Trải nghiệm "bộ giải trí cỡ nhỏ" của Xiaomi gồm máy chiếu Projector L1 và Soundbar 2.0Ch: Gọn gàng, dễ dùng và mức giá 'mềm'
Có thể sử dụng để giải trí tại nhà, nhưng bộ đôi máy chiếu Xiaomi Projector L1 và loa Soundbar 2.0Ch vẫn đủ độ di động để có thể đem đi bất cứ đâu!
Khi nhắc đến một “bộ sản phẩm giải trí tại gia”, mọi người thường nhắc đến những chiếc TV kích cỡ lớn, hoặc máy chiếu chất lượng cao được gắn tường cố định cùng với dàn loa bài trí kỳ công! Nhưng trong những năm gần đây, nhiều gia đình đang chuyển hướng sang những món đồ nhỏ gọn, dễ sắp đặt, dễ sử dụng và lúc nào muốn thì có thể tháo ra để đem đi chơi, dã ngoại cùng gia đình và bạn bè được.
Hôm nay, ta sẽ cùng trải nghiệm một bộ sản phẩm như vậy đến từ Xiaomi bao gồm máy chiếu Xiaomi Projector L1 “phối ghép” cùng bộ soundbar nhỏ gọn Xiaomi Soundbar 2.0Ch .
Ta sẽ ‘đi’ từ chiếc máy chiếu trước! Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi lấy chiếc Projector L1 chắc chắn là về sự nhỏ nhắn của nó. Máy chiếu có kích thước chính xác là 118 x 142.2 x 175.51 mm, cầm trên tay không quá cồng kềnh và khi đặt lên bàn phòng khác hoặc gắn lên chân dựng cũng không chiếm nhiều diện tích.
Vỏ ngoài của máy được làm bằng nhựa phủ màu đen nhám mờ, mặt trước ngoài hệ thống ống kính còn có logo Xiaomi và cảm biến hình ảnh phục vụ cho tính năng cân chỉnh hình chiếu.
Vì được thiết kế để sử dụng di động hoặc để ngay ở bàn trà của phòng khách nên nút nguồn của máy được đặt ở trên đỉnh.
Các mặt bên của máy chiếu cũng sở hữu một thiết kế khá đơn giản, không có nhiều chi tiết trang trí ngoài hệ thống lỗ cho loa và tản nhiệt.
Các cổng kết nối của Projector L1 được đặt hết ở mặt sau, bao gồm cổng nhạc 3.5mm, HDMI, USB để cắm thiết bị ngoại vi và cổng nguồn đầu tròn.
Máy chiếu được tặng kèm điều khiển với hệ thống nút bấm rút gọn nhất có thể, chỉ có nút nguồn, tắt âm thanh, mũi tên, 2 nút chỉnh âm lượng, 3 nút điều hướng của Google TV và 2 nút kích hoạt nhanh Netflix và Youtube.
Mở máy chiếu lên, điều đầu tiên mà ta cần làm đó là điều chỉnh lại hình ảnh của máy chiếu trên tường hoặc màn. Quá trình này cũng được hỗ trợ bởi các chức năng điều chỉnh tự động của Projector L1: Cân chỉnh góc, lấy nét lại, chọn vị trí chiếu để ‘né’ những vật cản ở trên tường; điều còn lại cần làm là chỉnh vị trí, góc xoay của chính máy chiếu.
Những tính năng này không phải lúc nào cũng hoạt động hoàn hảo, trong lần điều chỉnh đầu tiên hình ảnh vẫn hơi méo, tuy vậy thì thử lại thêm 1 - 2 lần nữa cộng với chỉnh thêm bằng tay thì vẫn cho hình ảnh ưng ý, vẫn bớt ‘nhọc’ hơn so với việc phải chỉnh tay hoàn toàn.
Bước tiếp theo đó là điều chỉnh chế độ màu sắc, độ sáng, tương phản, độ đậm màu và độ nét. Máy chiếu có độ sáng khoảng 200 ISO Lumens, tức là nằm ở mức trung bình thấp trên thị trường hiện nay, sẽ phù hợp với các không gian phòng tối, ít ánh sáng từ bên ngoài chiếu vào thì sẽ cho chất lượng hình ảnh tốt nhất.
Giao diện Google TV của Project L1 nhìn chung là đơn giản, dễ làm quen kể cả với những người chưa sử dụng bao giờ. Màn hình chính có tab For You (nội dung khuyến nghị), Apps (các ứng dụng đã cài đặt) và Library (thư viện nội dung đã mua, thuê).
Nếu như không muốn bấm điều khiển thì ta cũng có thể dùng tới Google Assistant để điều hướng. Google Assistant là một trợ lý ảo đã phát triển trong thời gian dài, nên chúng tôi đánh giá cao độ chính xác (về cả nhận diện giọng nói tới thực hiện tác vụ) so với các trợ lý ảo riêng của các nhà sản xuất TV, máy chiếu khác.
Với bộ xử lý MT9630 và 2GB RAM, các thao tác điều khiển trên máy chiếu khá là mượt mà. Khi mở các ứng dụng lớn vẫn có một khoảng chờ nhất định, nhưng nhìn chung mọi thứ đều đủ nhanh để không tạo cảm giác giật lag, khó chịu trong quá trình sử dụng.
Nằm ở phân khúc máy chiếu dễ tiếp cận, Xiaomi Projector L1 giải mã được video 4K nhưng chỉ chiếu được hình ảnh FullHD mà thôi. Độ nét tất nhiên vẫn phụ thuộc rất nhiều vào kích thước mà bạn chiếu, nếu như gần với mức tối thiểu (40 inch) và ngồi xa thì hình ảnh chắc chắn vẫn đủ nét, nhưng chiếu lên càng lớn (tối đa là 120 inch) thì mọi thứ cũng sẽ vỡ hạt dần.
Như đã đánh giá ở trên, Projector L1 có độ sáng không quá cao nên cũng sẽ phải đánh đổi khả năng trình chiếu nội dung HDR, nếu không muốn nói là thiếu đi khả năng này. Những mảng sáng trong trailer Avatar: The Way of Water vẫn còn hơi trầm, chưa ‘đập thẳng vào mắt’ để gây ấn tượng như TV hay những máy chiếu cao cấp hơn.
Màu sắc mặc định của máy chiếu khá là ‘an toàn’, thiên về hướng nhạt hơn để tránh chói gắt, bệt màu. Chúng tôi trong thời gian trải nghiệm thường đặt độ sáng lên cao nhất, và cũng điều chỉnh tương phản lẫn độ đậm màu thêm khoảng 10% nữa thì cảm thấy hình ảnh là vừa mắt nhất.
Với cách sử dụng của chúng tôi là đặt Projector L1 đằng sau ghế ngồi, sẽ phát sinh ra một nhược điểm không thể tránh khỏi với máy chiếu đó là âm thanh sẽ phát ra từ sau lưng. Để giải quyết được vấn đề này cũng như nâng cấp chất lượng âm thanh thì ta sẽ dùng thêm bộ Soundbar 2.0Ch.
Giống như máy chiếu, Soundbar 2.0Ch hướng tới một thiết kế đơn giản nhất có thể, mặt ngoài gần như chỉ độc nhất một màu đen nhám. Chỉ có ở góc trên bên phải có thêm 1 logo của Xiaomi nhìn cho đỡ trống mà thôi!
Khác với các dòng soundbar khác thường đặt hệ thống nút bấm ở cạnh trên thì hệ thống 4 nút của chiếc loa này (nút nguồn, đổi nguồn cấp âm thanh và 2 nút âm lượng) được đặt ở cạnh bên phải.
Mặt sau loa có các cổng kết nối bao gồm cổng nguồn (2 chấu tròn), cổng 3.5mm, cổng quang và RCA để kết nối nguồn phát. Với máy chiếu, chúng tôi sử dụng luôn Bluetooth 5.3 vì nối dây 3.5mm sẽ rất vướng víu. Ở mặt sau này ta cũng có 2 lỗ khoét nhỏ, nếu đã có đinh sẵn trên tường thì bạn có thể treo loa lên cho gọn.
Để đánh giá về chất lượng âm thanh, Xiaomi Soundbar 2.0Ch cho âm thanh sạch, rõ ràng và đúng vị trí hơn rất nhiều so với loa tích hợp ở trên máy chiếu. Tuy vậy vì chỉ tích hợp 2 loa cho 2 kênh với công suất 30W nên chiếc loa này sẽ không nổi bật ở khả năng tái tạo âm trầm - dải âm mà ở các bộ loa khác sẽ phải được đảm nhiệm bởi 1 loa bass hoặc thậm chí 1 chiếc loa sub-woofer riêng.
Tất nhiên rồi, để đạt được kích thước gọn gàng cũng như mức giá ‘mềm’ (4.990.000 Đồng cho máy chiếu, 1.090.000 Đồng cho loa) thì cả 2 sản phẩm này cũng đã phải đánh đổi về chất lượng tái tạo hình ảnh và âm thanh so với các sản phẩm lớn hơn. Tuy vậy như đã đề cập tới ở ngay đầu bài, bộ đôi này được làm ra để đáp ứng nhu cầu giải trí tiện dụng, có thể bổ trợ thêm cho những bộ đồ giải trí cao cấp hoặc dùng để đem đi chơi chứ không chỉ ‘cắm dí’ một chỗ ở nhà.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Trung Quốc chi hàng trăm triệu USD xây quả cầu khổng lồ sâu 700m dưới đất, chứa dung dịch đặc biệt để săn loại hạt tiết lộ bí mật vũ trụ
JUNO là một thiết bị khổng lồ có dạng hình cầu, nằm sâu 700 mét dưới một ngọn đồi bằng đá granite ở miền Nam Trung Quốc
Nếu chiếu đèn pin lên trời, liệu ánh sáng từ đèn có thể di chuyển mãi mãi trong vũ trụ?