Trang TMĐT Trung Quốc khiến người Mỹ phát cuồng: Giá rẻ tới mức làm khách hàng tưởng như bị lừa khi mua ở chỗ khác, người dùng vào hàng ngày vì nghiện game

    Băng Băng, markettimes.vn 

    “Giá bán của Temu khiến tôi có cảm tưởng mình bị lừa khi mua hàng ở chỗ khác vậy”, cô Ashlee cười nói.

    Mỗi ngày 3 lần, chị Ashlee Nordquist sống ở North Dakota lại đều đặn đăng nhập vào trang thương mại điện tử (TMĐT) Temu của Trung Quốc nhằm “bón” cá ảo. Nếu chị Ashlee bón cá đầy đủ bằng cách click vào những biểu tượng đồ ăn cá trên màn hình thì Temu cam kết sẽ gửi miễn phí một món hàng mà chị chọn.

    Tuy nhiên, số lượng thức ăn cho cá của Ashlee luôn thiếu và chỉ có một cách duy nhất để tăng chúng lên là giới thiệu người mới dùng nền tảng TMĐT này, vậy là Ashlee quảng bá miễn phí Temu cho tất cả mọi người để có thêm thức ăn cho cá.

    “Chẳng có gì là miễn phí ở đây cả. Họ sẽ chẳng cho không bạn thứ gì đó để chứng tỏ sự tử tế đâu. Những mối quan hệ được mời gia nhập nền tảng này là bí quyết để chiến thắng trò chơi”, cô Ashlee thừa nhận.

    Trang TMĐT Trung Quốc khiến người Mỹ phát cuồng: Giá rẻ tới mức làm khách hàng tưởng như bị lừa khi mua ở chỗ khác, người dùng vào hàng ngày vì nghiện game - Ảnh 1.

    Sau khi mời vô số người quen sử dụng Temu, cuối cùng Ashlee cũng nhận được những phần quà mà Temu cam kết bao gồm một bộ nồi lẩu nướng cỡ to và nhỏ, một chiếc máy bay không người lái (Drone) có gắn máy ảnh, một bộ hộp đựng đồ và một cái máy thái thịt. Gần nhất vào tháng 2/2023, việc tiếp tục bón cá ảo và mời mọi người dùng Temu đã giúp Ashlee mang về thêm một chiếc đàn guitar.

    Trò chơi

    Temu, trang TMĐT con của Pinduoduo đến từ Trung Quốc đã đứng đầu bảng xếp hạng tải ứng dụng ở Mỹ kể từ khi ra mắt vào tháng 9/2022. Chỉ trong chưa đầy 6 tháng, nền tảng này đã thu hút được 24 triệu lượt tải nhờ chiến lược quảng cáo rầm rộ, mức giá bán rẻ cùng vô số những trò chơi gây nghiện như kiểu của Ashlee.

    Tháng 2/2023, Temu thậm chí tuyên bố việc mở rộng hoạt động sang Canada.

    “Mục tiêu của Temu là đem chuỗi cung ứng của Trung Quốc ra thế giới, bắt đầu với thị trường Mỹ”, phía công ty cho biết.

    Được thành lập từ năm 2015, Pinduoduo đã dùng chiến lược tương tự như của Temu từ khi còn phát triển ở thị trường Trung Quốc. Việc có mức giá cực thấp và trải nghiệm chơi game lấy quà gây nghiện đã khiến nền tảng này trở thành một trong những trang TMĐT nổi tiếng nhất Trung Quốc.

    Ngoài bón cá ảo, người chơi còn có thể trồng cây cùng bạn bè để lấy quả ảo và đổi thành trái cây thật. Với mỗi người giới thiệu mới, người chơi sẽ được tham gia quay thưởng may mắn bằng tiền.

    Thậm chí, có những chương trình của Pinduoduo cho phép người chơi lấy sản phẩm miễn phí nếu khiến người khác click vào đường link nền tảng này.

    Mặc dù chiến lược này giúp Pinduoduo bùng nổ mạnh mẽ trong đại dịch cũng như khi mở cửa trở lại nhưng nhiều người lại lo lắng về tính bảo mật của các chương trình khi kẻ gian có thể lợi dụng đường link để cài cắm virus, ăn cắp thông tin.

    Rất nhiều trường hợp tại Trung Quốc đã than phiền mất tài khoản hay bị rút tiền vì click vào các đường link gửi bởi người quen. Thậm chí có người kiện cáo Pinduoduo vì đã tạo nên sự lầm tưởng rằng người dùng có thể chiến thắng trò chơi rất dễ nhưng thực ra không phải vậy.

    Năm 2021, một luật sư đã kiện Pinduoduo vì khiến ông bị kẹt, chỉ còn 0,9% nhiệm vụ mà mãi không hoàn thành để lấy thưởng. Sau đó nền tảng này giải thích tỷ lệ trên cần phải ở mức 0,9996427% thì mới được ghi nhận hoàn thành. Cuối cùng tòa án phán quyết Pinduoduo phải thanh toán 400 Nhân dân tệ, tương đương 59 USD bồi thường cho khách hàng trên.

    Bất chấp những tranh cãi, hàng loạt nền tảng TMĐT tại Trung Quốc đã học theo Pinduoduo để tạo nên các trò chơi gây nghiện nhằm thu hút thêm người dùng. Sau Pinduoduo, các tên tuổi lớn như JD.com, Taobao của Alibaba hay Meituan cũng đều có các trò chơi nhận thưởng nếu giới thiệu thêm người dùng.

    Thậm chí, nền tảng Shein kinh doanh thời trang ở nước ngoài cũng tung ra chiêu trò tặng điểm cho người dùng nếu họ chiến thắng các trò chơi hay chương trình liên quan, sau đó đổi quà.

    Trang TMĐT Trung Quốc khiến người Mỹ phát cuồng: Giá rẻ tới mức làm khách hàng tưởng như bị lừa khi mua ở chỗ khác, người dùng vào hàng ngày vì nghiện game - Ảnh 2.

    Chiến lược gây nghiện

    Ngoài câu chuyện dùng tính gây nghiện game và sức hút tặng quà miễn phí, Temu còn có chiến lược về giá cực kỳ lợi hại. Nền tảng này áp dụng mô hình từ nhà máy thẳng đến tay người tiêu dùng để giữ mức giá bán thấp, hạn chế tiền môi giới hay các chi phí phát sinh.

    Các sản phẩm giá rẻ được xuất cảng trực tiếp từ những nhà máy có chi phí thấp ở Trung Quốc đến tay người tiêu dùng Mỹ. Temu đã sử dụng đường hàng hải quốc tế để chuyển hàng và chỉ thanh toán cho người bán sau khi người mua đã nhận hàng.

    Một ví dụ là anh Awan Yang, chủ một xưởng sản xuất túi tại Quảng Châu bán hàng trên Temu cho biết mình tham gia nền tảng này không lâu sau khi nó ra mắt, lý do chính là vì tin tưởng Pinduoduo sẽ đầu tư mạnh tay cho thị trường quốc tế tương tự như những gì họ đã làm được ở Trung Quốc.

    Thật vậy, trong khoảng tháng 10/2022-2/2023, nhà máy của anh Yang đã bán được 3.300 chiếc túi trên Temu với tỷ suất lợi nhuận khoảng 15-25%. Thậm chí anh Yang cho biết mức giá trên Temu cao gấp 2,5-3 lần so với giá bán thông thường, nhưng như vậy vẫn là quá rẻ so với các đối thủ tại Mỹ.

    Đồng quan điểm, nhà sáng lập Ashley Dudarenok của hãng marketing Alarice and ChoZan nhận định Pinduoduo đã từng thành công tại Trung Quốc trước các đối thủ sừng sỏ như Alibaba hay JD.com thì nay Temu cũng có thể trở thành ông trùm “giá rẻ” trên thị trường TMĐT Mỹ.

    Thay vì tìm cách thay thế những ông lớn như Amazon hay Shein tại Mỹ, Temu chỉ đơn giản là cho khách hàng thêm lựa chọn khi mua hàng trực tuyến và chính điều này đã khiến nền tảng đến từ Trung Quốc thành công rực rỡ.

    Trong khi đó, chuyên gia Connie Chan của Andreessen Horowitz nhận định các hãng công nghệ Trung Quốc rất khác so với những người chơi Phương Tây khi sẵn sàng chi rất nhiều kinh phí cho những chiến dịch quảng cáo.

    Đầu tháng 3/2023, Temu đã quảng cáo trên Super Bowl, một trong những chương trình nổi tiếng đông người xem tại Mỹ, với nội dung người dùng có thể “mua sắm như tỷ phú” thế nào trên nền tảng này.

    Bằng việc marketing rầm rộ và hút lượng lớn người dùng ngay từ đầu, Temu có thể cải thiện thuật toán của mình nhanh chóng nhằm cá nhân hóa từng tài khoản, qua đó đề xuất những sản phẩm phù hợp và gây nghiện cho người dùng, điều mà Tiktok đã từng làm và thành công.

    “Temu không chỉ là trang TMĐT mà còn kết hợp cả giải trí với các trò chơi cũng như chương trình trúng thưởng...Người dùng có xu hướng tốn nhiều thời gian, và đương nhiên là cả tiền bạc, trên các ứng dụng khiến họ cảm thấy thích thú hơn”, chuyên gia Chan nhận định.

    Trong khi đó, chuyên gia phân tích Allison Malmsten của Daxue Consulting thì nhận định các nền tảng bán hàng trực tuyến Phương Tây thường không chú trọng vào việc phát triển trò chơi, tăng tương tác và lượt tải xuống dù chúng giúp ích rất nhiều cho các thuật toán.

    Trang TMĐT Trung Quốc khiến người Mỹ phát cuồng: Giá rẻ tới mức làm khách hàng tưởng như bị lừa khi mua ở chỗ khác, người dùng vào hàng ngày vì nghiện game - Ảnh 3.

    Ăn cướp

    Quay trở lại câu chuyện của Ashlee, cô thừa nhận trò chơi trên Temu có tính gây nghiện cao khi cần tốn thời gian, tiền bạc và các mối quan hệ. Thậm chí rất nhiều người bạn được Ashlee giới thiệu cũng nghiện nền tảng này. Họ đã thành lập nên các nhóm chat trao đổi những thủ thuật để dễ trúng thưởng trên trò chơi hơn.

    Với Ashlee, trong khi săn lùng những giải thưởng miễn phí thì cô cũng tốn nhiều thời gian lướt các gian hàng trên Temu hơn để rồi mua rất nhiều thứ, từ những hộp đựng đồ, máy giặt tự động, bàn là điện tử cho đến máy hút chân không cùng nhiều đồ gia dụng khác. Tổng cộng Ashlee đã tốn khoảng 450 USD mua đồ trên nền tảng này bên cạnh những món trúng thưởng.

    Trước đây, Ashlee thường mua những vật dụng này trên Amazon hay Walmart, nhưng giờ đây cô chọn Temu bởi sản phẩm có giá rẻ hơn nhiều. Theo nữ khách hàng này, có những món đồ chỉ rẻ bằng 1/8 so với giá bán tại các cửa hàng ở địa phương.

    “Giá bán của Temu khiến tôi có cảm tưởng mình bị lừa khi mua hàng ở chỗ khác vậy”, cô Ashlee cười nói.

    *Nguồn: Rest of World

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ