Trải nghiệm tính năng đo Điện tâm đồ (ECG) và đo Huyết áp rất hay ho trên Galaxy Watch4
Mặc dù có phần cứng để hỗ trợ 2 tính năng từ khi ra mắt, nhưng đến nay người dùng Việt mới được tận hưởng chúng trên Galaxy Watch4.
Bên cạnh xem giờ, hỗ trợ sử dụng smartphone, dùng làm thiết bị ghi chỉ số khi tập thể dục thể thao thì một tính năng rất quan trọng của những smartwatch như Galaxy Watch4 là theo dõi sức khỏe của người dùng. 2 tính năng rất hứa hẹn nhưng rất đáng tiếc là người dùng Việt Nam không được sử dụng trong một thời gian dài là đo Điện tâm đồ (ECG) và đo Huyết áp do chưa được sự chấp thuận của chính phủ nước ta.
Nhưng tin vui đã về với người dùng chiếc smartwatch này khi mới đây, Samsung thông báo đã hoàn thành thủ tục để đưa 2 tính năng theo dõi sức khỏe này tới người dùng. Nhân cơ hội này, tôi cũng sử dụng thử để xem tình trạng tim mạch của mình như thế nào!
Đo điện tâm đồ (ECG)
Tính năng điện tâm đồ (ECG) cho phép phân tích hoạt động điện tim, nhờ đó dự báo được sớm ảnh hưởng của chứng Rung nhĩ (AFib) hay còn gọi là Rối loạn nhịp tim.
Để sử dụng tính năng này, ta sẽ kết nối Watch4 với smartphone rồi cài thêm một ứng dụng tên là Samsung Health Monitor. Cách sử dụng khá đơn giản, ta sẽ ngồi yên sau đó chạm một ngón tay lên nút bấm cạnh bên smartwatch, đợi đúng 30 giây trong khi máy đo đạc.
Sau 30 giây, smartwatch sẽ hiện lên thông báo về việc có phát hiện những dấu hiệu bất thường hay không.
Còn biểu đồ điện tâm đồ sẽ được gửi về smartphone. Cũng phải thú thật rằng tôi không có kiến thức chuyên sâu về việc đọc điện tâm đồ, nhưng thông qua việc máy báo không có triệu chứng gì thất thường thì cũng cảm thấy yên tâm. Bên cạnh đó thì ta sẽ có thể chia sẻ biểu đồ cho người có chuyên môn để phân tích thêm nếu muốn.
Đo huyết áp
Việc đo huyết áp thường xuyên rất quan trọng tới sức khỏe não, thận và tim. Những biến động về huyết áp có thể dẫn đến đột quỵ hoặc bệnh tim mạch vành, ảnh hưởng đến sức khỏe về lâu dài. Phát hiện được sớm thì ta sẽ có thể tìm phương pháp phòng ngừa, điều trị sớm trước khi chuyển biến nặng.
Để đo huyết áp với Galaxy Watch4 thì sẽ phức tạp hơn so với đo ECG một chút, vì ta sẽ cần trải qua bước cân chỉnh (Calibrate) và cần một máy đo Huyết áp "thật".
Ta sẽ đồng thời đeo Galaxy Watch4 và thực hiện đo huyết áp bằng máy điện tử, sau đó nhập số đo huyết áp tâm thu (trên - ký hiệu SYS) và tâm trương (dưới - ký hiệu DIA) vào ứng dụng.
Ta sẽ lặp đi lặp lại quá trình này 3 lần cho tới khi ứng dụng báo rằng việc cân chỉnh đã hoàn tất. Lúc này Galaxy Watch4 đã được cân chỉnh và có thể sử dụng để đo huyết áp một cách độc lập.
Đối với cá nhân tôi, số đo huyết áp thường giao động từ 72/123 đến 129/73, chiểu theo biểu đồ huyết áp theo độ tuổi thì nằm ở mức bình thường.
Những lần đo cũng sẽ được chuyển tới ứng dụng smartphone để lưu trữ, nhờ đó mà ta có thể theo dõi hàng ngày, hàng tháng tới hàng năm để có cái nhìn tổng quan về sức khỏe tim mạch.
Câu hỏi được đặt ra là số đo Huyết áp trên Galaxy Watch4 có chính xác hay không? Tôi có thử đo một lần bằng cả smartwatch lẫn máy đo thì Galaxy Watch4 cho con số 120/68 còn máy đo cho 125/67, vẫn có sự sai khác nhưng chỉ nằm ở mức dưới 5%.
Trong ứng dụng cũng khuyến cáo rằng người dùng nên thực hiện lại bước cân chỉnh smartwatch với máy đo mỗi tháng một lần để tăng độ chính xác. Nếu như không sở hữu máy đo như tôi, bạn có thể mượn một người bạn với gia đình có máy hoặc ra các cơ sở y tế để thực hiện đo dịch vụ, sau đó sử dụng Galaxy Watch4 để đo trong tháng cho tới lần cân chỉnh tiếp theo.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google: Giải được bài toán 10 triệu tỷ tỷ năm chỉ trong 5 phút, chip lượng tử mới là bằng chứng về đa vũ trụ
Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là nhiều người trên cộng đồng mạng thế giới lại đang đồng tình với kết luận của Google.
Gần 2025 rồi mà vẫn dùng USB để lưu công việc thì quả là lỗi thời