Trái Đất đang "sốt" cao, ghi nhận 12 tháng liên tiếp nóng hơn 1.5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp

    Ánh Viên,  

    Trái Đất đang trải qua giai đoạn nóng kỷ lục, gióng lên hồi chuông báo động về cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu. Các nhà khoa học cảnh báo về những tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, đồng thời kêu gọi hành động quyết liệt để bảo vệ hành tinh.

    Dữ liệu mới từ Dịch vụ Biến đổi Khí hậu Copernicus (Copernicus Climate Change Service) cho thấy nhiệt độ trung bình toàn cầu từ tháng 7/2023 đến tháng 6/2024 cao hơn 1.5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Đây là lần đầu tiên Trái Đất trải qua 12 tháng liên tiếp nóng như vậy, đánh dấu một bước ngoặt đáng lo ngại trong cuộc khủng hoảng khí hậu.

    Trái Đất đang "sốt" cao, ghi nhận 12 tháng liên tiếp nóng hơn 1.5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp- Ảnh 1.

    Cụ thể, nhiệt độ trung bình toàn cầu trong khoảng thời gian này cao hơn 1.64 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Giám đốc Copernicus, ông Carlo Buontempo, khẳng định đây không phải là biến động bất thường mà là "sự thay đổi lớn và tiếp diễn" của khí hậu Trái Đất. Ông cảnh báo rằng chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến những kỷ lục nhiệt độ mới bị phá vỡ khi khí hậu tiếp tục ấm lên.

    Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là lượng khí thải nhà kính do con người thải ra môi trường. Mỗi phân tử carbon từ ống khói nhà máy nhiệt điện than, từ ống xả xe cộ đều góp phần giữ nhiệt và làm biến đổi khí hậu. Theo nghiên cứu của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC), nhiệt độ tăng 1.5 độ C sẽ khiến 70-90% rạn san hô nhiệt đới chết, và mức tăng 2 độ C sẽ xóa sổ chúng gần như hoàn toàn.

    Tác động của biến đổi khí hậu không chỉ dừng lại ở những con số. Aditi Mukherji, Giám đốc Viện nghiên cứu CGIAR và đồng tác giả của báo cáo IPCC mới nhất, so sánh mức tăng 1 độ C như cơn sốt nhẹ và 1.5 độ C là cơn sốt từ trung bình đến cao. Bà đặt câu hỏi: "Hãy tưởng tượng một cơ thể con người bị sốt như vậy trong nhiều năm. Liệu người đó có thể hoạt động bình thường?". Bà kết luận: "Đó chính là tình trạng của Trái Đất hiện nay. Đây là một cuộc khủng hoảng."

    Mặc dù mục tiêu giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 1.5 độ C vào cuối thế kỷ 21 do các quốc gia cam kết dường như ngày càng khó khăn, nhưng các chuyên gia cho rằng mọi nỗ lực đều có ý nghĩa. François Gemenne, tác giả của IPCC và Giám đốc Đài quan sát Hugo tại Đại học Liège (Bỉ), khẳng định biến đổi khí hậu không phải là vấn đề "sống chết" ở ngưỡng 1.5 độ C. "Mỗi 0.1 độ C đều rất quan trọng”, ông nhấn mạnh.

    Theo Copernicus, tháng 6/2024 vừa qua là tháng 6 nóng nhất được ghi nhận trong lịch sử. Đây cũng là tháng thứ 12 liên tiếp có nhiệt độ trung bình cao hơn 1.5 độ C so với mức trung bình giai đoạn 1850-1900. Tuy nhiên, một số tổ chức khí hậu khác có thể chưa xác nhận kết quả này do nhiệt độ một số tháng chỉ cao hơn ngưỡng 1.5 độ C một chút.

    Dù vậy, giới khoa học đều nhất trí rằng thế giới cần hành động khẩn cấp để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Bên cạnh việc cắt giảm khí thải nhà kính, việc tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu cũng được xem là ưu tiên hàng đầu.


    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ