Trải nghiệm loa X-Mini Click 2: Kích thước vẫn nhỏ, âm lượng vẫn to nhưng có còn được như "huyền thoại" trong lòng 9X?
X-Mini Click 2 vẫn giữ nguyên truyền thống “nhỏ mà có võ”, nhưng liệu chất lượng âm thanh có còn xứng tầm của những “huyền thoại” Mini 2, 3 hay Capsule series ngày xưa?
Chắc hẳn thế hệ 9x đời đầu vẫn nhớ rõ những chiếc loa nhỏ xíu với phần thân vặn xoáy ra để lộ “ruột” bên trong và âm thanh thì lớn đến bất ngờ. Chúng chính là sản phẩm của X-Mini - một công ty đến từ Singapore chuyên về âm thanh di động - với hàng tá tính năng độc lạ chưa từng thấy.
Chắc hẳn những 9x đời đầu vẫn còn nhớ dòng loa huyền thoại thế này?
Dòng sản phẩm này ban đầu lấy tên là Mini với vài phiên bản, sau đó đổi thành Capsule, và đến khoảng năm 2015 thì trở nên mờ nhạt thị trường. Khoảng 2 năm gần đây, X-Mini đã chuyển hướng sang dòng Click, cũng với kích thước siêu nhỏ gọn nhưng loại bỏ đi đặc điểm độc đáo nhất: Phần thân có thể mở rộng.
Sau 1 đời cải tiến, chúng ta có chiếc X-Mini Click 2 trong bài viết này. Sản phẩm vẫn mang đậm dấu ấn “mini”, nhỏ gọn hơn cả một quả trứng gà ta mà vẫn mang đến âm thanh cực kì lớn.
Đây là truyền nhân của Capsule, đáng tiếc là đã bị loại bỏ thiết kế con nhộng xoáy mở trước đây.
Âm thanh từ Click 2 lớn đến nỗi, nó có thể phát nhạc bao phủ một văn phòng cỡ 30 - 40m2 nơi tôi làm việc. Phần lớn đồng nghiệp đều nghĩ rằng nhạc đang phát ra từ một chiếc loa di động cỡ lớn nào đó chứ không phải Click 2. Phản ứng của họ khi nhìn thấy Click 2 còn bất ngờ hơn, không hề nghĩ rằng một “cục” loa tròn tròn bé xíu vậy lại cho âm thanh “khủng khiếp” đến thế.
Trải nghiệm đầu tiên là rất tốt rồi, nhưng sau vài ngày dùng thử, tôi đã nhận thấy vài điều khác, cả tốt và xấu mà nhiều khả năng chính là lý do mà X-Mini chẳng còn được người dùng ưa chuộng như xưa.
Mở hộp: Gọn gàng, xịn mịn nhưng hơi kém sang
Hộp đựng X-Mini Click 2 thiết kế đẹp, gọn gàng và có in cả hình sản phẩm theo kích thước thực. Chỉ quá trình mở hộp thôi cũng có thể nhận thấy nhà sản xuất này rất chú tâm để cho người dùng trải nghiệm tốt nhất.
Hộp đựng bằng giấy đẹp mắt
Loa nằm gọn bên trong đẹp mắt.
Phụ kiện đi kèm là dây móc treo và cáp sạc Micro-USB.
Mặt đáy có một nút bấm duy nhất, công sạc, lỗ micro thu âm, đèn báo và lỗ xỏ dây đeo.
Mặt trên là lưới kim loại với logo chữ X in chìm.
Tuy nhiên, có hai vấn đề đã nảy sinh ngay từ khi mới sử dụng: Tem dán trên thân loa lem nhem và dây đeo không xỏ vào được.
Hai miếng tem khi bóc ra còn dính keo lem nhem kém sang vô cùng.
Không hiểu X-Mini nghĩ gì khi dán ngay 2 miếng tem thông tin lên thân máy, khi bóc ra thì để lại lớp keo dính lem nhem trông thật sự xấu xí. Một sản phẩm như thế này, giá không phải là rẻ mà lại dính lỗi quá ngớ ngẩn thì hẳn là một sai phạm lớn.
Về chiếc dây đeo, tôi không thể xỏ nó vào khe ở đáy loa được, vì cứ thử luồn là sợi dây chui tọt luôn vào bên trong ruột loa, không tài nào mà buộc vào như các loại dây xỏ bình thường. Khá khó hiểu khi hãng lại để lỗi này xuất hiện khi đã có hàng chục năm kinh nghiệm sản xuất loa di động.
Quay lại với điểm cộng lớn nhất của Click 2: Kích thước. Bạn có thể thấy rõ sự khác biệt của loa khi đặt cạnh các sản phẩm cùng loại khác. Ngay cả những mẫu loa siêu nhỏ gọn từ Xiaomi hay Anker cũng khó mà bì được về khoản này.
Với kích thước như vậy, Click 2 dễ dàng để vừa vào túi đựng hay những ngăn nhỏ trong ba lô, cặp táp mà gần như không chiếm chút diện tích nào đáng kể.
Loa X-Mini Click 2 chỉ nhỏ bằng quả trứng gà ta thôi.
Thiết kế dạng quả trứng cắt cụt 2 đầu trông cũng thú vị, khác biệt. Chất liệu của Click 2 là nhôm nhám sơn màu, mặt trên là lưới kim loại và đáy là cao su vân tổ ong chống trơn trượt. Trừ lỗi ở lỗ móc dây ra thì tôi thấy chất lượng gia công của Click 2 rất tốt, không chê được điểm nào cả.
So sánh kích thước với loa Anker Soundcore Mini và Sony XB10.
Tính năng: Hay ho nhưng vẫn thiết sót
Click 2 thua kém những đàn anh năm xưa ở độ đa dạng về kết nối. Nó chỉ sử dụng duy nhất kết nối Bluetooth chứ không có sẵn dây cắm 3.5mm hay khe thẻ nhớ. Sản phẩm cũng có 1 nút duy nhất để điều khiển: Bấm giữ là bật/tắt, bấm một lần là chơi nhạc/tạm dừng/nghe/tắt cuộc gọi, bấm đúp là tăng âm lượng (để hỗ trợ chụp ảnh cho điện thoại là chính). Bạn không thể chuyển bài hát hay chỉnh âm lượng theo ý muốn bằng loa. Những thao tác này phải thực hiện qua điện thoại.
Một vấn đề nhỏ là nút bấm này được đặt ở dưới đáy. Mỗi khi muốn điều khiển, bật tắt hay nhận cuộc gọi là phải cầm loa lên mới bấm nút được, khá mất công với những người lười như tôi.
Cũng như những đàn anh, Click 2 có hỗ trợ kết nối 2 loa với nhau để tạo hệ thống loa stereo. Đáng tiếc, hãng không tích hợp khả năng kết nối bao nhiêu loa cũng được như dòng Capsule.
Một vài thông số khác về Click 2 là màng loa cỡ 36mm công suất 3W, kích thước 50mm x 30.5mm, nặng 85gr, pin 400mAh, tần số 160Hz - 16KHz và kết nối Bluetooth 4.2. X-Mini Click 2 hiện có 3 màu sắc là xám, xanh dương và đỏ.
Khả năng phát nhạc: Lượng thì nhiều mà chất chẳng bao nhiêu
Quả đúng như quảng cáo, âm lượng mà Click 2 cho ra chắc chắn khiến ai nghe cũng bị bất ngờ. Bạn có thể thoải mái nghe rõ nhạc trong căn phòng cỡ 30m2 với chiếc loa này - điều mà các loại loa mini khác trên thị trường chưa thể làm được.
Tuy nhiên, chất âm của Click 2 thì chỉ ở mức tàm tạm. Sở dĩ nó cho âm thanh lớn đến vậy là bởi, khi mở âm lượng từ 60 - 70% trở lên, dải âm trung (phần lớn là giọng hát) được ưu tiên so với dải trầm và cao. Vì dải âm này được xử lý dễ hơn, ít bị bể, rè nên có thể tăng được về lượng nhiều hơn trước khi đạt tới giới hạn của màng loa. Lúc này, bạn sẽ chỉ nghe thấy giọng hát của ca sĩ là chính, còn nhạc cụ thì rất mờ nhạt. Nói nôm na thì giống như chúng ta đang đứng nghe ngay trước mặt ca sĩ, còn ban nhạc thì đứng phía sau cách xa tới chục mét vậy.
Kích thước nhỏ cũng chính là nguyên nhân làm hạn chế chất lượng âm thanh của Click 2.
Ngoài ra, ở mức âm lượng hơn 80%, hiện tượng rè có xuất hiện dù không rõ ràng hẳn. Âm Bass lúc này cũng rất thiếu lực, theo kiểu “bộp bộp” chứ không “uỳnh uỳnh” như đàn anh trước kia. Lý do thì quá dễ hiểu rồi, vì thân loa giờ không mở rộng được, không khí bên trong không có chỗ di chuyển nên bass bị hạn chế hẳn.
Thử nghiệm với những bản nhạc dance, EDM, Click 2 thể hiện rất kém vì bass yếu, treble mờ nhạt, không tạo được không khí sôi động của bài hát. Khi chuyển qua nhạc trữ tình, ballad nhẹ nhàng thì tình hình khá khẩm hơn. Giọng hát được thể hiện tốt, truyền được cảm xúc của ca sĩ mà cũng không làm lấn át phần nhạc cụ.
So sánh với chiếc Anker Soundcore Mini cùng tầm giá, có thể thấy Click 2 cho âm lượng tương đương, thậm chí lớn hơn một chút dù kích thước chỉ bằng ⅓. Tuy nhiên, về chất âm thì rõ ràng sản phẩm của Anker tốt hơn hẳn, bass có lực hơn, không bị thiên về dải mid và cũng ít gặp tình trạng rè, vỡ tiếng hơn.
So sánh loa Soundcore Mini và Click 2 với Shallow - Lady Gaga, Bradley Cooper.
Nhìn chung, tôi nhận thấy rằng Click 2 chỉ nên nghe ở mức âm lượng 70% là tối đa. Lúc này, các dải âm tỏ ra đồng đều, đầy đủ hơn, không bị méo mà vẫn đủ để nghe trong một căn phòng nhỏ. Mức âm lượng lớn nhất thực chất chỉ để “lòe” người mà thôi.
Ở hai biểu đồ dưới đây, bạn có thể thấy rõ sự thiếu ổn định về âm lượng của Click 2 so với Soundcore Mini. Đường biểu thị âm lượng thường xuyên biến đổi vì các dải âm phải “nhường đất diễn” cho nhau liên tục. Trong khi đó, Soundcore Mini với kích thước lớn hơn thể hiện đồng đều hơn với cả ba dải âm từ đầu tới cuối.
So sánh biểu đồ âm lượng giữa Soundcore Mini và Click 2. Dễ thấy Soundcore cho âm lượng nhỏ hơn một chút nhưng không bị chênh lệch nhiều như Click 2.
Thời lượng pin: Không cao nhưng vẫn đủ tốt
Cũng như bao loại loa mini khác, Click 2 chỉ cho thời lượng sử dụng vào khoảng 3 giờ ở mức âm lượng trên 80%. Nhà sản xuất quảng cáo là Click 2 có thể phát nhạc liên tiếp trong tối đa 6 giờ, nhưng thực tế thì chỉ khi nghe ở mức âm lượng quanh khoảng 50% mới đạt được con số này.
Click 2 hỗ trợ hiển thị thời lượng pin trên smartphone nhưng cũng không chính xác cho lắm.
Thời gian sạc cũng khá lâu, mất tới gần 3 giờ để làm đầy viên pin 400mAh, bằng một nửa thời gian nghe. Dù sao thì so với các mẫu loa cùng loại thì con số này cũng không thành vấn đề. Nếu bạn muốn có loa với pin tốt hẳn thì nên tham khảo các sản phẩm khác với kích thước lớn hơn.
Kết
Sau 1 tuần sử dụng, tôi nhận thấy X-Mini Click 2 có những ưu nhược điểm như sau:
Ưu điểm:
- Âm lượng rất lớn
- Thiết kế nhỏ gọn dễ mang theo
Nhược điểm:
- Bị cắt giảm nhiều tính năng
- Chất âm không đồng đều, kén thể loại nhạc
- Trải nghiệm sử dụng chưa thuận tiện
Kết lại, tôi cho rằng Click 2 không thực sự đáng tiền. Với mức giá gần 800.000 đồng, còn rất nhiều lựa chọn khác ngoài kia hấp dẫn hơn hẳn về khả năng phát nhạc. Kích thước siêu nhỏ gọn như thế này dù sao cũng đã không còn phù hợp với thị hiếu người dùng hiện tại, đồng thời cũng không đủ để tạo ra sự khác biệt, độc đáo như xưa.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google: Giải được bài toán 10 triệu tỷ tỷ năm chỉ trong 5 phút, chip lượng tử mới là bằng chứng về đa vũ trụ
Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là nhiều người trên cộng đồng mạng thế giới lại đang đồng tình với kết luận của Google.
Gần 2025 rồi mà vẫn dùng USB để lưu công việc thì quả là lỗi thời