Trải nghiệm LG QNED 8K 2022 65 inch: TV hơn 100 triệu có gì hay?
(Tổ Quốc) - Khi LG áp dụng tất cả những công nghệ mạnh mẽ nhất cho tấm nền LCD IPS thì đây là kết quả!
Mặc dù OLED với hàng loạt những ưu điểm so với LCD nhưng đây vẫn không phải là loại tấm nền “mặc định” mỗi khi người dùng chọn mua TV. Đơn giản vì TV là một món đồ công nghệ mua một lần - dùng nhiều năm nên bên cạnh yếu tố chất lượng hình ảnh, âm thanh thì độ bền cũng được đặt lên rất cao. OLED dù đã phát triển nhiều nhưng vẫn gây mối lo về vấn đề lưu ảnh (burn-in), đổi màu sắc sau một thời gian dài sử dụng.
Đây cũng là lý do vì sao các nhà sản xuất bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện TV OLED thì vẫn ra mắt các sản phẩm LCD IPS, vẫn là một công nghệ đã được kiểm chứng là có độ bền cao sau một thời gian dài. Và dòng flagship QNED99 2022 là kết quả nếu một hãng như LG “đổ” tất cả những công nghệ mạnh mẽ nhất của mình vào loại tấm nền này.
Thiết kế đẹp mắt nhưng chưa thể cho điểm 10
Ngày nhận được sản phẩm này tới studio là một ngày chúng tôi nửa vui nửa mệt mỏi. Vui vì được sử dụng một chiếc TV, nhưng cũng lo vì sẽ phải vật lộn với việc lắp nó để sử dụng. Phiên bản chúng tôi nhận được có kích thước 65 inch (65QNED99SQB) không phải là lớn nhất (hãng còn có phiên bản 75 và 86 inch) nữa, nhưng cũng đủ để chúng tôi phải loay hoay trong một buổi chiều mới xong. Tuy nhiên sau khi lắp đặt thì kết quả rất mỹ mãn vì đây là một chiếc TV có thiết kế khá đẹp mắt.
Nếu bạn mua chiếc TV này ở siêu thị điện máy thì đây không phải vấn đề vì sẽ được hỗ trợ lắp đặt tận nhà.
Giống như các sản phẩm TV cao cấp thế hệ mới khác, 65QNED99SQB có tấm nền tràn tới gần các viền. Phần viền dưới đáy có dày hơn một chút, nhưng ở khoảng cách xem TV bình thường thì vẫn có cảm giác cân đối so với 3 viền còn lại, không bị hiện tượng “cằm dày” xấu xí.
Là màn hình LED lại được trang bị thêm công nghệ MiniLED nên 65QNED99SQB không thể có độ mỏng “mi-nhon” được như các sản phẩm LG OLED, nhưng không đến mức dày “cục mịch” và quá thô. Các phần viền cũng được bọc bởi một lớp kim loại màu bạc, thêm một chút điểm nhấn để không trở nên nhàm chán.
TV sử dụng chân đế cong bán nguyệt giống với những chiếc màn hình máy tính của LG, có những ưu điểm và nhược điểm riêng. Ưu điểm nằm ở việc chân có kiểu dáng đẹp, cũng có sự khác biệt so với các TV khác trên thị trường cũng như tạo nên sự đồng nhất với 1 loại sản phẩm khác của hãng.
Nhược điểm thì có lẽ các bạn cũng đã thấy: chân chiếm nhiều diện tích ở phía trước, nên những loại kệ có chiều sâu ngắn sẽ không đặt lên được hoặc đặt lên thì không được hài hòa. Bên cạnh đó chân được kết nối với TV tại 1 điểm duy nhất cứ không phải từ 2 điểm giống với loại chân đôi (như chiếc LG C2 thời gian trước mình có trải nghiệm nhanh), nên không tạo được độ chắc chắn cao, khi chạm tay vào 2 bên viền TV sẽ hơi lung lay nhẹ.
Thiết kế 65QNED99SQB nhìn chung là khá đẹp. TV hiện nay cũng không quá khác nhau về thiết kế khi cả các sản phẩm tầm trung hiện nay cũng đã “lung linh” rồi, ở 65QNED99SQB ta vẫn tìm thấy một vài những điểm tạo nên sự khác biệt như khung nhôm và chân đế vòng cung. Yếu điểm về chân không chắc chắn cũng không quá lớn vì ít ai động tay vào TV trong quá trình sử dụng bình thường.
Điều khiển kèm theo là dạng Magic Remote, với tính năng đáng nói nhất là có thể vẩy qua lại trong không khí để điều khiển con trỏ trên giao diện WebOS của TV. Đây là một cách điều khiển rất hay, vì ở những TV của hãng khác không có tính năng này ta sẽ phải bấm nhiều lần trên phím điều hướng, đây ta chỉ vẩy tay nhẹ là xong.
Chất lượng hình ảnh xứng đáng “trăm triệu”?
Như đã đề cập ở trên, thiết kế TV hiện nay đã khá “bão hòa” nên điều tạo nên sự khác biệt lớn nhất vẫn nằm ở chất lượng hình ảnh. Vậy 65QNED99SQB có gì đặc biệt mà có giá bán lên tới gần 105 triệu Đồng, và thậm chí lên tới 219 triệu Đồng cho phiên bản đầu bảng 86 inch?
Yếu tố đầu tiên làm nên mức giá “vượt tầm” của TV là độ phân giải 8K, có số lượng điểm ảnh gấp 4 lần so với tiêu chuẩn 4K hiện nay. Vẫn còn những tranh cãi về việc liệu 8K có thực sự cần thiết hay không, khi TV 4K cũng đã có đủ độ nét đối với nhiều người ở khoảng cách xem thông thường; bên cạnh đó nội dung 8K hiện nay vẫn là rất hiếm, thường là các video sample của các hãng chứ không phải video hay phim gì có nội dung cụ thể.
Studio của chúng tôi cũng không quá rộng nên khoảng cách sử dụng gần, nên 8K đúng là vẫn có độ nét cao hơn so với 4K, ít nhất là với giao diện WebOS bên ngoài và các video hỗ trợ nội dung này. Tuy vậy để nói rằng đây là một tính năng nâng cấp hình ảnh “vượt trội” thì cũng phải.
3 công nghệ chính để nâng cấp hình ảnh LG 65QNED99SQB bao gồm NanoCell, Quantum Dot và MiniLED. NanoCell là một tấm phủ nano siêu mỏng chỉ 1nm, tăng khả năng hấp thụ bước sóng dư thừa để hình ảnh tinh khiết hơn; Quantum Dot hay người Việt biết tới với cái tên “Chấm lượng tử” bao gồm những hạt cực nhỏ có thể phát ánh sáng khi có dòng điện chạy qua, với ưu điểm là tạo ra độ bão hòa màu cao hơn so với cách hiển thị màu của màn hình LCD thông thường.
MiniLED là công nghệ mới nhất và cũng chỉ được áp dụng cho 2 dòng sản phẩm QNED86 và QNED99 cao cấp, còn 2 dòng tầm trung là QNED7S và QNED80 thì không có. Thay vì sử dụng các bóng đèn chiếu sáng từ cạnh viền, MiniLED có các bóng đèn LED dạng nhỏ nằm sau tấm nền để chiếu sáng từng vùng, từ đó tăng độ tương phản giữa vùng sáng và vùng tối một cách chính xác hơn. Đây cũng là công nghệ đã được Apple sử dụng cho những chiếc MacBook Pro cao cấp của mình.
Thực chất công nghệ này không phải là hoàn hảo, vì khi hiển thị những sự vật nhỏ hơn so với vùng đèn nền thì sẽ xảy ra hiện tượng viền sáng (blooming) và 65QNED99SQB cũng gặp hiện tượng này. Công bằng mà nói thì viền sáng chỉ hiện ra nếu đặt độ sáng màn hình cao và hiển thị những vật sáng nhỏ bất thường trên nền đen (ví dụ như di chuột trên nền đen hoàn toàn). Trong điều kiện xem video, phim thông thường ta sẽ khó nhận ra được hiện tượng này, vì các nội dung này hiển thị vùng sáng tối hài hòa hơn.
Độ tương phản của 65QNED99SQB phải nói là cao so với những TV với tấm nền LCD tôi được trải nghiệm, dễ nhận thấy nhất ở những cảnh phim, video MV có nền tối. Nếu đứng thật sát thì ta vẫn thấy được màu đen có hơi ngả xám chứ không “đen” hoàn toàn được như OLED, tuy vậy ở khoảng cách xem thông thường trong phòng tối thì điều này rất khó nhận ra.
Có một điểm mà tôi chưa hài lòng với 65QNED99SQB khi mới bóc hộp là vấn đề màu sắc và độ sáng. Khi đặt ở chế độ hình ảnh tiêu chuẩn và độ sáng cao, màu sắc của hình ảnh ngả về hướng xanh và cũng khá bệt, không giống với tự nhiên cho lắm. Khi hạ độ sáng xuống khoảng 50 - 60% và chuyển qua chế độ Filmmaker Mode (chế độ Nhà làm phim) thì màu sắc dịu hơn, vẫn có độ đậm và tươi nhưng không bị “chói”.
Bên cạnh công nghệ tăng chất lượng ảnh thì TV cũng có một vài tính năng tăng tính thuận tiện, như AirPlay để chia sẻ nội dung nhanh từ các thiết bị của Apple hoặc Chia sẻ phòng - chuyển tiếp nội dung giữa các TV của LG trong nhà, tất nhiên là cần những gia đình mà phòng nào cũng sử dụng TV của LG rồi!
Một tính năng cũng rất hữu ích trong mùa World Cup cũng như với ai đam mê thể thao là Thông báo thể thao, cho phép xem lịch, kết quả các trận đấu thể thao cũng như hiện thông báo khi sắp có trận sắp diễn ra để người xem không bị bỏ lỡ.
Dùng để chơi game có “đã”?
Trong thời gian trải nghiệm 65QNED99SQB bên cạnh việc sử dụng xem video và phim thì tôi cũng có chơi game trên chiếc TV này. Chiếc LG C2 OLED của hãng có các kích thước dưới 50 inch nên được mọi người sử dụng làm màn hình máy tính, còn QNED99 đều lớn hơn 65 inch nên có lẽ việc dùng làm TV giải trí phòng khách với console như Switch, Xbox và trong trường hợp của tôi là PS5 sẽ hợp lý hơn.
TV được trang bị “Trình tối ưu hóa trò chơi” để tùy biến hình ảnh phù hợp với cách chơi của từng người, bao gồm việc chỉnh độ sáng, màu sắc phù hợp với từng tựa game (bắn súng, nhập vai, chiến lược, thể thao); giảm ánh sáng xanh và Chế độ phòng tối với những bạn hay “cày” phim đêm trong phòng thiếu ánh sáng. Bên cạnh đó là tính năng VRR cho phép điều chỉnh tần số theo thời gian thực để giảm thiểu xé, giật hình.
Những ưu điểm về tái tạo màu sắc cũng như tương phản của 65QNED99SQB được áp dụng tốt vào những tựa game có nhiều cảnh quay đẹp như God of War. Chơi những tựa game phiêu lưu, khám phá trên TV màn hình lớn có chất lượng hình ảnh cao vẫn là một trải nghiệm tốt hơn so với một màn hình máy tính nhỏ.
TV cũng có tốc độ phản hồi đủ tốt để theo kịp với những tựa game tốc độ cao hơn như PES 2021, theo Ratings với các thiết bị đo chuyên nghiệp thì chỉ 11.5ms. Công nghệ VRR thể hiện được hiệu quả với thể loại game này, đảm bảo không có các khung hình bị xé nửa hay giật lag thất thường, đảm bảo trải nghiệm mượt mà nhất.
Tựa game tận dụng được tất cả ưu điểm về kích thước, chất lượng ảnh cũng như tốc độ phản hồi của 65QNED99SQB là Team Sonic Racing. Đây là game với tiết tấu rất nhanh, nhưng vẫn có cảnh tượng rất rộng mở và đầy màu sắc, TV có đủ tất cả những yếu tố để tạo nên một trải nghiệm tốt.
Trải nghiệm cao cấp nhưng sẽ kén người dùng
Không thể bàn cãi khi nói rằng dòng QNED99 2022 là một trong những dòng TV với tấm nền LCD cao cấp nhất hiện nay, đứng bên cạnh QN900B cũng với độ phân giải 8K của Samsung. TV đem tới kiểu dáng khá “sang”, đầy đủ các tính năng phụ trợ mà WebOS có thể làm được cũng như chất lượng hình ảnh cao nhất mà loại tấm nền này có thể làm được.
Tuy vậy, việc chiếc TV này cũng như các phiên bản 75, 86 inch trở nên kén người mua vì mức giá của chúng cũng sẽ là điều “tất lẽ dĩ ngẫu”. Đặt bản thân vào một người đi chọn mua TV, đa phần người tiêu dùng sẽ chọn một sản phẩm có độ phân giải 4K có giá bán từ 50 triệu trở xuống; ngược lại những người có dư dả về tài chính một chút sẽ muốn thử nghiệm với tấm nền LG OLED hoặc QD-OLED của Samsung - vẫn là một bước tiến dài hơn về chất lượng hình ảnh so với LCD thông thường.
65QNED99SQB sẽ “nhắm” tới những bạn muốn cân bằng giữa chất lượng ảnh và độ bền (khó gặp hiện tượng lưu ảnh hơn nhiều so với OLED) để sử dụng được trong thời gian dài nhất có thể; cũng như tin tưởng rằng độ phân giải 8K sẽ trở nên phổ biến hơn trong thời kỳ sử dụng đó.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI
Morris Chang, nhà sáng lập TSMC, đã thẳng thắn nhận định chiến lược kinh doanh của Intel, cho rằng "Đội Xanh" đáng lẽ không nên bước chân vào lĩnh vực sản xuất chip và thay vào đó nên tập trung vào thị trường AI.
Chủ tịch Huawei tự hào khoe Mate 70 là điện thoại với chip 100% Made in China: "Tự chủ ngành bán dẫn đã trở thành hiện thực"