Tràn lan Ebook lậu

    PV,  

    Có thể nói vi phạm bản quyền có ở tất cả các lĩnh vực từ khoa học, công nghệ đến văn chương nghệ thuật với những thủ đoạn ngày càng tinh vi. Trong khi đó ngành chức năng, các nhà sản xuất cũng như nhà sáng chế lại chưa có được sự hợp tác đồng bộ và vào cuộc mạnh mẽ.

    Chỉ với vài thao tác đơn giản là có thể sở hữu ebook lậu từ internet

    Chỉ với vài thao tác đơn giản là có thể sở hữu ebook lậu từ internet

    Đủ kiểu vi phạm

    Nếu mở trang công cụ tìm kiếm Google ra gõ dòng chữ “vi phạm bản quyền sách điện tử”, chúng ta có được khoảng 4.820.000 kết quả trong vòng 0,37 giây trên phạm vi toàn cầu, còn nếu thêm cụm từ “ở Việt Nam” vào nữa thì có khoảng 1.400.000 kết quả trong vòng 0,29 giây, có chứa nội dung trên. Điều ấy chứng tỏ sự vi phạm bản quyền sách điện tử là một thực trạng nhức nhối.

    Có những trang mạng núp dưới danh nghĩa chia sẻ tri thức cho những người yêu sách để vi phạm bản quyền. Người đi tìm mua các loại máy đọc sách điện tử như Kindle hay Nook ở các cửa hàng tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh hay Đà Nẵng, hầu như ở đâu cũng được khuyến mãi một đĩa CD với hàng nghìn đầu sách điện tử. Còn nếu như muốn mua số lượng lớn bao nhiêu cũng có, chỉ có điều đấy đều là những cuốn sách không có bản quyền. Nhưng vì là của “trời cho” nên chẳng ai dại gì không nhận, mà còn nhận một cách vui vẻ. Đây là một trong hàng trăm ngàn cách vi phạm bản quyền ebook đang diễn ra hiện nay.

    Anh Nguyễn Xuân Minh, Phó phòng Tu thư (Công ty Nhã Nam) cho biết: “Nếu không phát hành ebook, thì 1 - 2 tuần sau trên các trang chia sẻ sách, người ta mới gõ lại sách của chúng tôi, mà chất lượng không bằng. Nhưng nếu làm ebook thì chỉ 15 phút sau là sách bị bẻ khóa, mà chất lượng lại y hệt”. Hiện tại Nhã Nam có gần 30% số sách in được phát hành dưới dạng ebook. Thế nhưng trên thực tế, thì có tới 70% số sách in của công ty này đã được các trang chia sẻ sách đưa lên. Vì vậy, doanh thu từ ebook của Nhã Nam, hầu như không đáng kể. Anh Nguyễn Xuân Minh than thở: “Tình hình ở Việt Nam tương phản với ở nước ngoài. Ở Mỹ, ebook lậu cũng có, nhưng chỉ được lén lút đưa lên mạng, nếu có người thông báo, ebook đó sẽ bị xóa đi. Nhưng ở Việt Nam thì ngược lại, ebook lậu luôn thắng thế ebook xịn”.

    Facebook thì có vẻ văn minh hơn đôi chút, khi “Hội ebook 6 tháng”, tức là 6 tháng sau khi sách in phát hành, hội này mới làm ebook để chia sẻ. Còn nhóm Bookaholic (Nghiện sách), chủ yếu là làm ebook văn học kinh điển, chia sẻ trong một nhóm hẹp. Khi các nhà xuất bản lên tiếng, các nhóm này sẵn sàng gỡ ebook đó khỏi trang của họ. Như vậy có vẻ như đối với nhóm này vẫn còn lương tâm. Dù số lượng ít hay nhiều, thời gian sớm hay muộn, núp dưới danh nghĩa nào thì phần lớn các trang web đều vi phạm bản quyền ebook.

    Thử đi tìm lời giải

    Có ý kiến cho rằng, để ebook phát triển đúng hướng và lành mạnh cần phải có lộ trình thích hợp, nhất là đối với một quốc gia như nước ta, thời gian trải qua kinh tế thị trường chưa lâu, trình độ công nghệ và ý thức người dân chưa cao. Tâm lí bao cấp, thích dùng của chùa, ăn xổi ở thì đã ăn quá sâu vào mỗi người, nên ngay lập tức đòi hỏi người ta phải tự giác bỏ tiền ra mua bản quyền là ảo tưởng hão huyền. Chắc chắn còn mất một thời gian dài nữa sau khi các nhà quản lí, các đơn vị sản xuất và cả các nhà sáng chế từng bước tạo cho được ý thức về thói quen của người tiêu dùng, từ đó mới có thể xác lập được bản quyền đối với ebook nói riêng và các lĩnh vực khoa học, công nghệ cũng như văn hóa nghệ thuật nói chung.

    Ý thức về bản quyền sách nói chung và bản quyền sách điện tử nói riêng còn khá xa lạ đối với đại đa số người dân Việt Nam. Gần 10 năm trôi qua, kể từ ngày Công ước quốc tế Bern có hiệu lực tại Việt Nam, tháng 10-2004 và gần 7 năm kể từ ngày Luật Sở hữu trí tuệ của nước ta đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8, Khóa XI, ngày 29-11-2005 và có hiệu lực từ 1-7-2006, nhưng, xem ra những nội dung và chế tài quy định tại Bộ luật này và ở Công ước Bern vẫn thấm vào ý thức người dân chưa được là bao.

    Tuy nhiên bà Ana Maria Allessi, chủ báo của Harper Media tại Harper Collins, lại có một cách nhìn khá mới mẻ: “Chúng tôi đã thận trọng với các hình thức xử phạt, tuy nhiên hiệu quả hơn là chỉ cần đơn giản làm cho công nghệ tốt hơn và hiệu lực hợp pháp. Sách điện tử cung cấp rất nhiều lợi ích cho người đọc và tác giả đến nỗi những lợi nhuận bị mất do sao chép phạm pháp có thể là một điều xấu không thể tránh khỏi”.

    Còn ông Trần Xuân Phương, Giám đốc Công ty Vinapo, đơn vị bán ebook Alezza cho hay, qua một năm hoạt động, ông thấy rằng ý thức bản quyền của người đọc có tốt hơn. “Điều quan trọng là luật bản quyền phải được thực thi mạnh mẽ, không chỉ với ebook, mà cả với các nội dung số khác như âm nhạc, phim ảnh”.

    Cách tốt nhất là các nhà sản xuất và tác giả phải tự mình tìm ra cách quản lí riêng, nâng cao và hoàn thiện các thiết bị công nghệ cũng như tự mình phải biết “sống chung” với một môi trường vi phạm bản quyền như ở Việt Nam hiện nay. Bên cạnh đó, các nhà làm luật cần phải mạnh dạn hơn đưa vào các chế tài mạnh, đủ sức răn đe hơn nữa. Còn cơ quan quản lí nhà nước cần nâng cao vai trò quản lí của mình thông qua công cụ thanh tra, kiểm tra, không để những kẻ cố tình vi phạm nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Có như vậy, từng bước chúng ta mới mong ý thức người dân về bản quyền được nâng lên, làm lành mạnh hóa môi trường xuất bản cho ebook.

    Theo Đỗ Ngọc
    Anninhthudo.vn

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ