Trải nghiệm những tính năng thông minh trên Galaxy Watch: Nhiều quá dùng không xuể!
Vẻ ngoài sang trọng hấp dẫn là thế, vậy những tính năng bên trong Galaxy Watch có đủ tốt, đủ hay để người dùng lựa chọn?
Samsung vừa tiếp tục trình làng thế hệ đồng hồ thông minh mới mang tên Galaxy Watch. Đây là thiết bị wearable đầu tiên đánh dấu sự thay đổi thương hiệu, mang nó gần hơn tới dòng smartphone Galaxy trứ danh.
So với Gear S3, Galaxy Watch không có nhiều thay đổi về thiết kế, ngoại trừ hai lựa chọn kích thước và một số thay đổi nhỏ để gọn gàng, nhẹ cân hơn. Các tính năng của Galaxy Watch cũng đã được cải thiện đáng kể, cộng thêm vài điểm mới như trợ lý ảo Bixby hay nền tảng Tizen OS 4.0 tối ưu tốt hơn cho đồng hồ thông minh.
Vòng điều khiển
Thực ra đây là một tính năng phần cứng, nhưng vì nó chính là điểm sáng độc đáo nhất trên Galaxy Watch (và cả các mẫu đồng hồ Gear mặt tròn trước đây) nên vẫn xứng đáng được nhắc tới đầu tiên.
Vòng xoay điều khiển chính là thứ khiến trải nghiệm trên Galaxy Watch trở nên "thông minh" hơn cả.
Thay vì phải chạm, vuốt màn hình liên tục hay sử dụng núm xoay nhỏ xíu, vòng xoay cỡ lớn mà Samsung mang lên Galaxy Watch quả là công cụ điều khiển hiệu quả, nhanh chóng và dễ dùng nhất nhì trên các dòng smartwatch. Bạn sẽ tốn ít thời gian để tìm đến ứng dụng/widget cần dùng hơn. Cảm giác xoay vòng điều khiển cũng rất dễ chịu, không vướng víu và còn có âm thanh “click click” rất vui tai.
Vòng xoay này, khi kết hợp với giao diện của Galaxy Watch tạo ra trải nghiệm rất tự nhiên, dễ hiểu. Mỗi cú click tương ứng với một màn hình widget định sẵn, đồng thời có thể thay thế nút điều khiển hoặc thao tác chạm vuốt màn hình khi tăng giảm âm lượng, nhận/từ chối cuộc gọi hoặc cuộn trang văn bản…
Trợ lý ảo Bixby
Bixby lần này cũng đã được Samsung mang lên Galaxy Watch thay cho S Voice. Phiên bản mới có chất giọng tự nhiên hơn, hiểu nhiều câu lệnh hơn và làm được nhiều hơn trước. Cô nàng có thể được gọi bằng câu lệnh “hi Bixby” bất cứ lúc nào màn hình đang sáng, sau đó trả lời bằng giọng nói qua loa ngoài tích hợp trên đồng hồ.
Thay vì bấm và xoay, bạn chỉ cần nói chuyện với Bixby là xong việc.
Với những câu hỏi khó hơn, ví dụ như khi muốn tìm trạm xăng hay quán ăn gần nhất, Bixby sẽ tự động hiển thị câu trả lời trên smartphone. Tuy nhiên, tính năng này mới chỉ hoạt động trên một số điện thoại nhất định.
Việc tích hợp Bixby lên Galaxy Watch là một điểm cộng lớn khi so với hầu hết các đồng hồ thông minh trên thị trường. Tuy nhiên, điểm trừ vẫn là chưa hỗ trợ tiếng Việt nên còn hạn chế với người dùng Việt Nam.
Gọi điện và nhắn tin
Galaxy Watch cho phép chúng ta nghe/gọi điện thoại và trả lời tin nhắn mà không cần cầm điện thoại. Mỗi khi có cuộc gọi đến, bạn có thể xoay vòng điều khiển qua trái hoặc phải để nhận/từ chối. Loa ngoài và mic của Watch sẽ được kích hoạt để thoại rảnh ray, dù âm lượng có hơi nhỏ và dễ bị rè khi bật quá lớn.
Gọi hay nhận cuộc gọi đều trở nên dễ dàng với Galaxy Watch...
Thực tế thì, tính năng nghe/gọi này chỉ phù hợp khi bạn ở nhà một mình, không cầm điện thoại, đang bận nấu ăn hay làm gì đó mà không tiện cầm điện thoại lên thôi. Việc nhận cuộc gọi khi đang ở nơi đông người rất kì quặc vì bạn phải dí sát đồng hồ vào tai mới nghe được đầu dây bên kia nói gì.
...nhưng nhắn tin hay nhập văn bản thì quả thật "thảm họa" trên màn hình nhỏ xíu.
Tính năng trả lời tin nhắn thì sử dụng bàn phím T9 cổ điển và rất khó sử dụng. Diện tích màn hình quá nhỏ, cộng thêm thời gian gõ chữ khiến việc trả lời tin nhắn như “cực hình”. Có lẽ Samsung chỉ đưa tính năng này vào cho có chứ không áp dụng được nhiều trong thực tiễn.
Theo dõi sức khỏe
Cũng như bao smartwatch khác, Galaxy Watch hỗ trợ theo dõi sức khỏe “tận chân răng”, từ đếm bước, đo lượng calo tiêu hao, đo nhịp tim cho tới theo dõi giấc ngủ.
Widget theo dõi sức khỏe tổng hợp với 4 thông tin quan trọng nhất.
Cảm biến nhịp tim của Galaxy Watch có độ chính xác cao, đôi khi chỉ lệch vài đơn vị so với các dụng cụ đo chuẩn nếu đang vận động. Mặc định, cảm biến này sẽ tự động đo nhịp tim mỗi 10 phút, và những thông tin này còn có thể dùng để đánh giá độ căng thẳng của người dùng. Galaxy Watch cũng tích hợp sẵn bài tập thở để lấy lại bình tĩnh.
Cảm biến độ cao (Alti Barometer) bên trong Galaxy Watch cho phép đo áp suất không khí và tính toán độ cao của người dùng so với mặt nước biển. Nghe “nguy hiểm” vậy chứ thực ra nó dùng để đếm xem người dùng đã đi bộ lên bao nhiêu tầng lầu trong ngày là chính. Tuy nhiên, điểm trừ là tính năng này hơi khó kiểm soát vì đồng hồ đặt mặc định mọi căn nhà đều cao 3 mét mỗi tầng, đôi khi leo mỏi gối rồi mà số tầng chẳng đúng với thực tế chút nào.
Galaxy Watch tự động đọc nhịp tim 10 lần mỗi phút. Bạn có thể tắt tính năng này để tiết kiệm pin hơn.
Con chip định vị GPS vẫn được Samsung giữ lại trên Galaxy Watch, mục đích chính là để người dùng theo dõi quá trình chạy bộ, tập thể dục mà không cần mang theo điện thoại. Ngoài ra, bạn có thể vừa chạy bộ vừa nghe nhạc qua tai nghe không dây kết nối trực tiếp với đồng hồ, rất tiện lợi.
Bạn có thể tự bật chế độ theo dõi tập luyện với 39 loại bài tập khác nhau, hoặc không thì Galaxy Watch cũng có thể tự động phát hiện 6 dạng bài tập cơ bản một cách chính xác. Thử nghiệm cho thấy, thiết bị nhận diện quá trình chạy bộ khá chính xác, nhưng đôi khi đang ngồi trên xe máy thì lại nhận diện là đạp xe.
Tính năng quan trọng cuối cùng liên quan tới sức khỏe là theo dõi giấc ngủ. Vì Galaxy Watch năm nay đã có thời lượng pin tốt hơn nên chúng ta có thể đeo nó lên giường. Thiết bị sẽ nhận diện các chuyển động của chúng ta trong khi ngủ, biết phân biệt “ngủ sâu” và “ngủ nông”, tính tỉ lệ giữa hai giai đoạn, tự nhận diện thời gian ngủ/thức dậy và đánh giá chất lượng giấc ngủ vào sáng hôm sau. Thường thì tính năng này chỉ xuất hiện trên các loại smartband với pin kéo dài vài ngày trở lên nên việc có mặt trên Galaxy Watch là rất đáng khen.
Một vài tính năng thông minh khác
Bên cạnh những tính năng thông minh tiêu biểu phía trên, Galaxy Watch vẫn còn rất nhiều thứ hay ho khác mà có lẽ chúng ta chẳng bao giờ dùng hết. Điển hình trong số đó là đồng bộ ảnh/nhạc tự động từ điện thoại vào đồng hồ, kết nối trực tiếp với tai nghe không dây và… 60.000 kiểu mặt đồng hồ để lựa chọn.
Một vài cài đặt/tính năng thông minh có sẵn trong Galaxy Watch.
Riêng khả năng chơi nhạc, bạn có tới ba lựa chọn, một là nghe nhạc qua loa của đồng hồ (nếu đã đồng bộ nhạc), nghe nhạc trên điện thoại (lấy đồng hồ làm bộ điều khiển) hoặc tải thêm ứng dụng Spotify. Khi tải Spotify, chiếc đồng hồ sẽ stream nhạc trực tiếp qua Wifi, lưu bản nhạc vào bộ nhớ trong để nghe offline và không cần đụng tới smartphone nữa, vô cùng tiện lợi.
Có tới 3 cách để nghe nhạc trên Galaxy Watch.
Cuối cùng và cũng quan trọng không kém chính là thời lượng pin. Với nhu cầu sử dụng bình thường, các cài đặt đều để mặc định thì Galaxy Watch có thể hoạt động trong vòng 2 - 2.5 ngày sau mỗi lần sạc. Khi bật chế độ tiết kiệm pin, con số có thể lên tới hơn 3 ngày, và khi chỉ dùng để xem giờ, bạn có thể dùng Galaxy Watch trong hơn 1 tháng mới phải sạc lại.
Thời lượng pin trên cả tuyệt vời so với hầu hết smartwatch cùng phân khúc trên thị trường.
Trên đây là những trải nghiệm, chia sẻ về những tính năng thông minh nổi bật nhất của mẫu đồng hồ Galaxy Watch. Bạn đã thấy nó hấp dẫn chưa? Hãy để lại ý kiến chia sẻ nhé.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Người Trung Quốc khoe có được GPU AI xịn nhất của NVIDIA bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ
Chưa rõ tại sao những GPU này lại có thể xuất hiện ở Trung Quốc.
Thiết kế mới của iPhone 17 Pro được xác nhận bởi nhiều nguồn uy tín