Chuyên gia Vũ Tấn Công, cựu Tổng thư ký VAMA, nhận định Omoda & Jaecoo rất cẩn trọng trong việc nghiên cứu kỹ quy định chính sách và thị trường trước khi ra mắt tại Việt Nam.
Dưới đây là phần trao đổi giữa host Đăng Việt và chuyên gia Vũ Tấn Công về chủ đề: Omoda & Jaecoo có quá cẩn trọng?
Thương hiệu Omoda & Jaecoo mất hơn 2 năm thăm dò trước khi chính thức ra mắt và bán xe tại Việt Nam vào tháng 9. Vậy theo ông Vũ Tấn Công, liệu hãng xe này có quá cẩn trọng hay không?
Theo quan điểm của tôi, để triển khai một dự án sản xuất ô tô dạng CKD tại Việt Nam, ít nhất nhà đầu tư cũng phải làm được 3 việc cơ bản.
Thứ nhất, nhà đầu tư phải nghiên cứu thị trường ô tô Việt Nam, để tìm ra được những kiểu loại xe phù hợp với thị trường. Sau khi tìm ra kiểu loại xe, đơn vị này phải làm nghiên cứu rất sâu về thông số kỹ thuật của từng loại xe trong từng model, thường gọi là car clinic. Trên cơ sở đó mới đưa ra quyết định sản xuất loại xe phù hợp với thị trường. Việc này cực kì quan trọng vì sản phẩm mà sai với thị trường là dấu hiệu của thất bại.
Thứ hai, nhà đầu tư phải tìm hiểu các chính sách của Chính phủ Việt Nam về sản xuất công nghiệp ô tô. Bên cạnh đó, họ cũng cần tìm hiểu các chính sách của chính quyền địa phương nơi đặt nhà máy, các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Thứ ba, nhà đầu tư đó cần đưa ra tiêu chuẩn và tìm kiếm đối tác Việt Nam phù hợp với dự án của mình.
Theo kinh nghiệm của tôi từng tư vấn cho nhiều hãng xe, thời gian để hoàn thành được 3 việc này phải kéo dài 1-3 năm. Vì thế, tôi đánh giá Omoda & Jaecoo đã rất cẩn trọng khi mất 2 năm thăm dò thị trường Việt Nam.
Ông nói rằng việc quan trọng là các hãng xe phải tìm được đối tác phù hợp tại Việt Nam. Vậy ông nhận định như thế nào khi Omoda & Jaecoo bắt tay với Geleximco tại Việt Nam?
- Một câu hỏi rất hay.
Thứ nhất, Geleximco chưa có kinh nghiệm sản xuất ô tô, họ chỉ có kinh nghiệm sản xuất linh kiện phụ tùng xe máy. Quan điểm của tôi đây không phải là vấn đề lớn. Bởi vì, đối tác Trung Quốc đã sản xuất ô tô từ lâu, nên có thể chuyển giao công nghệ và huấn luyện cho công nhân Việt Nam của Geleximco vận hành. Cái đó không có vấn đề gì lớn.
Thứ hai, Geleximco chưa có kinh nghiệm kinh doanh ô tô, đây là vấn đề lớn. Lý do là vì kinh doanh ô tô khác với các mặt hàng khác. Nếu một đơn vị không có kinh nghiệm sẽ rất khó khăn trong kinh doanh, từ khâu phát triển đại lý đến chăm sóc khách hàng và bán xe. Vì thế, thách thức của Geleximco là rất lớn.
Tuy nhiên, tôi tin rằng đối tác Trung Quốc chọn Geleximco là có lý do.
Trước hết, Geleximco có quan hệ tốt với Chính phủ Việt Nam và quan hệ tốt với chính quyền tỉnh Thái Bình nơi dự kiến đặt nhà máy. Đây là một điều kiện rất quan trọng, nếu không muốn nói là mấu chốt để dự án thành công. Tiếp theo, sau khi nghiên cứu kỹ qua các kênh khác nhau, tôi nhận thấy Geleximco có tình tài chính tốt. Đây cũng là yếu tố quan trọng để dự án thành công.
Tất nhiên, dự án này vẫn có những thách thức. Trước nhất, bản thân sản phẩm sản xuất ra phải cạnh tranh rất nhiều với các sản phẩm Trung Quốc khác như BYD, Aion… và các hãng xe nổi tiếng như Toyota, Honda, Hyundai, Kia…
Tuy nhiên, làm việc gì cũng sẽ có thách thức. Vì thế, tôi nghĩ rằng là nếu như biết cách làm và làm tốt xây dựng thương hiệu của mình thì Omoda & Jaecoo cũng như Geleximco sẽ thành công. Vì hiện nay nhiều người Việt không thích và không tin các thương hiệu ô tô Trung Quốc.
Trước đó năm 2009, tập đoàn Chery (công ty mẹ của Omoda & Jaecoo), đã từng thâm nhập thị trường Việt Nam nhưng thất bại. Thời điểm đó, những mẫu xe này bị gọi là hàng nhái, chất lượng thấp… nên đã lặng lẽ dừng lại. Vì thế, tôi nghĩ rằng là Geleximco phải làm tốt trong việc xây dựng một thương hiệu.
Omoda & Jaecoo thông báo chỉ bán xe xăng và tiến tới là hybrid, chưa tiếp cận tới xe điện. Theo góc nhìn của ông, việc chọn lựa các mẫu sản phẩm như vậy có phù hợp với thị hiếu cũng như thị trường hay không?
Với xe điện, điều quan trọng để có thể vận hành tốt là mạng lưới trạm sạc. Thế nhưng, hiện nay ở Việt Nam ngoài VinFast thì chưa có một hãng xe nào có thể làm được mạng lưới rộng khắp chỉ cho xe VinFast sạc. Đây chính là cản trở của việc phát triển xe điện.
Ngoài ra, từ câu hỏi của anh, tôi nhận thấy Omoda & Jaeco đã nghiên cứu rất kỹ các quy định, chính sách của Việt Nam.
Ngày 22/07/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 876/QĐ-TTg về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải.
Trong văn bản này có hai thông tin cần lưu ý, cụ thể
+ Đến năm 2040: Từng bước hạn chế tiến tới dừng sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu xe ô tô, xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch để sử dụng trong nước.
+ Đến năm 2050: 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy thi công tham gia giao thông chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh toàn bộ các các bến xe, trạm dừng nghỉ đạt tiêu chí xanh; chuyển đổi toàn bộ máy móc, trang thiết bị xếp, dỡ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng điện, năng lượng xanh.
Như vậy, từ nay đến năm 2040 là hơn 15 năm, đến năm 2050 là hơn 25 năm nữa. Vì vậy, xe xăng của Omoda & Jaecoo có thể sử dụng được ít nhất hơn 25 năm nữa. Theo kinh nghiệm tư vấn của tôi, một chiếc xe ô tô sử dụng 20-25 năm là đủ lâu. Vì thế, việc Omoda & Jaecoo chưa phân phối xe điện không có vấn đề gì lớn.
Cảm ơn ông vì những chia sẻ này.
Chương trình Trên Ghế được phối hợp thực hiện bởi Đài Truyền Hình TP Hồ Chí Minh & Công ty Cổ Phần VCCorp; đơn vị hợp tác thực hiện AutoPro; đơn vị khai thác thương mại AdWheel; đơn vị đồng hành Giovanni.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI