Tại sao xưa dùng máy giặt Hitachi 40 năm không hỏng, nay dùng iPhone vài năm đã "tã"?
Điện thoại dễ hỏng khi hết bảo hành ư? Không phải là sự ngẫu nhiên đâu.
Tại sao hồi xưa chiếc máy giặt Sanyo dùng hàng chục năm cũng không hỏng, vẫn chạy tốt vẫn giặt tốt mà nay dùng iPhone 3 năm đã "tã", pin chai, phần mềm không được nâng cấp, v.v...? Điện thoại ngày xưa dù không có nhiều chức năng nhưng tại sao lại không mỏng manh dễ vỡ hơn những thiết bị điện tử ngày nay? Xe Dream 'Thái' tại sao lại bền hơn Dream 'Việt Nam'?
Người ta thường nói rằng của bền tại người, điều đó hoàn toàn chính xác vì chỉ khi có được sự quan tâm đúng đắn thì vật dụng đó sẽ trường tồn mãi với thời gian. Tuy nhiên có rất nhiều trường hợp khi nhiều người cho rằng họ sử dụng đồ rất kỹ, đặc biệt là đồ điện tử, nhưng nó lại rất mau xuống cấp và chậm chạp.
Phải chăng nhà sản xuất cố tình làm vậy? Họ đang tạo ra các sản phẩm dễ dàng lỗi thời, đi ngược với truyền thống của quá khứ - luôn làm ra những sản phẩm siêu bền?
Chính xác.
Đây gọi là 'sự lỗi thời có tính toán' (planned obsolescence). Theo định nghĩa, nó là một chiến lược kinh doanh bằng cách giới hạn độ bền, tuổi thọ của sản phẩm bằng nhiều cách khác nhau khiến nó sẽ trở nên lỗi thời sau một khoảng thời gian/số lượng sử dụng nhất định. Điều này xuất phát từ khi General Electric và các công ty khác đều nhất trí giới hạn độ tuổi bóng đèn dây tóc xuống còn 1000 giờ để người dùng thay nó thường xuyên hơn, trong thực tế bóng dây tóc có thể phát sáng đến 2500 giờ!
1. Giới hạn độ bền
Có rất nhiều cách thực để nhà sản xuất khiến sản phẩm của họ trở nên lỗi thời theo tính toán, đơn giản nhất và dễ thấy nhất chính là giới hạn độ bền sản phẩm. Họ sẽ chọn những vật liệu rẻ tiền, ít tốn kém để gia công một bộ phận nào đó (hoặc toàn bộ) trong sản phẩm. Đồng thời họ sẽ thử nghiệm kỹ lưỡng các sản phẩm ấy để tính toán thời gian sử dụng sản phẩm cho đến khi hỏng. Điều này vừa làm giảm cho phí sản xuất, đồng thời cũng mang lại nguồn doanh thu rất nhanh cho công ty. Hãy lấy ví dụ xe điều khiển từ xa cho trẻ em, nó rất dễ hư hỏng khi các bánh răng (một bộ phận quan trọng của xe) rất dễ nhanh hỏng hoặc rơi ra nếu trẻ em chơi không đúng cách. Và khi đã hỏng, các bậc phụ huynh phải mua cho con em mình đồ chơi mới tương tự.
2. Giới hạn sửa chữa
Chiếc ốc Pentalope trên iPhone.
Hãy cầm hoặc mượn chiếc điện thoại iPhone bất kì lên nào, và hãy nhìn kỹ những chiếc ốc. Chắc chắn rằng những chiếc ốc ấy đa số chúng ta sẽ không thể dùng tuốc nơ vít thông thường để mở được, chúng rất nhỏ và có hình dạng khác với thông thường và phải dùng thiết bị chuyên dụng mới có thể làm điều đó. Bạn mở được ư? Vậy bạn có thể tháo viên pin đã được dán chặt vào trong bo mạch chủ không? Dùng súng nhiệt để nung chảy keo và bạn đã tháo được ư? Còn màn hình cảm ứng đã được hàn chặt vào tấm kính bảo vệ thì sao? Nếu theo dõi trang iFixit, chúng ta có thể thấy các thiết bị từ Apple đều ít có khả năng sửa chữa. Các nhà sản xuất thiết bị hiện nay đều khiến sản phẩm của họ không thể tự sửa chữa tại nhà và nếu người dùng muốn sửa thì chỉ còn cách mang nó ra trung tâm bảo hành với chi phí đắt đỏ.
3. Lỗi thời phong cách
Mỗi năm chúng ta đều thấy rất nhiều sản phẩm công nghệ đều cho ra sản phẩm với kiểu dáng hoàn toàn mới, có thể vượt trội hơn và nhiều màu sắc hơn sản phẩm cũ. Điều này khiến cho sản phẩm cũ trở nên lạc hậu và không còn hợp thời. Người dùng sẽ chịu áp lực về tâm lí khi mà họ luôn muốn khẳng định bản thân bằng cách sử dụng những sản phẩm 'mốt' nhất, hiện đại nhất. iPhone 6 Gold còn sử dụng tốt ư? iPhone 6S Rose Gold mới thời thượng nhé!
4. Lỗi thời hệ thống
Các nhà sản xuất sẽ điều chỉnh cách thức hoạt động của sản phẩm của họ để nó không còn khả năng hoạt động tốt với các sản phẩm mới trong tương lai nữa. Ví dụ rõ ràng nhất là ứng dụng Microsoft Word, những phiên bản cũ của chương trình không thể đọc tệp tin định dạng mới (docx) trừ khi cài thêm các công cụ hỗ trợ, và nếu có đọc được thì nó cũng sẽ không thể hiện đầy đủ tính năng và định dạng của tệp tin đó.
5. Lỗi thời có lập trình
Có lẽ chúng ta đã quá quen thuộc với việc bơm mực lậu vào bình mực trong máy in. Vì sao việc này lại diễn ra mặc dù nhà sản xuất khuyến cáo nên dùng mực chính hãng? Vì họ đã quá tham lam! Các nhà sản xuất máy in thường niêm yết số trang giấy bình mực chính hãng có thể in được đến khi hết, ví dụ như 1000 trang. Đến đúng mốc 1000 trang, các trang in tiếp theo trở nên mờ hẳn đi và người dùng nghĩ có lẽ đã hết mực và họ nên mua bình mực mới. Tuy nhiên họ không hề biết rằng có một con chip điện tử trong bình mực đã giảm lưu lượng mực trong bình để khiến người dùng tưởng nó đã hết mực, trong khi còn rất nhiều mực ở trong. Đây là sự cố ý từ nhà sản xuất để khiến người dùng mua thêm sản phẩm của họ sau một thời gian sử dụng nhất định.
Lợi và hại
Những việc làm trên đều khiến các nhà sản xuất cắt giảm chi phí và tăng lợi nhuận một cách tối đa. Nhưng nó sẽ khiến lượng rác điện tử thải ra môi trường tăng vọt, gây hại năng nề cho Trái Đất và con người. Hơn nữa, nếu người dùng sử dụng sản phẩm liên tục hỏng hóc, họ sẽ chuyển qua sử dụng các sản phẩm thay thế có độ bền cao hơn.
Ngày nay, ý thức con người ngày càng tăng cao trong vấn đề bảo vệ môi trường. Mới đây Google đã công bố Project Ara để phát triển chiếc điện thoại môđun, với những liên kiện có thể tháo lắp/thay thế/nâng cấp một cách dễ dàng bởi người dùng. Những động thái từ các ông lớn công nghệ sẽ làm thay đổi cái nhìn về 'sự lỗi thời có tính toán' để làm sao nó sẽ mang lại lợi ích cho cả nhà sản xuất, người tiêu dùng và môi trường xung quanh.
Điện thoại dễ hỏng khi hết bảo hành ư? Không phải là sự ngẫu nhiên đâu.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?
Điện toán lượng tử hiện tại vẫn còn cách xa khả năng ứng dụng rộng rãi, nhưng tiềm năng mà nó mang lại là không thể phủ nhận.
Huawei xác nhận ra mắt Mate 70: Dòng smartphone đầu tiên "đoạt tuyệt" hoàn toàn với Android