Trải lòng của thanh niên Mỹ phải dùng mạng 5Mbps với giá cắt cổ

    Phương Nguyễn, Theo ictnews 

    Sống giữa thế kỷ 21 ngay tại nước Mỹ, anh chàng Sean Hollister (Silicon Valley) cho biết vẫn phải trả tiền mạng đắt gấp hai lần ở các nước châu Âu với tốc độ ì ạch.

    Vài tháng một lần, anh Sean Hollister lại nhận được tờ rơi quảng cáo mạng Internet cáp quang tốc độ vũ trụ của AT&T. Có khi anh còn được sales gõ cửa tận nhà chào mời lắp mạng Internet. Tốc độ mà nhà mạng này quảng cáo là 1.000Mbps và anh Hollister sẵn sàng đổi sang nhà mạng mới. Thực tế, anh đã ký hợp đồng với nhà mạng này tới 9 lần.

    Nhưng anh Hollister cũng giống như 10 triệu công dân khác trên khắp nước Mỹ không thể đổi sang nhà mạng Internet mới. Ở Mỹ, Ủy ban Truyền thông liên bang (FCC) và các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) bắt tay độc quyền để tạo ra sự cạnh tranh ảo ở những nơi không hề tồn tại. Nó là "chuyện thường ngày ở huyện" nhưng anh khó có thể tưởng tượng được lại xảy ra với mình ngay tại thung lũng Silicon, vùng đất thánh của giới công nghệ.

    Vì thế, giờ này anh đang phải trả 100 USD mỗi tháng cho nhà mạng Comcast với tốc độ mà vợ anh, một nhà sản xuất video, không thể tải video lên qua FTP (một giao thức gửi tập tin rất nhanh). Những bức ảnh gia đình mà anh chụp bằng điện thoại phải mất hàng giờ mới lên được Google Photos chứ đừng nói đến chuyện livestream qua YouTube hay Twitch. Dù tốc độ tải xuống lên tới 200Mbps, tốc độ tải lên chỉ là 5Mbps và muốn nhanh hơn phải trả thêm tiền.

    Trải lòng của thanh niên Mỹ phải dùng mạng 5Mbps với giá cắt cổ - Ảnh 1.

    Các gói mạng mà Comcast đang cung cấp, giá và tốc độ có thể thay đổi tùy từng khu vực.

    Trước đại dịch, anh Hollister chỉ trả 70 USD/tháng và bị giới hạn 1,2TB dữ liệu sử dụng. Và để sử dụng dung lượng không giới hạn anh phải móc hầu bao trả thêm 30 USD. Kết quả chúng ta có 100 USD cho 200Mbps/5Mbps.

    Và khi Hollister cất tiếng... khóc than, "ông Bụt" AT&T bỗng dưng hiện lên, chào mời anh lắp cáp quang "siêu to khổng lồ" tốc độ 1.000Mbps tải lên/tải xuống với giá chỉ 70 USD/tháng không giới hạn sử dụng. Nghe có vẻ rất bùi tai phải không? Nhưng AT&T sau hàng tá lần khảo sát đành nói lời xin lỗi khách hàng vì anh thợ kéo cáp chôn cáp nhầm nhà.

    Không hài lòng với câu trả lời này, Hollister tự mình điều tra và phát hiện ra hầm cáp ngầm với địa chỉ nhà chính xác của mình lại nằm ở cách nhà anh vài dãy. Bản đồ số của AT&T rõ ràng đã sai. Nhưng khi trao đổi lại với nhà cung cấp, AT&T bảo rằng việc kéo dây qua phố nhà anh là vi phạm pháp luật. AT&T cũng không có ý định bỏ ra hơn 10.000 USD để đào thêm đoạn đường đặt cáp ngầm cho dãy phố đó.

    Trải lòng của thanh niên Mỹ phải dùng mạng 5Mbps với giá cắt cổ - Ảnh 2.

    9 lần AT&T hủy yêu cầu cung cấp dịch Internet cáp quang của anh Hollister.


    Cứ mỗi lần như vậy AT&T lại âm thầm hủy yêu cầu của khách hàng. “Nếu đã không định lắp Internet cho tôi thì sao không loại tôi ra khỏi danh sách quảng cáo? Sao nhà mạng không chịu cập nhật bản đồ số?”

    Những câu hỏi lớn không lời đáp của anh Hollister. Thực ra ủy viên Jessica Rosenworcel của FCC biết câu trả lời nhưng không biết lời giải. Dẫn số liệu từ năm 2018, theo bà cứ 3 gia đình tại Mỹ thì có một nhà không có mạng Internet tốc độ cao, tức chỉ dưới 25Mbps tải xuống và 3Mbps tải lên. Cơn ác mộng đến với nước Mỹ khi Covid-19 buộc cách ly xã hội diện rộng và trẻ em phải học tập online ở nhà. Con số này là tương đương 12 triệu trẻ em không có mạng Internet tốc độ cao. Đến năm 2019, vẫn còn 44% hộ gia đình thu nhập dưới 30.000 USD không có mạng Internet tốc độ cao, theo Pew Research Center.

    Năm 2009, Mỹ đã bỏ ra 350 triệu USD để quy hoạch bản đồ Internet cấp quốc gia nhưng không khác gì "mời sói đến canh cừu non". Quy hoạch này để các ISP như Comcast và AT&T tự đề xuất và FCC không thanh kiểm tra.

    Theo dữ liệu của FCC, nhà anh Hollister có 11 ISP sẵn sàng cung cấp dịch vụ nhưng hai trong số đó là mạng không dây phục vụ doanh nghiệp với giá 99 USD/tháng với tốc độ 3Mbps, hai nhà mạng vệ tinh tốc độ chậm, bốn nhà mạng trùng nhà cung cấp, hai nhà mạng còn lại không kéo cáp đến địa chỉ đó.

    Trải lòng của thanh niên Mỹ phải dùng mạng 5Mbps với giá cắt cổ - Ảnh 3.

    Một ví dụ về sự độc quyền của nhà mạng nước Mỹ, những vùng màu xám không có Internet băng thông rộng, vùng màu vàng không có cạnh tranh, vùng màu hồng có từ 2-3 ISP cạnh tranh.


    Loanh quanh cuối cùng chỉ còn lại Comcast, kết quả của một quá trình vận động hàng lang để ngăn những việc cải thiện hạ tầng mạng nước Mỹ. Theo báo cáo năm 2020 của tổ chức phi lợi nhuận ILSR, khoảng 88,3 triệu người Mỹ chỉ có thể chọn một ISP bởi vì những lựa chọn còn lại là những nhà mạng cung cấp DSL (gồm mạng SDSL và ADSL) tốc độ chỉ đạt 25Mbps/3Mbps. Hậu quả của sự độc quyền này là 22 triệu người phụ thuộc vào Comcast và đây chỉ là ước tính sơ bộ dựa trên bản đồ số sai của FCC.

    Khi Comcast đắc chí biết những "con cừu non" không thể chạy thoát, họ bắt đầu vẽ ra giới hạn dung lượng 1,2TB, thu thêm 10 USD cho mỗi 50GB dùng ‘lố’, tối đa là 100 USD. Comcast muốn áp dụng điều này ở nhiều bang khác nữa khi Covid-19 vẫn hoành hành ở nước Mỹ còn người dân ở nhà dùng mạng nhiều hơn.

    Khi Covid-19 bùng phát hồi đầu năm, Comcast, AT&T, và T-Mobile đã tạm thời hoãn quy định giới hạn dung lượng sử dụng. Nhưng khi 10 triệu người Mỹ mất việc, còng lưng gánh khoản thuê nhà hàng nghìn USD mỗi tháng, các ISP không hề đồng cảm với điều đó. AT&T gia hạn thời gian đến cuối năm nhưng Comcast tiếp tục thu thêm dung lượng dùng quá từ 01/07.

    Một báo cáo của tổ chức New America cho thấy người Mỹ phải trả gần gấp đôi so với người châu Âu ở cùng một tốc độ 100Mbps và 1.000Mbps, và từ 8 đến 17 lần để thuê một modem so với châu Á và châu Âu.

    Chỉ có một thành phố Mỹ lọt vào Top 10 ở báo cáo này, đó là Ammon, bang Idaho với 16.500 dân và quy hoạch cáp quang bởi chính quyền thành phố này. Các nhà mạng chỉ đơn giản là cung cấp dịch vụ trên cáp quang được sở hữu bởi người dân nơi đây.

    Nhưng nhiều nơi khác ở nước Mỹ không làm được điều đó bởi sự vận động hàng lang của các ISP. Một ví dụ kinh điển là Comcast đã kiện thành phố Chattanooga, bang Tennessee để ngăn sự mở rộng Internet tốc độ cao đến vùng nông thôn vào năm 2015. Cuối cùng, Comcast đã thuyết phục thành công bang Tennessee chi 45 triệu USD tiền thuế của người dân cho chính nhà mạng này, một hành động không khác gì giao trứng cho ác.

    Trải lòng của thanh niên Mỹ phải dùng mạng 5Mbps với giá cắt cổ - Ảnh 4.

    Sự độc quyền khiến nhà mạng bị ghét ở các bang trên toàn nước Mỹ.


    Tình hình có vẻ khả quan hơn khi Quốc hội Mỹ thông qua một Đạo luật hồi tháng 3 yêu cầu FCC phải thanh kiểm tra bản đồ Internet và tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh thực sự. Điều này là rất quan trọng bởi hồi đầu tháng 12 này, FCC đã thông qua ngân sách 9,2 tỷ USD cho 180 công ty khác nhau trong chiến lược phủ sóng mạng Internet băng thông rộng đến 5,2 triệu người dân sống ở vùng nông thôn Mỹ trong 10 năm tới.

    Nhưng FCC đã phung phí cả thập kỷ đã qua chỉ để đem Internet băng thông rộng đến 5 triệu hộ dân Mỹ mà không quan tâm đến kết quả thực sự. Liệu tình hình có thể khả quan hơn trong 10 năm tới?

    Dịch Covid-19 đã thay đổi hành vi của cả thế giới, từ cách thức chúng ta làm việc đến học tập và giải trí. Nhưng mạng Internet nước Mỹ vẫn chậm thay đổi kể từ khi Đạo luật Truyền thông được sửa đổi vào năm 1996, thời điểm mà mạng dial-up vẫn còn phổ biến. Và giờ, những người như anh Hollister phải gánh chịu hậu quả của tiến trình này.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ