Trải nghiệm nhanh bộ đôi Lenovo K6 Power và K6 Note: cấu hình tốt, thiết kế chưa đặc biệt, giá tạm ổn
Có chăng điều đáng giá nhất ở đây chỉ là cấu hình tốt đủ gánh nhiều tác vụ nặng; hay cảm biến vân tay nhanh, nhạy, được đặt ở mặt sau giúp thao tác dễ dàng hơn? Với mức giá 4,99 triệu đồng và 5,99 triệu đồng, cả hai sẽ làm phong phú thêm thị trường phân khúc giá rẻ.
Được giới thiệu vào ngày 25/2 vừa qua, bộ đôi K6 Power và K6 Note của Lenovo tạo thêm một sự lựa chọn mới cho người dùng trong phân khúc tầm trung đang có quá nhiều sản phẩm cạnh tranh. Liệu rằng cả hai có đủ sức thu hút người dùng? Hãy cùng tôi trải nghiệm nhanh bộ đôi này để nhìn nhận xem chúng có ưu điểm và khuyết điểm gì.
Thiết kế
K6 Power (trái) và K6 Note (phải).
Nhìn tổng quan, cả hai chiếc điện thoại này có thiết kế khá giống nhau, chẳng hạn như mặt lưng kim loại tạo cảm giác chắc chắn, các cạnh viền đều được vát cong để việc cầm nắm không bị cấn trong lúc thao tác, 3 phím điều hướng cũng được làm cảm ứng và nằm bên ngoài khu vực màn hình hiển thị.
Các cạnh đều được bo cong tạo cảm giác cầm nắm êm hơn, không bị cấn tay.
Sử dụng phím điều hướng cảm ứng, đặt bên ngoài màn hình để đảm bảo trải nghiệm hiển thị được tốt nhất.
Lenovo K6 Note trang bị màn hình 5,5 inch Full HD, trong khi đó K6 Power chỉ có 5 inch Full HD. Cả hai vẫn cho chất lượng màu sắc ở mức khá, tuy nhiên góc nhìn có phần bị hạn chế và màu bắt đầu bị tái nhạt dần khi nhìn sang góc nghiêng. Đây có lẽ là một nhược điểm khá khó chịu, nhất là khi tôi muốn chia sẻ một nội dung hình ảnh hoặc video nào đó cho bạn bè xem chung, nhưng kết quả cả 2 phải dí sát đầu vào nhau thì mới có thể xem một cách rõ ràng nhất.
Màn hình hiển thị màu ở mức khá, nhưng khuyết điểm lại cho góc nhìn hơi kém.
Một điểm khác biệt nữa chính là khu vực đặt loa, với K6 Note thì nằm ở dưới đáy máy, còn với K6 Power thì lại đặt ngay mặt lưng. Riêng với cảm nhận cá nhân của tôi, cách đặt loa ở mặt lưng như K6 Power sẽ khiến âm thanh bị cản một phần khi đặt trên bàn, hoặc thậm chí là khi cầm trên tay cũng bị che mất, làm ảnh hưởng khá nhiều đến việc trải nghiệm âm nhạc.
Cách thiết kế loa của K6 Power dễ làm ảnh hưởng đến việc trải nghiệm âm thanh khi cầm trên tay hoặc đặt xuống bàn.
Ngoài ra, thay vì đặt cổng sạc micro USB ở cạnh dưới như K6 Note, chiếc K6 Power lại hớ hênh đưa lên cạnh trên, khiến cho tổng thể máy trông hơi "vô duyên" mỗi khi vừa cắm sạc vừa dùng.
Trong khi K6 Note có cổng sạc micro USB ở bên dưới...
... thì K6 Power lại đưa nó lên trên.
Ngoài điểm khó chịu ở trên, hầu hết những chi tiết thiết kế còn lại trên bộ đôi này vẫn được hoàn thiện rất tốt. Bên cạnh đó, một chi tiết thiết kế khiến tôi rất ưng trên chiếc điện thoại này, đó là đưa cảm biến vân tay ra mặt lưng máy. Vì sao lại như vậy? Với một người từng cầm qua nhiều sản phẩm có cảm biến vân tay phía trước, thậm chí là cả iPhone, tôi cảm thấy việc quét vân tay rất khó khăn khi cầm bằng một tay, bởi khi đó tôi dồn lực vào khu vực nửa dưới của máy nhiều hơn là ở trên và vì thế máy lại rất dễ trơn tuột. Cách xử lý duy nhất là buộc phải 1 tay cầm và tay kia dùng ngón để quét, không được thuận tiện. Và với kiểu thiết kế của bộ đôi K6, đưa khu vực quét vân tay ra phía sau máy, tôi cảm thấy việc quét trở nên nhanh và dễ chịu hơn.
Cảm biến vân tay được đặt phía mặt sau máy, tiện cho việc mở khóa bằng một tay, cảm giác cầm cân bằng hơn hẳn khi mở khóa.
Hiệu năng
Về cấu hình phần cứng, K6 Note trang bị vi xử lý Snapdragon 430 64-bit 8 lõi 1,4 GHz cùng RAM 4 GB nhằm mang đến hiệu năng ổn định, giải trí và đa tác vụ mượt mà hơn. Riêng với K6 Power, vi xử lý vẫn được giữ nguyên giống với K6 Note, nhưng phần RAM bị giảm xuống còn 3 GB. Có thể nói K6 Power trông như là một phiên bản rút gọn của K6 Note với RAM thấp hơn và màn hình kích thước nhỏ hơn, nhắm đến đối tượng người dùng thích sự gọn gàng nhỏ nhắn.
Khi chơi game nặng, máy khá nóng, nhất là ở gần khu vực cảm biến vân tay.
Tôi cũng đã thử nghiệm một vài game đòi hỏi cấu hình cao trên thị trường, kết quả nhận thấy cả hai hoạt động khá mượt mà, tuy nhiên máy có biểu hiện nóng lên khá nhiều sau gần 1 giờ chơi game, khiến việc cầm nắm có vẻ hơi khó chịu trong những ngày tiết trời oi ả của Sài Gòn này.
Camera
Mặc dù trang bị camera sau 16 MP trên K6 Note và 13 MP trên K6 Power, nhưng phải nhìn nhận thực tế rằng chụp ảnh không phải là điểm mạnh của cả hai chiếc điện thoại này. Máy cho chất lượng ảnh nhìn chung vẫn chấp nhận được, tuy nhiên điều đáng chê trách là độ trễ quá cao, mỗi khi tôi muốn bắt khoảnh khắc nào đó thật nhanh, nhấn nút chụp thì phải chờ đến gần 1 giây sau máy mới chụp. Kết quả là chẳng có khoảnh khắc nhanh nào được giữ lại trong khung ảnh, và có vẻ máy chỉ hợp với chụp phong cảnh cũng như chụp tĩnh vật mà thôi.
Độ trễ quá cao dẫn đến việc chụp ảnh ra như thế này đây.
Nếu không tính thể loại chụp chuyển động nhanh, thì mọi thứ vẫn có thể ổn hơn:
Kết luận
Nhìn chung nếu đem bộ đôi này lên bàn cân giữa các sản phẩm khác cùng phân khúc, thật sự mà nói cả hai không có gì quá nổi trội, thiết kế vẫn đi theo lối mòn, không thay đổi nhiều, camera không ấn tượng. Có chăng điều đáng giá nhất ở đây chỉ là cấu hình tốt đủ gánh nhiều tác vụ nặng; hay cảm biến vân tay nhanh, nhạy, được đặt ở mặt sau giúp thao tác dễ dàng hơn? Với mức giá 4,99 triệu đồng và 5,99 triệu đồng, cả hai sẽ làm phong phú thêm thị trường phân khúc giá rẻ, nhưng với tôi, nó vẫn chưa đủ sức để lọt vào tầm mắt xanh của mình.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Người Trung Quốc khoe có được GPU AI xịn nhất của NVIDIA bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ
Chưa rõ tại sao những GPU này lại có thể xuất hiện ở Trung Quốc.
Thiết kế mới của iPhone 17 Pro được xác nhận bởi nhiều nguồn uy tín