Trải nghiệm bàn phím Cherry MX-LP 2.1: Mỏng, nhẹ, switch cho cảm giác gõ cứng cáp
(Tổ Quốc) - Đây có thể coi là một sản phẩm ‘hình mẫu’ dành cho thị trường bàn phím chơi game low profile đến từ thương hiệu switch nổi tiếng Cherry.
Chắc chắn nhiều bạn cũng sẽ giống tôi: Nhắc tới Cherry thì sẽ nghĩ tới các sản phẩm switch bàn phím, khi đây chính là thương hiệu đã thiết kế lại loại sản phẩm này để mở đường cho các sản phẩm bàn phím hiện đại. Nhưng bên cạnh việc cung cấp linh kiện này cho các thương hiệu khác, bản thân Cherry cũng có các sản phẩm bàn phím hoàn thiện bán ra thị trường như chiếc Cherry MX-LP 2.1 mà chúng ta có ở đây.
Nhìn qua thì đơn giản, nhưng MX-LP 2.1 lại có khá nhiều điều để nói: Thiết kế low-profile mỏng với switch MX LP, kết nối bằng 3 chế độ và được làm ra hướng tới cả game thủ chứ không chỉ dành cho nhập liệu văn bản bình thường.
Hộp các sản phẩm từ các thương hiệu Đức vẫn thường đơn giản, đôi phần ‘thực dụng’, chỉ độc một màu đen với logo cũng được thiết kế chìm và phải đưa ra dưới nắng mới thấy.
Mở hộp để lấy phụ kiện, ta có hướng dẫn sử dụng, một tờ giới thiệu về các sản phẩm khác của Cherry, dongle để kết nối 2.4GHz và dây sạc / kết nối USB Type-C - Type-A.
Dongle 2.4GHz của bàn phím có kích thước rất nhỏ, được sơn màu đỏ tươi đặc trưng của Cherry.
Dây kết nối thì được in hình logo chùm Cherry và có 1 cục chống nhiễu nhỏ gần với đầu USB Type-A.
Nhân vật chính của chúng ta là một chiếc bàn phím kích cỡ 65%, tức là đã loại cụm phím số Numpad, hàng Function ở phía trên và các phím được sắp xếp gần lại với nhau để tiết kiệm diện tích nhất có thể.
Layout này vẫn giữ lại được cụm điều hướng riêng chứ chưa phải tích hợp với những phím khác như bàn phím 60%. Tuy vậy việc phải loại bỏ hàng Function sẽ là nhược điểm đối với những bạn chơi game MOBA cần dùng đến hàng này như DOTA, League of Legends. Để sử dụng hàng Function ta sẽ phải nhấn tổ hợp phím Fn + hàng phím số, sẽ hơi bất tiện so với những layout phím lớn hơn.
Đây là một bàn phím không dây, với 3 chế độ kết nối là cắm dây, Bluetooth và dongle 2.4GHz. Đối với cắm dây và dongle 2.4GHz thì bàn phím sẽ tất nhiên là chỉ kết nối với một thiết bị, nhưng với Bluetooth thì ta có thể kết nối với 3 thiết bị và chuyển qua lại nhanh bằng tổ hợp phím Fn + Q, W, E. Phiên bản Bluetooth mà phím sử dụng là 5.2 có độ trễ thấp - một điều quan trọng trong cả nhập liệu lẫn chơi game.
Phím sử dụng keycap được làm bằng nhựa ABS, với hãng chữ, số màu đen, những phím chức năng xung quanh màu xám và có một vài phím ‘trang trí’ là Esc, Space và Enter được làm màu cam.
Là bàn phím gaming thì việc có đèn RGB là ‘tất lẽ dĩ ngẫu’ rồi, Cherry MX-LP 2.1 có hệ thống đèn đổi màu dành cho tất cả các phím, có thể điều chỉnh nhanh độ sáng và tốc độ hiệu ứng bằng Fn + các phím điều hướng. Ở cạnh phải này ta cũng tìm thấy những phím điều khiển media nhanh là dừng / chơi nhạc, chuyển bài và chỉnh âm lượng.
Chuyển từ mặt trước ra sau, phím có một miếng dán ghi thông tin màu đỏ nằm trên lớp vỏ màu đen nhìn rất nổi bật. Đây là điều khá lạ vì thường các hãng khác sẽ làm 2 phần này đồng màu luôn, nhưng với Cherry thì đây lại trở thành một yếu tố để trang trí.
Lớp nhựa của vỏ phím cũng được xử lý với những chấm nhỏ li ti màu trắng, không rõ là mô phỏng tuyết rơi hay đá hoa cương nữa, nhưng cũng giúp bàn phím nhìn bớt nhàm chán so với việc làm đen xì hoàn toàn.
Phím được thiết kế với độ dốc khá nhỏ nên cho cảm giác gõ phím khá giống với đặt laptop trên bàn, nhưng với những bạn muốn có góc nghiêng cao hơn thì có thể lật ngược 2 chân dựng (feet) ở phía trên và dán ngược lại.
Cạnh trên ta có cổng cắm kết nối và sạc bàn phím nằm ở chính giữa.
Còn cạnh trái sẽ là công tắc bật tắt phím.
Lại… lộn lại về mặt trên! Điểm đáng nói nhất của chiếc bàn phím này là switch MX Low Profile RGB Speed (Silver), là một loại switch mỏng để sử dụng trên những bàn phím di động với vỏ ngoài trong suốt để tích hợp đèn, với cảm giác nhấn thẳng (linear) với lực 45cN, tổng hành trình nhấn xuống là 3.2mm và kích hoạt ở 1mm.
Lý do switch này lại được gọi là speed là vì khoảng cách kích hoạt chỉ 1mm, trong khi đó switch dạng thấp khác của Cherry là MX-LP Red kích hoạt ở 1.2mm. Điều này giúp phím được kích hoạt nhanh hơn trong mỗi lần nhấn, từ đó tăng tốc độ phản hồi trong các tình huống trong game.
Nhìn từ mặt bên ta có thể thấy được độ mỏng của phím, theo hãng công bố thì khoảng 35mm. Những bàn phím dạng low profile này được làm ra để dễ dàng đem theo người, cho vào cặp mà không tốn diện tích, nhưng trước đây thường được tích hợp phím cao su nhưng giờ với sự có mặt của những loại switch mới thì cũng đã được ‘tiến hóa’ thành phím cơ.
Phím cũng có phần mềm để điều khiển trên máy tính từ Cherry, với những chức năng chính là theo dõi thời lượng pin, điều khiển đèn RGB, gán chức năng của các phím và cập nhật phần mềm khi cần thiết.
Trên thực tế chiếc bàn phím này cho trải nghiệm như thế nào? Như đã đề cập, đây là bàn phím đã có sự rút gọn ở hàng phím Function nên những bạn nào thường xuyên phải sử dụng hàng này, tới mức ‘không thể sống được nếu thiếu nó’ thì không nên đầu tư chiếc bàn phím này. Với những game chỉ sử dụng phím điều hướng, hàng phím chữ và số thì tất nhiên là Cherry MX-LP 2.1 ‘cân’ được.
Keycap của phím được làm hơi cong nhẹ trên từng phím, nhưng không có sự khác nhau về chiều cao giống như những bàn phím cơ thông thường nên trong thời gian đầu cũng cần làm quen 1 chút trước khi nhấn được chính xác.
Vậy nếu đã là một bàn phím với phím phẳng giống với laptop thì tại sao lại phải bỏ tiền ra để sử dụng? Câu trả lời nằm ở switch Cherry Low Profile - một loại switch được thiết kế bởi một hãng đã quá ‘quen mặt’ với loại sản phẩm này rồi. Switch MX-LP Speed trên lý thuyết thì có lực nhấn khá nhẹ, nhưng trên dùng thực tế ta vẫn cảm nhận được độ ‘lì’ của lò xo khi nhấn xuống chứ không trơn tuột như phím ở laptop.
Sự kết của hành trình phím sâu, nhưng điểm kích hoạt thì nông cho cảm giác nhấn cũng khá hay. Với những bạn chơi game hoặc gõ văn bản tốc độ cao thì có thể dễ dàng ‘lướt’ phím mà không sợ phím không nhận, nhưng những bạn nhấn phím mạnh thì vẫn sẽ cảm nhận được độ sâu của switch, không có cảm giác bị hụt hẫng.
2 điểm mà bàn phím cơ lúc nào cũng sẽ vượt trội so với phím cao su đó là độ đồng đều giữa các phím và độ bền. Tất cả switch trên bàn phím đều được Cherry cân chỉnh để có cảm giác nhấn giống nhau, nên sẽ không có hiện tượng phím nhấn nhẹ, phím nhấn nặng như những bàn phím cao su.
Switch khi nhấn xuống cũng sẽ là nhấn thẳng, không có hiện tượng lung lay (wobble) thường thấy ở laptop và bàn phím cao su văn phòng. Độ bền thì Cherry hiện vẫn ‘làm trùm’, mỗi switch trên phím đều đã được thử nghiệm để nhấn 100 triệu lần, và nếu có hỏng thì cũng sẽ dễ dàng kiếm được linh kiện thay thế.
Cherry MX-LP 2.1 có giá phân phối tại Việt Nam là 3.410.000 Đồng, tức là cao hơn so với số đông những bàn phím dạng low profile trên thị trường. Nhưng đây cũng là điều dễ hiểu: Đây là một bàn phím cơ, lại được chính Cherry thiết kế từ trong ra ngoài và cũng có khá đầy đủ những tính năng hỗ trợ thì được định giá cao cấp hơn các loại bàn phím khác không có gì là lạ cả.
Tham khảo thêm về bàn phím cơ không dây Cherry MX-LP 2.1:
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI