Trên tay Microsoft Surface Duo: Cứ tưởng to nhưng hóa ra lại rất nhỏ gọn, thiết kế liên tưởng đến kim từ điển thời cắp sách đến trường
Ý tưởng màn hình kép của Microsoft mang đến nhiều giải pháp cho đa tác vụ, tuy nhiên trải nghiệm đôi khi chưa mượt mà cộng với giá thành cao là rào cản khiến sản phẩm này khó tiếp cận với đa số người dùng.
Microsoft ấn định ngày mở bán là 10/9, tuy nhiên hôm nay chúng ta đã có được chiếc smartphone màn hình kép này tại Việt Nam do một cửa hàng xách tay về.
Đây được xem là chiếc smartphone đáng kỳ vọng và nhận được nhiều sự ngóng chờ của người dùng trên thế giới. Hãy cùng tìm hiểu Surface Duo này có gì đặc biệt mà mức giá lên đến 1.399 USD tại Mỹ và 41,8 triệu đồng tại Việt Nam (giá xách tay).
Hộp sản phẩm khá gọn, mặt trước chỉ in mỗi hình chiếc Surface Duo và không có thêm dòng chữ nào.
Phụ kiện kèm theo bao gồm sạc 18W, cáp USB-C, que chọc khe SIM có thiết kế khác hẳn những hãng sản xuất hiện nay, sách hướng dẫn và bumper cao su để tránh va đập các góc máy trong quá trình sử dụng.
Khác với kiểu thiết kế màn hình gập của Galaxy Z Fold2 của Samsung, Surface Duo của Microsoft lựa chọn thiết kế màn hình kép, tức ta sẽ có hai màn hình riêng biệt được kết nối với nhau thông qua cơ chế cặp bản lề giống kiểu laptop.
Bản lề này cho phép mở theo dạng free-angle, tức sẽ không theo khớp và người dùng có thể mở ra bao nhiêu tùy thích, thậm chí là 360 độ. Các góc máy được làm đơn giản hết mức có thể, điểm nhấn khi nhìn ở những góc này có lẽ là bản lề kim loại sáng bóng cùng logo Microsoft.
Tất cả phím vật lý đều nằm bên cạnh phải, dưới phím nguồn có phần lõm vào và đây là chỗ đặt cảm biến vân tay. Nhìn xuống dưới cùng ta sẽ có khe nhét SIM
Mỏng, gọn, nhẹ là cảm nhận tiếp theo khi người viết cầm trên tay chiếc máy này. Nó không hề cục mịch và nặng như tôi nghĩ ban đầu, thậm chí khi xem lại thông số nó chỉ có 250g còn Fold2 đến 282g và iPhone 11 Pro Max là 226g.
Máy vẫn để vừa túi quần và rút ra dễ dàng khi đứng, còn lúc ngồi thì có chút khó khăn.
So sánh độ mỏng và kích thước với iPhone 11 Pro Max, có thể thấy khi gập lại chiếc Surface Pro cũng không lớn hơn là bao.
Surface Duo chạy hệ điều hành Android nên không có gì quá lạ lẫm với người dùng hiện nay. Máy trang bị hai màn hình OLED riêng biệt với kích thước 5,6 inch/màn (độ phân giải 1800 x 1350), tỷ lệ 4:3 và có thể ghép lại thành một màn hình có kích thước lớn 8.1 inch với không gian hiển thị lớn hơn (3:2).
Chuyển đổi giữa các cửa sổ bằng cách kéo giữ từ dưới lên và thả sang màn hình mong muốn. Cách làm này khá tiện và trực quan.
Máy có sẵn các cặp ứng dụng để khi nhấn vào là bật lên cùng lúc cả 2 màn hình. Người dùng cũng có thể thay đổi cặp ứng dụng dễ dàng.
Kích hoạt ứng dụng cặp rất nhanh.
Ưu điểm của kiểu thiết kế màn hình kép là tạo cảm giác yên tâm hơn về độ bền, bên cạnh đó cũng được trang bị kính cường lực Gorilla Glass 5.
Nhưng nhược điểm là bạn sẽ có một số trải nghiệm không liền mạch vì cơ bản 2 màn hình này vẫn tách rời nhau và bản lề sẽ là kẻ thứ ba đứng giữa cuộc tình này.
Nếu bạn chia đôi màn hình và mỗi bên là một cửa sổ, chuyện đó chẳng có gì đáng bận tâm...
... nhưng khi mở lớn cửa sổ ấy ra để dùng "full" 2 màn thì bạn sẽ bắt đầu khó chịu với cái bản lề ấy.
Thậm chí nội dung hiển thị cũng bị bản lề "ăn" mất một phần.
Hay như khi đang cần nhập địa chỉ trang web, bạn sẽ thấy cảnh bàn phím lệch qua bên màn hinh phải còn dòng nhập bắt đầu từ bên màn hình trái... Việc đưa tay sang phải để gõ cũng sẽ khiến thao tác bị chậm hơn.
Những lúc này, tốt nhất là bạn nên dùng một màn hình, gập ngược lại 360 độ như vậy sẽ dễ thao tác và dễ theo dõi nội dung hơn.
Surface Duo cũng khá thông minh khi bạn gập ngược ra và xem một màn hình thì màn hình còn lại sẽ tự động tắt đi để tiết kiệm pin cũng như tránh chạm cảm ứng. Khi quay ngược lại, chỉ cần chạm hai lần vào màn hình là sẽ kích hoạt hiển thị và tất nhiên màn hình ở phía ngược lại được tắt đi.
Một cách khác để việc nhập liệu dễ hơn, đó là xoay dọc máy lại thế này. Lúc cầm theo chiều này, người viết liên tưởng Surface Duo hệt như chiếc kim từ điển thời còn đi học.
Tất nhiên khi quay dọc bạn vẫn có thể tận dụng hai màn hình hiển thị 2 app khác nhau, mọi thứ đều rất trôi chảy.
Nhờ bản lề xoay tự do 360 độ, bạn cũng có thể đặt máy trên bàn và xem phim dễ dàng.
Về phần camera, máy chỉ có 1 camera duy nhất với thông số 11MP F/2.0, hỗ trợ zoom số 7x, HDR, quay video 4K 60fps và được tích hợp công nghệ chống rung điện tử. Mặc định phần màn hình thứ hai sẽ hiển thị những bức ảnh bạn vừa chụp xong để dễ theo dõi.
Còn khi muốn trở thành camera sau, bạn chỉ việc lật 2 màn hình ra ngoài, màn hình bên phải sẽ đóng vai trò làm camera còn màn hình trái thành khu vực hiển thị và thao tác.
Một điểm cần lưu ý là các ngón tay phải để ra ngoài khung máy, nếu không sẽ rất dễ che vào camera.
Một điểm khá bất tiện là loa thoại nằm ở màn hình bên trong nên mỗi khi có cuộc gọi bạn buộc phải mở ra mới có thể nghe được.
Surface Duo chạy Snapdragon 855, 6GB RAM, 128/256GB bộ nhớ trong và pin dung lượng 3577 mAh.
Nhìn chung ngoại hình chiếc máy này không cầu kỳ phức tạp, điểm nhấn vừa đủ ở khả năng màn hình kép và thiết kế tối giản, kèm theo đó là gọn nhẹ. Khả năng đa tác vụ tương đối mượt mà, nhưng thi thoảng gặp tình trạng bị đơ máy, thậm chí là đơ ngay từ lúc nhập mã PIN hoặc quét vân tay. Đây là điểm Microsoft cần khắc phục trong các bản cập nhật tiếp theo và hy vọng sẽ giúp người dùng có trải nghiệm tốt hơn.
Cuối cùng, giá bán cao vẫn là điều người dùng lăn tăn nếu muốn được trải nghiệm sản phẩm có thiết kế độc đáo.
Cảm ơn Goka đã hỗ trợ chúng tôi thực hiện bài viết này.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Những tiểu tiết bạn có thể đã bỏ qua trong trailer The Witcher 4