Trợ lý ảo có thực sự trợ giúp người dùng hiệu quả?

    Yến Thanh,  

    (GenK.vn) - Siri của iPhone, Google Now của Android và Cortana của Windows Phone 8.1 là những trợ lý ảo tiên tiến nhất hiện nay.

    Có thể nói, trợ lý ảo đã xuất hiện trong nhiều thập kỷ qua và không còn quá xa lạ đối với người dùng. Khoảng năm 1997, Clippy - trợ lý Microsoft Word đã mang tới cho chúng ta khá nhiều điều thú vị. Hiện nay, Siri của iPhone, Google Now của AndroidCortana của Windows Phone 8.1 là những trợ lý ảo tiên tiến, hoàn chỉnh nhất với trí tuệ nhân tạo và nhận dạng giọng nói khá chính xác, miễn là bạn không có một giọng nói khó nghe. Từ khi chúng ra đời, người dùng đã bớt được gánh nặng công việc khi sử dụng smartphone và sẽ chẳng ai phủ nhận được tầm quan trọng của trợ lý ảo di động trong cuộc sống ngày nay.

    Tuy nhiên, ngoài những tiện ích cơ bản, nhiều người vẫn hoài nghi về khía cạnh hiệu quả của trợ lý ảo. Câu hỏi đặt ra là liệu các trợ lý ảo trên di động có thực sự trợ giúp người dùng hiệu quả? Mời bạn đọc GenK cùng tham khảo bài viết dưới đây để cùng làm rõ vấn đề này.

    1. Tính năng nhận diện giọng nói

    Microsoft-build-2014-326

    Hầu hết các trợ lý ảo hiện nay đều được tích hợp tính năng nhận diện giọng nói, cho phép người dùng tương tác trực tiếp với các công cụ mà không phải mất nhiều công sức để khởi động hoặc truy cập. Bắt đầu từ thế hệ iPhone 4S, người dùng có thể tương tác với Siri bằng cách nhấn giữ phím Home. Trong khi đó, Google Now được đánh giá là hỗ trợ khá nhiều câu lệnh cùng khả năng nhận diện giọng nói hoàn thiện. Để kích hoạt trợ lý ảo này, người dùng chỉ cần chạm vào biểu tượng chiếc microphone và nói “OK Google”.

    Riêng đối với Cortana, ở Windows Phone 8.1, cô trợ lý này sẽ khả dụng dưới dạng một ô Live Tile trên màn hình Start. Người dùng có thể truy xuất Cortana bằng cách nhấn vào Live Tile hoặc đơn giản nhấn vào nút tìm kiếm trên thiết bị. Đặc biệt, với mọi câu hỏi từ người dùng, "cô trợ lý ảo" của Microsoft sẽ trả lời theo từng câu đầy đủ và thậm chí kèm theo cả ngôn ngữ giao tiếp tự nhiên.

    2. Xử lý ngôn ngữ

    Cortana

    Có thể nói, ngoài khả năng nhận diện giọng nói tuyệt vời, các trợ lý ảo ngày nay như Siri, Google Now hay Cortana cũng cho thấy khả năng xử lý ngôn ngữ cực kỳ thông minh và nhạy bén. Nếu coi giọng nói nhận diện là nguyên liệu đầu vào thì xử lý ngôn ngữ chính là phần quan trọng nhất tạo nên sự tương tác giữa người dùng và công cụ trợ lý. Theo đó, công nghệ xử lý ngôn ngữ hiện nay chủ yếu dựa trên cơ sở dữ liệu hùng hậu gồm cả những ngôn ngữ nói thông thường và ngôn ngữ "bình dân" để từ đó đưa ra câu trả lời chính xác nhất.

    Trong khi Google Now thực sự là một cỗ máy tìm kiếm với khả năng mang lại các kết quả hiệu quả nhất. Ví dụ: nếu bạn kể chuyện cười với Google Now, thay vì đáp trả, nó sẽ... tìm kiếm câu chuyện cười đó cho bạn. Còn đối với Siri và Cortana, người dùng có thể thỏa sức tán chuyện cùng những cô trợ lý này mà không phải lo về vấn đề hiểu sai ý hoặc không nhận dạng được câu nói. Tuy nhiên, dù cho có khả năng đối đáp tự nhiên hoặc thông mình tới đâu, máy móc vẫn chỉ là máy móc. Ngoài việc xử lý được những tình huống thông dụng, chúng ta khó có thể đòi hỏi nhiều hơn ở các trợ lý ảo.

    3. Sức mạnh tìm kiếm

    Trợ lý ảo có thực sự trợ giúp người dùng hiệu quả?

    Trong khi sức mạnh tìm kiếm của Siri là sự tổng hợp từ các công cụ như Wolfram Alpha, Wikipedia, Bing thì Google Now tận dụng tối đa tiềm lực của "người nhà" - Google Search. Còn Cortana được vận hành bởi bộ máy tìm kiếm "chính chủ" Microsoft là Bing. Điểm chung của các cô trợ lý áo trong việc tìm kiếm là sử dụng dữ liệu đến từ các ứng dụng liên quan và theo dõi hành vi tìm kiếm của người dùng để thu thập các thông tin cần thiết.

    Tuy nhiên, mỗi công cụ sẽ có một nguyên tắc hoạt động đặc trưng. Siri sẽ liên tục hỏi lại người dùng các câu hỏi cho đến khi tìm được câu trả lời hợp lý và vừa ý người dùng nhất. Google Now sẽ tận dụng công nghệ Knowledge Graph, giúp mang đến các kết quả tìm kiếm chi tiết hơn bằng cách phân tích sâu ý nghĩa và sự kết nối của các từ khóa. Microsoft thì khẳng định Cortana sẽ ghi nhớ những gì người dùng hỏi trước đó để tiến hành xâu chuỗi lại và mang đến các kết quả tìm kiếm ngày càng hợp lý và tự nhiên hơn sau một thời gian sử dụng.

    4. Thu thập thông tin người dùng

    Trợ lý ảo có thực sự trợ giúp người dùng hiệu quả?

    Phần lớn các trợ lý ảo như Siri, Google Now hay Cortana đều được trang bị tính năng thu thập thông tin từ người dùng nhằm tìm ra cơ chế hoạt động tốt hơn cho smartphone. Như Cortana, kể từ lúc kích hoạt lần đầu, "cô trợ lý" này sẽ bắt đầu tìm hiểu các yếu tố liên quan đến người dùng thông qua 1 tính năng tên là Notebook.

    Google Now tìm hiểu về chủ nhân bằng cách theo dõi, ghi nhớ và hiểu về những hành vi lặp đi lặp lại của bạn khi tìm kiếm. Do đó, trợ lý của Google cần một khoảng thời gian "âm thầm" theo dõi người dùng để có thể hoạt động hiệu quả nhất. Trong khi đó, Siri cũng có độ chính xác được cải thiện tỉ lệ thuận với thời gian bạn sử dụng nó. Trợ lý ảo này sẽ “lục lọi” các thông tin từ danh bạ, kho nhạc, lịch năm và nhắc nhở của chủ nhân để có thể mang đến các kết quả chính xác hơn.

    Tuy nhiên, đây được xem là vấn đề nhạy cảm với hầu hết người dùng hiện nay. Khả năng thu thập thông tin sâu của các "cô trợ lý" có thể là miếng mồi béo bở cho kẻ gian lợi dụng nhằm đánh cắp các dữ liệu quan trọng. Hơn thế nữa, chắc hẳn bạn cũng sẽ cảm thấy ngại ngùng khi những điều thầm kín hoặc đơn giản là những bức ảnh "tự sướng" của mình trôi nổi trên mạng vào một ngày nào đó đúng không?

    5. Liên kết với ứng dụng Lịch , Báo thức và Nhắc nhở

    microsoft-build-2014-343

    Sẽ còn gì tuyệt với hơn khi các trợ lý ảo sẽ giúp chúng ta liên kết các thông báo, nhắc nhở, lịch và báo thức nhằm hạn chế phải tương tác với nhiều ứng dụng cùng lúc. Cụ thể, các trợ lý ảo sẽ phụ trách công việc thêm các thông tin vào ứng dụng lịch, đặt lịch hẹn và thêm vào các nhắc nhở theo yêu cầu của người dùng. Nhìn chung, các trợ lý ảo sẽ giúp chúng ta đơn giản hóa các thao tác không cần thiết và thâm nhập vào rất nhiều ứng dụng để mang đến các thông tin hữu ích khi cần.

    Nổi bật trong số đó là cô trợ lý Cortana với khả năng tự động check email và lưu lại các thông tin liên quan đến ngày tháng ví dụ như kế hoạch du lịch hay các cuộc hẹn. Trong khi đó, Siri hay Google Now cũng tỏ ra không hề thua kém và được đánh giá là hoạt động ổn định trong lĩnh vực này.

    6. Gọi điện và SMS

    Trợ lý ảo có thực sự trợ giúp người dùng hiệu quả?

    Trong khi công nghệ thế giới ngày càng đi lên thì việc tích hợp tính năng nhắn tin, gọi điện thông thường cho các trợ lý ảo không còn là điều quá xa vời. Ví dụ như Google Now có thể gọi thoại, nhắn tin hoặc email đến bất kì ai người dùng muốn. Tuy nhiên, có một điều đáng tiếc là nó chưa được tích hợp hoàn thiện vào Hangouts do đó bạn không thể ra lệnh cho Google Now khi muốn trò chuyện Hangouts cùng người khác.

    Hay như Cortana, bạn hoàn toàn có thể chuyển sang cuộc gọi video trong một cuộc gọi thoại bằng Skype mà không cần gác máy. Hoặc Siri - trợ lý ảo của Táo Khuyết cũng có thể khởi động các cuộc gọi thoại, FaceTime, nhắn tin và email.

    7. Dự báo thời tiết

    Trợ lý ảo có thực sự trợ giúp người dùng hiệu quả?

    Thêm một điểm cộng cho các trợ lý ảo hiện nay đó là tính năng dự báo thời tiết. Tuy nhiên, các "cô trợ lý" này hoàn toàn không có khả năng dự báo hay khí tượng mà đơn giản là dựa vào các thông tin tổng hợp qua Internet. Theo đó, Siri, Google Now hay Cortana sẽ lọc và chọn lựa những dự báo tin cậy rồi chuyển về cho người dùng dưới dạng danh sách. Bạn cũng có thể yêu cầu các trợ lý này đưa dự báo thời tiết ở bất kỳ nơi đâu, miễn là điện thoại có kết nối mạng. Do đó, điểm khác biệt duy nhất giữa chúng có lẽ là giao diện.

    8. Chơi nhạc

    Trợ lý ảo có thực sự trợ giúp người dùng hiệu quả?

    Ngoài những tính năng giúp sức cho người dùng trong công việc, các trợ lý ảo cũng mang tới phương thức giải trí mới mẻ cho chủ nhân. Trong khi Siri có thể mở nhạc cho người dùng thì Cortana cũng được trang bị tính năng nhận diện bài hát. Đối với Google Now, khi được người dùng yêu cầu phát nhạc, nó sẽ tự động mở Google Play Music và chơi bất kì bài hát nào bạn muốn. Thêm vào đó, ứng dụng này cũng có thể mua nhạc cho người dùng và chơi sau đó.

    Tạm kết

    Nhìn chung, Siri của Apple, Google Now của GoogleCortana của Microsoft đều tỏ ra thông minh và năng động. Tất nhiên, mỗi công cụng sẽ có điểm mạnh và điểm yếu riêng, tất cả đều nhằm phục vụ cho việc sử dụng smartphone hiệu quả và tiện dụng hơn. Tuy nhiên, mức độ hiệu quả tới đâu còn tùy thuộc vào nhu cầu hoặc hoàn cảnh của mỗi người.

    Còn bạn, bạn có thấy trợ lý ảo hiện nay thực sự hữu dụng không? Hãy chia sẻ suy nghĩ của mình vào phần bình luận bên dưới nhé!

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày