Trở thành tội phạm công nghệ cao – Khoảng cách mong manh

    PV,  

    (GenK.vn) - Bên cạnh những thông tin bổ ích, các diễn đàn mạng hiện nay đã trở thành nơi gặp gỡ, kết bạn của hacker, nơi trao đổi thông tin và liên kết, hình thành ổ nhóm tội phạm công nghệ cao.

    Trong số đó, không ít người là học sinh, sinh viên, những trí thức trẻ có trình độ về công nghệ thông tin nhưng đã lạc hướng khi sử dụng những kiến thức đó vào mục đích xấu,…

    Ảnh
     

    Với những kiến thức học được từ diễn đàn dành cho hacker, Cao Xuân Dương (SN 1991, ở Nam Trực, Nam Định) đã trở thành một trong những tội phạm công nghệ cao có thủ đoạn đặc biệt tinh vi khi đã xâm nhập được vào hệ thống bảo mật của nhiều ngân hàng tại Việt Nam. Qua mạng Internet, Dương tìm hiểu cách thức trộm cắp mật khẩu tài khoản ngân hàng bằng cách sử dụng chương trình gián điệp Spynet cài vào các đường link hướng dẫn chơi game.

    Virus của Dương sử dụng có chức năng tự động bật webcam máy tính người dùng để theo dõi, xem màn hình giao diện của máy, lưu toàn bộ thao tác trên bàn phím của người sử dụng và gửi lại cho Dương dưới dạng một văn bản quản lí toàn bộ dữ liệu trên máy tính đó. Khi phát hiện người sử dụng có giao dịch liên quan đến tài khoản ngân hàng, Dương sẽ sử dụng chức năng xem thao tác trên bàn phím để trộm cắp tài khoản và mật khẩu ngân hàng của người đó.

    Với thủ đoạn trên, Dương đã thực hiện thành công 2 vụ trộm cắp mật khẩu, tài khoản giao dịch trực tuyến ngân hàng của Ngân hàng Viettinbank, chiếm đoạt số tiền gần 20 triệu đồng. Nhưng theo đánh giá của các chuyên gia an ninh mạng, phương thức gây án của Dương đã ảnh hướng xấu đến an ninh, bảo mật và hoạt động kinh doanh của hệ thống ngân hàng tại Việt Nam. Hành vi phạm tội của Cao Xuân Dương đã được Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (PC50) Công an ­ TP Hà Nội phát hiện, ngăn chặn vào tháng 10/2013.

    Theo thống kê của Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an, hiện tội phạm sử dụng công nghệ cao với thủ đoạn rất tinh vi đang nhắm vào lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán, hoạt động tư vấn, mua bán vàng... Từ đầu năm 2012 đến nay, tình hình an ninh, an toàn mạng máy tính tại Việt Nam tiếp tục bị đặt trong tình trạng báo động với nhiều cuộc tấn công, phá hoại, phát tán virus với tính chất đặc biệt nghiêm trọng. Riêng trong năm 2012, Công an Việt Nam đã phát hiện, xác minh, điều tra 261 đầu mối vụ án, vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, tổng thiệt hại mà loại tội phạm này gây ra hơn 2.000 tỉ đồng.

    Thượng tá Lê Hồng Sơn, Trưởng phòng PC50 Công an TP Hà Nội cho biết, trong 14 vụ án được đơn vị khám phá trong thời gian từ tháng 8/2013 đến nay, các đối tượng phạm tội trong lĩnh vực công nghệ cao đều trong độ tuổi 8X, 9X, phần lớn là học sinh, sinh viên có trình độ về công nghệ thông tin; một số đối tượng khác có trình độ cao, làm việc tại các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin nhưng lại cố tình vi phạm pháp luật.

    Đặc biệt, sự phát triển mạnh của các mạng xã hội đã hình thành những diễn đàn trao đổi thông tin, liên kết của tội phạm công nghệ cao ở cả trong và ngoài nước. Nói cách khác thì đây chính là hoạt động của các ổ nhóm tội phạm "ngầm" đã và đang âm thầm diễn ra trên mạng internet.

    Ảnh

    Một đối tượng trí thức phạm tội công nghệ cao bị bắt giữ

    Điển hình như tháng 9/2013, PC50 phối hợp Phòng 3, C50, Bộ Công an khám phá ổ nhóm sử dụng trái phép thông tin thẻ tín dụng của người khác để làm giả thẻ ngân hàng hòng chiếm đoạt tài sản, bắt giữ các đối tượng Vũ Phong (32 tuổi), làm nghề quảng cáo ở quận Đống Đa, Hà Nội; Bùi Đình Hảo (22 tuổi), sinh viên. Tháng 4/2013, Vũ Phong mua của một đối tượng sống tại Mỹ 14 thẻ ngân hàng do Mỹ phát hành với giá 30 USD/thẻ, sau đó bán lại cho các đối tượng ăn cắp tiền trên mạng internet tại Việt Nam với giá 200 USD/thẻ.

    Tháng 7/2013, quen biết Phong qua mạng internet, Bùi Đình Hảo đã kết hợp với Phong để hack, ăn cắp tiền trên trang web www.pay... rồi chuyển đổi ra tiền mặt. Hảo đã bỏ tiền ra mua 1000 thông tin cá nhân của công dân Mỹ trên các trang mạng, sau đó đăng kí tài khoản tại www.pay... và sử dụng số thẻ tín dụng, đăng kí tài khoản tại thẻ do Phong cung cấp để kích hoạt và nhận được mỗi tài khoản paypal một lượng tiền ảo có giá trị tương đương 950 USD - là số tiền cao nhất đủ độ an toàn để hệ thống paypal không phát hiện.

    Phong sẽ cung cấp thông tin tài khoản của ngân hàng tại Mỹ để chuyển đổi từ tiền ảo trong tài khoản paypal thành tiền mặt USD. Tỉ lệ chuyển đổi thành công từ 60 - 70%. Với thủ đoạn này, Phong và Hảo đã chuyển đổi, trộm cắp trên 60 tài khoản với số tiền ước tính khoảng 60.000 USD.

    Luật sư Hoàng Nguyên Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Bình An đánh giá: Điều không thể phủ nhận được là hầu hết tội phạm trong lĩnh vực này khá thông minh và rất giỏi công nghệ. Nhiều người chợt nghĩ rằng, giá như những kẻ sai đường lạc lối này cống hiến trí tuệ, chất xám cho Nhà nước thì sẽ tốt biết mấy. Nhưng tại sao nhóm tội phạm này lại đi theo hướng tiêu cực?

    Cũng có thể có nhiều nguyên nhân, chẳng hạn như: xuất phát từ bản thân, cá tính của lớp trẻ thường là người thích thể hiện bản lĩnh, tính cách cá nhân, trình độ và đẳng cấp. Cũng có thể mới đầu do tò mò tìm hiểu sau dần lấn sâu vào vi phạm pháp luật lúc nào không biết. Cũng có thể bị dụ dỗ, lôi kéo mà bản thân họ cũng không biết hành vi mình đang làm là vi phạm pháp luật...

    Một sinh viên giỏi về công nghệ thông tin từng tâm sự: Mục đích kiếm tiền khi bắt đầu cuộc sống sinh viên tự lập đã nhanh chóng biến cậu ta trở thành tội phạm. Sống xa gia đình, cậu ta bắt đầu tìm niềm vui trên internet và ngay lập tức bị mê hoặc bởi thế giới các hacker - những con người tự do và đầy quyền lực. Khi tham gia các diễn đàn trên mạng, cậu ta nhanh chóng hòa nhập được vào thế giới ngầm hacker Việt Nam, làm quen được với những người bạn cùng sở thích nghiên cứu như mình, thu thập được rất nhiều kiến thức và kinh nghiệm.

    Một lần, khi cậu sinh viên được một người bạn gửi cho thông tin của một chiếc thẻ tín dụng và hướng dẫn tường tận cách thức mua đồ trên mạng, ngay lập tức tôi bị cuốn hút vào một thế giới - thế giới của những kẻ "shipping" (mua hàng bằng thẻ tín dụng của người khác).

    Thời gian sau đó, cậu sinh viên chểnh mảng học hành, chỉ chú tâm nghiên cứu về "công nghệ" ship hàng của thế giới ngầm: Làm sao để lấy được các thông tin thẻ tín dụng của người khác, những hệ thống mua hàng trực tuyến cho chuyển hàng về Việt Nam, nghiên cứu cách sử dụng thẻ tín dụng sao cho hiệu quả, nghiên cứu thương thuyết với nơi mua hàng. Chỉ trong một thời gian ngắn, số lượng hàng từ nước ngoài liên tục gửi về. Dùng không hết, cậu sinh viên bán lấy tiền chi tiêu.

    Thế vẫn chưa đủ, cậu sinh viên tiếp tục tìm hiểu cách kiếm tiền nhiều hơn của thế giới ngầm hacker, làm giả thẻ ATM để rút tiền và nhanh chóng kiếm được tiền tỉ. Chỉ đến khi bị Cơ quan Công an phát hiện, bắt giữ, cậu sinh viên mới thấy hối tiếc.

    Để đấu tranh và phòng chống loại tội phạm này không chỉ dừng lại ở việc ban hành các điều luật để xử phạt; các cơ quan quản lí Nhà nước cần tăng cường quản lí và giám sát, mà trách nhiệm phòng chống, giáo dục ý thức cho lớp trẻ từ trong gia đình và khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Tăng cường vai trò và trách nhiệm của gia đình để gia đình trở thành rào cản đầu tiên đối với hiện tượng vi phạm pháp luật nói chung. Vai trò của gia đình đặc biệt là của bố mẹ, trong vấn đề giáo dục và hình thành nhân cách trẻ em là một điều hết sức quan trọng. Nhiều gia đình có hoàn cảnh vô cùng khó khăn nhưng do gia đình có nề nếp, có kỉ cương, phép tắc nên con cái họ vẫn phát triển tốt và có lối sống lành mạnh, trong sạch.

    Đặc biệt trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin như hiện nay, lớp trẻ là những người có điều kiện được tiếp cận với công nghệ thông tin ngay từ khi còn nhỏ như các trò chơi game, điện thoại, máy vi tính… Giám sát và định hướng cho con cái cách tiếp cận và sử dụng công nghệ thông tin thế nào cho bổ ích là trách nhiệm của cha mẹ.

    Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật trong lĩnh vực công nghệ thông tin đối với nhân dân, nhất là trong nhà trường phổ thông và trong các trường đại học, cao đẳng để sớm trang bị cho tầng lớp học sinh, sinh viên kiến thức pháp luật, hiểu được những hành vi nào là vi phạm pháp luật, mức độ nguy hại, chế tài xử lí và học tập ý thức bảo vệ pháp luật ngay từ trên ghế nhà trường.

    Đối với học sinh, sinh viên trong lĩnh vực công nghệ thông tin, thì việc giáo dục, phổ biến pháp luật này càng cần phải coi trọng, để trí thức trẻ sử dụng đúng kiến thức của mình vào những công việc có ích cho xã hội.

    Theo CAND.com.vn

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày