Trải nghiệm hệ điều hành Sao Đỏ 3 của Triều Tiên: Siêu bảo mật!

    Yến Thanh,  

    Red Star 3.0 là tên gọi chính thức của hệ điều hành này. Gọi hệ điều hành này là siêu bảo mật vì một lẽ: bạn không thể truy cập Internet thông qua Sao Đỏ 3.

    Có thể nói, đất nước Triều Tiên luôn là một ẩn số với thế giới nói chung, và làng công nghệ nói riêng. Trong suốt thời gian qua, đã có rất nhiều câu hỏi được đặt ra với Triều Tiên như: người dân nơi đây sử dụng điện thoại gì, máy tính gì, chạy hệ điều hành nào, chất lượng Internet ra sao?

    Mới đây, một trong những thắc mắc lớn đó đã được giới công nghệ giải đáp. Cụ thể, sau rất nhiều nỗ lực, Red Star 3.0 hay còn có tên gọi là Hệ điều hành Sao Đỏ đã được công bố rộng rãi trên mạng Internet. Bạn đọc quan tâm có thể tải về file cài hệ điều hành Red Star 3.0 tại đây.

    Trên tay hệ điều hành Sao Đỏ "xấu lạ" của người Triều Tiên

    Một vài lưu ý:

    - Sau khi tải về, người dùng vẫn cài đặt theo hướng dẫn, như các hệ điều hành Windows thông thường.

    - Nên cài dưới dạng máy ảo (sử dụng VMware) nhằm tránh những rủi ro không đáng có.

    - Theo dõi thêm hướng dẫn chi tiết cách cài đặt hệ điều hành Red Star 3.0 tại đây.

    Hệ điều hành Sao Đỏ có dễ cài đặt không?

    Rất dễ cài đặt. Tất cả những gì chúng ta cần làm là chọn, next và chọn. Dù không hiểu tiếng Triều Tiên cũng có thể cài đặt bình thường. Công đoạn mất thời gian nhất, có lẽ là lúc chờ Red Star 3.0 được cài đặt.

    Hệ điều hành Sao Đỏ có dễ sử dụng không?

    Không dễ sử dụng cho lắm. Bởi nếu chưa từng sử dụng qua hệ điều hành Mac OS, giao diện của Red Star 3.0 sẽ khiến nhiều người phải bỡ ngỡ. Ngoài ra, ngôn ngữ cũng là một rào cản khiến quá trình mày mò Red Star 3.0 càng trở nên kịch tính hơn, bởi hệ điều hành này dường như không hỗ trợ giao diện tiếng Anh.

    Điều thú vị khi sử dụng Red Star 3.0, đó là chúng ta không biết phải click vào đâu để chọn được tính năng mà mình mong muốn, y hệt như những ngày đầu mò mẫm hệ điều hành Windows mà mù tịt tiếng Anh. Đặc biệt, cũng chẳng lường được hết hậu quả ở thứ mà chúng ta vừa vô tình click vào.

     Với Red Star 3.0, tiếng Triều Tiên ở khắp mọi nơi.

    Với Red Star 3.0, tiếng Triều Tiên ở khắp mọi nơi.

    Nhưng nhìn chung, qua một số trải nghiệm nhanh, mở thử các ứng dụng có sẵn trên màn hình như: folder, trình duyệt, lịch, máy tính hay cài đặt, chúng ta có thể dễ dàng hiểu được cách vận hành của các ứng dụng này. Tương tự như vậy, các thao tác chuột phải giúp tạo folder, hay thay hình nền...

    Trải nghiệm hệ điều hành Sao Đỏ chưa thực sự trọn vẹn

    Chậm, trễ

    Qua một số thử nghiệm ban đầu, độ trễ khi mở các ứng dụng trên hệ điều hành Red Star 3.0 là rất lớn. Thông thường, độ trễ sẽ diễn ra khoảng 2-3 giây, hoặc nhiều đơn. Thậm chí, với 1 tác vụ đơn giản như tạo folder mới, độ trễ cũng là khoảng 1 giây. Đặc biệt, khi thay hình nền trên Red Star 3.0, độ trễ này càng lớn hơn nữa.

    Tất nhiên, cũng cần phải khẳng định rằng, do Red Star 3.0 được cài đặt trên máy ảo, thông qua VMware, với thông số cấu hình được phân bổ khá khiêm tốn, nên độ trễ lớn là điều dễ hiểu. Hy vọng, khi cài Red Star 3.0 lên máy tính thật, tốc độ này có thể được cải thiện phần nào, nhưng độ trễ là khó tránh khỏi.

     Vô tình tìm ra biểu tượng cờ đỏ sao vàng?

    Vô tình tìm ra biểu tượng cờ đỏ sao vàng?

    Xấu

    Bản thân Red Star 3.0 được lấy cảm hứng từ nền tảng Mac OS của Apple, từ phong cách thiết kế ứng dụng, cho tới các thanh trạng thái, folder. Nhưng việc lấy cảm hứng này chỉ dừng ở mức nửa vời. Nghĩa là, Red Star 3.0 chưa đạt tới độ hoàn mỹ như Mac OS, nếu không muốn nói là quá xấu.

    Nhàm chán

    Do rào cản ngôn ngữ, cộng với việc chưa thể cài đặt các phần mềm, ứng dụng khác lên Red Star 3.0, nên ở thời điểm hiện tại, hệ điều hành này khá nhàm chán. Ngoài việc nghịch ngợm các ứng dụng mặc định có trên Red Star 3.0, rất khó để tìm ra một lý do nên tiếp tục trải nghiệm hệ điều hành này.

    Đáng chú ý, những tác vụ cơ bản như lướt web, truy cập mạng Internet cũng không thể thực hiện được với Red Star 3.0. Rất có thể do việc config mạng dựa trên VMware chưa thực sự chuẩn xác hoặc cũng có thể do Red Star có cài sẵn 1 bộ tường lửa chỉ cho phép truy cập 1 số trang web nhất định của Triều Tiên. Muốn vào được Internet, người dùng phải lấy được quyền Root và config lại tường lửa này trước.

    Nhưng tóm lại, với người dùng bình thường không có kiến thức về config mạng thì việc truy cập Internet từ Red Star là vô cùng khó khăn.

     

    Tuy nhiên, đây cũng chỉ là những phỏng đoán ban đầu. Hy vọng, trong thời gian tới, Red Star 3.0 sẽ nhận được nhiều sự quan tâm của giới lập trình viên, nhằm biến hệ điều hành nhàm chán này, thành một nền tảng dùng được. Và biết đâu, chỉ ít ngày nữa thôi, Sao Đỏ sẽ trở thành cái tên nổi như cồn trên mạng Internet.

    Đôi nét về hệ điều hành Red Star 3.0:

    - Red Star là hệ điều hành được phát triển bởi Korea Computer Center đặt tại thủ đô Bình Nhưỡng và dựa trên mã nguồn mở của hệ điều hành Linux.

    - Hệ điều hành Red Star bắt đầu được phát triển từ năm 2002, nghĩa là đi sau với thế giới rất nhiều.

    - Hệ điều hành Red Star 3.0 ra đời vào năm 2013.

    - Hệ điều hành Red Star 2.5 là phiên bản phổ biến nhất tại đất nước Triều Tiên.

    - Red Star sử dụng trình duyệt có tên gọi là Naenara, một phiên bản chỉnh sửa của Firefox và một số tuỳ biến khác như Wine cho phép người dùng chạy ứng dụng Windows 3.1.

    - Tuy nhiên, điều đặc biệt nhất ở Red Star 3.0 là mọi thứ trong nền tảng này đều có giao diện rất giống với OS X của Apple.

     

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ