấy quy mô thị trường sửa chữa đồ công nghệ và điện tử lớn đến mức nào. Apple hay các hãng sản xuất khác, với tư cách là người kiểm soát phần cứng, sẽ muốn giành cho mình miếng bánh càng lớn càng tốt.
Để người dùng mang đồ bị hỏng đến các trung tâm bảo hành, các hãng sản xuất, điển hình là Apple, đã tạo ra rất nhiều rào cản khác nhau nhằm ngăn cản người dùng có thể tự sửa chữa món đồ bị hỏng của mình. Ví dụ, vào năm 2011, tờ Reuters đã phát hiện việc Apple yêu cầu các trung tâm bảo hành của hãng bí mật thay chiếc ốc tiêu chuẩn trên iPhone 4 bằng ốc 5 cạnh mà không nói với khách hàng. Tương tự, HTC One cũng không phải là chiếc điện thoại mà người sử dụng có thể tự sửa nếu trục trặc.
Ốc năm cạnh trên chiếc iPhone 4 của Apple
Và các hãng sản xuất đồ công nghệ cũng không phải là ngành công nghệ duy nhất cố gắng ngăn chặn điều đó. John Deer và General Motors cũng tìm cách ngăn cản các nông dân và thợ cơ khí tìm cách tự sửa chữa chiếc máy kéo của họ, với lý do cho rằng điều đó sẽ vi phạm đến bản quyền sở hữu trí tuệ. Ông Charles Duan, người đứng đầu Dự án cải cách Bằng sáng chế của Public Knowledge cho biết: “Với nhiều thiết bị mới, các nhà sản xuất muốn nói với bạn rằng Chúng tôi là người duy nhất có thể sửa chúng” vì họ sẽ kiếm được nhiều lợi nhuận hơn. Họ có nhiều cách để làm thế, luật sở hữu trí tuệ, hợp đồng, điều khoản người sử dụng, và còn nhiều nữa để chắc rằng bạn không thể bạn làm những gì bạn muốn với đồ của mình.”
Bạn có thể sửa mọi thứ
Trên thực tế, bất chấp những trở ngại mà các hãng đặt vào sản phẩm của mình, người dùng có thể tự sửa những món đồ hỏng của mình nếu muốn tiết kiệm chi phí. Với những trở ngại từ phía nhà sản xuất, một startup tại California, iFixit.com đã đăng tải miễn phí rất nhiều hướng dẫn cách mở máy cách tháo những thiết bị công nghệ như laptop smartphone và các thiết bị khác.
Không dừng lại ở đó, iFixit còn bắt đầu bán các linh kiện, bộ phận cho các cửa hàng sửa chữa, cũng như đưa ra một chương trình chứng nhận với các cửa hàng vượt qua được bài kiểm tra trực tuyến về khả năng sửa chữa.
Nhờ có iFixit, lần đầu tiên có một bộ dụng cụ để tháo con ốc 5 cạnh đó mà không phải do Apple làm ra. Không chỉ có iPhone, các thiết bị khác như Xbox 360, thay màn hình điện thoại, tháo ống kính của máy DSLR, hay ngay cả máy giặt hoặc món đồ chơi, iFixit cũng có những hướng dẫn để giúp người dùng. IFixit cũng là một trong những công ty có tiếng nói mạnh mẽ nhất trong việc ủng hộ cải cách DMCA, giành được một chiến thắng nhỏ khi vào đầu tháng này, Quản lý của thư viện Quốc hội Mỹ đã chấp nhận hàng loạt các ngoại lệ của luật này để bảo vệ “quyền được sửa chữa”. Và công ty cũng đang cố thuyết phục chính phủ Mỹ về một đạo luật buộc các nhà sản xuất phải bán các bộ phận sửa chữa và cung cấp hướng dẫn sử dụng.
Nhưng quan trọng hơn, iFixit đã cho mọi người thấy rằng, người dùng sẽ có đủ tự tin để tháo thiết bị của họ ra nếu như họ không đơn độc. Hiện giờ phần lớn các hướng dẫn sửa chữa trên website được viết bởi người dùng và được đăng tải lên để hướng dẫn những người khác. Những người đam mê tự làm các món đồ cũng thường thảo luận trên diễn đàn về các thủ thuật hoặc những chỉnh sửa nhỏ để làm việc sửa chữa dễ dàng hơn. CEO của iFixit, Kyle Wiens đã phát biểu rằng: “Nhiệm vụ của chúng tôi là hướng dẫn mọi người cách sửa chữa mọi thứ” … “Chúng tôi không thể làm được nếu không có sự trợ giúp từ cộng đồng.”
Đó cũng là lý do mà nhiều nhà sản xuất không ưa gì iFixit, nhất là Apple. Gần đây, ứng dụng iFixit trên App Store đã bị xóa, tài khoản lập trình viên bị chặn, với lý do được cho là vi phạm hợp đồng. Việc này xẩy ra sau khi iFixit tháo từng phần phiên bản thử nghiệm của chiếc Apple TV để khám phá bên trong.
Tác hại không chỉ với người tiêu dùng
Việc Apple hay các nhà sản xuất đồ điện tử khác không bán các linh kiện, phụ tùng sửa chữa cho người dùng không chỉ gây ra sự khó chịu mà đó còn là thảm họa về môi trường. Để chiếc điện thoại hay máy tính bị hỏng trong ngăn kéo hay ném vào sọt rác là hai điều tồi tệ nhất bạn có thể làm với đồ điện tử, ông Wiens cho biết. Ngay cả việc tái chế cũng không có nhiều tác dụng hơn. Wiens đã viết trên blog của mình rằng: “Tái chế là sự lựa chọn cuối cùng đối với đồ điện tử.”
Ví dụ như loại nhựa đắt tiền được dùng làm vỏ của chiếc iPhone, vốn có giá lên đến 30 USD cho một pound (gần 1,5 triệu VNĐ cho một cân), nhưng sau khi tái chế chỉ còn khoảng 10 cent cho một pound (khoảng 5.000 VNĐ cho một cân).
Có khoảng 50 nguyên tố trong bảng tuần hoàn hóa học được sử dụng để sản xuất ra một chiếc smartphone, nhiều nguyên tố trong số này có số lượng rất hữu hạn. Phần lớn đều không thể phục hồi lại bằng cách tái chế. Ngoài ra, những nguyên tố độc hại như chì trong Tivi màn hình CRT có thể nguy hiểm đến sức khỏe con người nếu không được tái chế đúng cách. Vì vậy, ông cho rằng, nếu chúng ta không sẵn sàng sử dụng những món đồ điện tử đến hết vòng đời của chúng, cách tốt nhất là tìm cách để tiếp tục sử dụng hoặc trao những món đồ đó vào tay những người cần sử dụng.
Agbobloshie - một trong những bãi chứa rác thải điện tử lớn nhất thế giới
Tuy nhiên, việc các nhà sản xuất không bán các bộ phận, phụ tùng để sửa chữa các đồ điện tử làm cho việc tái sử dụng các thiết bị này trở nên khó khăn. Vì vậy, khi thiết bị điện tử bị hỏng, người dùng không còn cách nào khác ngoài việc vứt chúng đi.
Nhưng vấn đề với các nước đang phát triển là việc có một cơ sở tái chế đủ điều kiện rất khó. Dần dần, những nơi như Agbobloshie của Ghana – được coi là bãi chứa rác thải điện tử lớn nhất thế giới – đang xuất hiện ngày càng nhiều tại các nước đang phát triển. “Đó là động lực thúc đẩy chúng tôi hướng dẫn mọi người sửa chữa đồ đạc. Dường như, chúng tôi đã vô tình tìm ra giải pháp cho một vấn đề lớn. Đó là lý do tại sao tôi sẽ tiếp tục làm việc này.” Ông Wiens nói.
Theo Motherboard.vice.com
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cùng nhận tiền của NASA để sản xuất tàu vũ trụ, SpaceX thành công lớn còn Boeing lỗ nặng
Boeing đứng trước những sóng gió lớn nếu không hoàn thành dự án Starliner của mình.
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương