Trải nghiệm Coffee Lake trên bo mạch chủ Asus: OC luôn tốt, giá cũng luôn đứng top
Nếu như những tháng ngày vừa qua, Kaby Lake phải chật vật chống trả lại sự trỗi dậy của AMD Ryzen. Còn ngay bây giờ đây, tất cả những ai đang rục rịch đổi sang team đỏ sẽ phải hối hận về quyết định của mình bởi Coffee Lake quá ngon.
Nếu như những ai đã trải qua bước nâng cấp từ Sky Lake lên Kaby Lake thì chúng ta sẽ có không nhiều những trải nghiệm thực tế về dòng CPU ra mắt vào đầu năm 2017 này của Intel. Chỉ với 10% hiệu năng được nâng cấp, thì với hầu hết các nhu cầu của người bình thường chẳng có mấy ảnh hưởng. Intel Optane là một bước tiến đáng giá, là tiền đề cho một công nghệ lưu trữ tốc độ cực cao. Nhưng không phải có nhiều người nhận thức được điều này bởi đâu phải máy tính nào mua về cũng để phục vụ công việc.
Nhưng ngay sau khi Ryzen của AMD tỏa sáng như một ngôi sao mới với sức mạnh tỏ ra vươt trội ở những vấn đề thường nhật mà người dùng đang mong muốn thì ngay lập tức Intel phải phản đòn với việc tung ra Coffee Lake sớm, và đây đúng là một hành động bóp đồng đội rất thốn đến từ nhà sản xuất vi xử lý hàng đầu thế giới. Theo như khảo sát thị trường hiện nay thì giá của Intel i5 8600K so với người đồng cấp i5 7600K chỉ chênh có 500.000 VND tức là chỉ 10%.
Cấu hình thử nghiệm
Main: Asus ROG Maximus X Hero/ Asus ROG Strix Z370-E Gaming. Tham chiếu: Asus TUF Z270 Mark 1
CPU: Intel Core i5-8600k Tham chiếu: Intel Core i5-7600k
RAM: Galax HOF DDR4 2x8Gb bus 3600MHz
VGA: MSI GTX 1080 Founder Edition
Cooling: Thermaltake Water 3.0 Extreme
SSD: M.2 Intel 600p Series PCIe 3.0 x4
Với cấu hình này, chúng tôi đã cố gắng nâng xung của 8600k từ 4.3GHz lên 4.9GHz và tương tự với mức xung của 7600k cũng là 4.9GHz để so sánh được một cách chính xác nhất những gì mà Coffee Lake thể hiện so với đàn anh Kaby Lake của mình. Với bo mạch chủ Asus Maximus X Hero và TUF Z270 Mark 1 đều được thiết kế để ép xung thì việc nâng sức mạnh của CPU chạm ngưỡng hoàn toàn diễn ra thuận lợi.
Bài test 1: Cinebench R15
Kết quả của Intel Core i5-8600k thực sự vượt trội so với người tiền nhiệm
Đây là bài test thể hiện khả năng render hình ảnh của CPU ở cả trường hợp sử dụng đơn nhân và đa nhân. Ngay từ bài test này thì Coffee Lake đã tỏ ra vượt trội so với chiếc CPU cùng cấp được sinh ra cách đây vỏn vẹn có 9 tháng.
Điểm số mà 8600K đạt được trên bo mạch chủ Asus Maximus X Hero cao hơn hẳn so với 7600K những 50% thậm chí nếu các bạn có thể thấy dữ liệu benchmark trước đây của chúng tôi thì nó thậm chí còn mạnh hơn cả i7-7700K tới 30% hiệu năng đa nhân. Còn khi xét trên đơn nhân thì cả 3 CPU của chúng ta đều có kết quả khá là đồng đều nhau. Đều trong khoảng trên 200-210 điểm.
Bài test 2: Super PI 1.5 mod xs
Đây vẫn luôn là một bài test rất thông dụng mỗi khi người ta muốn xem xét sức mạnh giải các thuật toán của CPU bằng cách tạo ra số PI. Ở đây chúng tôi sử dụng cả bài test 1M và 32M để có độ chính xác cao nhất. Và tất nhiên, 8600K vẫn lại là vi xử lý vượt trội về thời gian tạo số so với người anh 7600K của mình.
Bài test 3: Test nhiệt độ vận hành của SSD M.2
Trong bài so sánh về ngoại hình của bo mạch chủ Z370 của Asus so với sản phẩm Z270 của hãng này, chúng tôi có đề cập đến một nâng cấp đáng giá. Đó chinh là việc trang bị thêm những phiến tản nhiệt dành cho các SSD M.2 này. Hiện vẫn còn những bàn cãi về tính hiệu quả của những tấm tản nhiệt này. Nhưng có lẽ sau bài test dưới đây, các bạn có thể phần nào tin tưởng hơn về chất lượng của những bo mạch chủ đời sau.
SSD vận hành ở mức nhiệt độ thấp không ngờ
Trên bo mạch chủ ROG Strix Z370-E Gaming, sau khi thử lắp SSD ở 2 vị trí có tản nhiệt và không có tản nhiêt. Nhiệt đô đo được ở cả khi idle lẫn lúc đang hoạt động ghi đọc đều có sự khác biệt rõ rệt. Cụ thể là khi sử dụng tấm tản nhiệt, SSD chỉ có mức nhiệt 29 độ khi idle và 39 độ khi đang vận hành. Trong khi đó nhiệt độ của SSD khi idle nếu không dùng tản nhiệt đã gần bằng nhiệt độ vận hành khi lắp thêm tản nhiệt rồi. Lúc vận hành thì tình hình nhiệt độ còn tệ hơn nữa. Khi mà SSD trong tác vụ copy file đạt nhiệt độ 70 thì quả là con số đáng lo ngại.
Nếu SSD cứ tiếp tục chạy không tản ở mức nhiệt này thì ngày "quy tiên" cũng không xa lắm đâu
Với ROG Strix Z370-E Gaming thì heatsink gắn liền với nhiệt độ vận hành của PCH, còn nếu sử dụng heatsink độc lập như trên ROG Maximus X Hero thì sao? Câu trả lời là SSD của bạn sẽ còn mát hơn nữa. Nhiệt độ idle của SSD chỉ có 25 độ mà thôi trong khi nhiệt độ vận hành của SSD cũng chỉ đạt 34 độ. Quả thực là mát hơn rất nhiều so với không dùng heatsink.
Các bạn nên nhớ rằng, nhiệt độ vận hành này sẽ không chỉ ảnh hưởng đến hiệu năng ghi đọc của SSD trong 1 thời gian dài mà ngoài ra nó còn khiến tuổi thọ của những món đồ điện tử của bạn như thế này ngày càng nhanh chóng già nua và mất giá trị sử dụng.
Bài test 4: Test thực tế trên game
Trải nghiệm game trên Coffee Lake không có nhiều khác biệt nhưng lại có lợi cho các streamer.
Chúng tôi sử dụng tựa game Dying Light và nhận thấy rằng game đang sử dụng hết mức xung nhịp đang chạy của các CPU. Đối với i5-7600k thì nó chiếm đến khoảng 67% hiệu năng của CPU và đạt mức khung hình xấp xỉ 130 fps với GTX 1080. Nếu người dùng có nhu cầu stream thì họ sẽ còn khoảng 30% hiệu năng còn lại của CPU phục vụ vào mục đích này. Nếu muốn stream ở độ phân giải cao với độ trễ thấp thì chiếc CPU này vẫn còn hơi yếu.
Cũng là cấu hình đấy nhưng Kaby Lake có thể về lâu về dài sẽ không còn đáp ứng được các nhu cầu đa tác vụ nữa.
Còn đối với i5-8600k, hệ thống của chúng tôi đạt mức khung hình cao hơn, khoảng 140 fps, chênh lệch không nhiều, nhưng với các màn hình có tần số quét từ 144Hz trở lên thì sẽ có 1 chút khác biệt nhỏ về độ mượt của trải nghiệm. Game sử dụng 57% hiệu năng của CPU, giảm khoảng 10%. Vì thế mà các streamer sẽ có thêm 10% hiệu năng đó được phục vụ vào vấn đề mà họ quan tâm hơn, đó là độ mượt của stream. Có thể không nhiều nhưng cũng giúp cho họ cảm thấy thoải mái hơn mỗi khi thực hiện công việc này.
Tổng kết:
Trong thời điểm này, bo mạch chủ sử dụng chipset Z370 đang được đưa ra thị trường 1 cách ồ ạt nhưng Intel lai đang cố tình “câu giờ” khi chỉ cho phép một số lượng nhỏ giọt các vi xử lý được mở hệ số nhân như i5 8600K và i7 8700K được bán ra thị trường. Tất cả là để những chiếc Kaby Lake cuối cùng được bán ra.
Trong khi đó các vi xử lý tầm trung như i3 và i5 được khóa hệ số nhân thì lại có mặt rất nhiều trên thị trường nhưng bo mạch chủ tầm trung dành cho dòng này lại phải đợi đến năm sau mới xuất hiện. Điều này thật khiến cho người dùng cảm thấy thị trường PC có phần hơi tréo ngoe.
Quay trở lại với bo mạch chủ đã phục vụ cho hệ thống Coffee Lake đến từ Asus này. Về thiết kế, có thể nó không thuyết phục được người dùng bởi nó sử dụng thiết kế cũ. Tuy nhiên nó chưa đựng hàm lượng chất xám rất cao từ lần thiết kế trước nên chúng ta có thể không sợ rằng nó sẽ bị lỗi mốt trong năm nay. Còn về hiệu năng thì với vai trò là nhà sản xuất bo mạch chủ hàng đầu trên thế giới, Asus vẫn biết cách tạo ra những sản phẩm vô cùng chất lượng đặc biệt là với dòng sản phẩm ROG và ROG Strix vốn sinh ra để cho dành cho những nhu cầu từ cao cấp đến siêu cao cấp. Asus đều có thể làm hài lòng những khách hàng thuộc phân khúc này một cách dễ dàng bởi tính ổn định và khả năng vận hành cực mạnh.
Ưu điểm:
- Thiết kế trau chuốt, vận hành ổn định
- Hệ thống ánh sáng RGB cực đẹp
- Khả năng OC ổn định, đưa hệ thống chạm ngưỡng cao.
- M.2 được tản nhiệt bằng heatsink
Nhược:
- Giá thành của bo mach chủ Asus luôn cao, nhất là trong lần ra mắt này
- Sử dụng thiết kế cũ, tạo sự nhàm chán cho bo mạch chủ giá trị lớn.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Những tiểu tiết bạn có thể đã bỏ qua trong trailer The Witcher 4