Trong khi các ngành nghề khác đều run sợ, chỉ duy nhất công ty này dám ngáng đường Amazon
Từ một startup phụ thuộc vào dịch vụ Amazon Web Services, Netflix đã trở thành kẻ đối đầu khó đánh bại đối với người khổng lồ này.
Các nhà đầu tư giờ đây biết quá rõ số phận các công ty mỗi khi lĩnh vực kinh doanh của họ lọt vào tầm ngắm của Amazon.
Trên thực tế, thậm chí Amazon còn không cần phải thực sự đột phá một lĩnh vực kinh doanh mới nào đó để đe dọa thị trường của các công ty đó. Tất cả những gì họ cần chỉ là một thông cáo báo chí chỉ ra rằng người khổng lồ trực tuyến này đang tiến vào một lĩnh vực mới – cho dù đó là chăm sóc sức khỏe, sửa chữa nhà, bán tạp hóa hay bất động sản – và thế là cổ phiếu của các công ty đang dẫn đầu trong ngành đó sẽ gần như tụt dốc không phanh.
Hiệu ứng này phổ biến đến nỗi giờ đây người ta còn đặt cả tên cho nó: Hiệu ứng Amazon.
Nhưng liệu có ngoại lệ nào đó không? Liệu có thể xem công ty nào đó là không thể bị Amazon đánh bại khi giá cổ phiếu của họ tăng cao không?
Lý thuyết đó chưa được thử nghiệm rộng rãi bao giờ, khi có quá ít ví dụ về những công ty có khả năng tránh được việc bị Amazon nghiền nát. Tuy nhiên, có một ngành công nghiệp quan trọng mà hiện tại Amazon vẫn chưa thể trở thành người dẫn đầu, khi người đang thực sự đột phá trong lĩnh vực đó lại là một cái tên khác: Netflix.
Cổ phiếu của công ty chuyên về streaming nội dung đã tăng gấp đôi kể từ đầu năm 2018 đến nay, sau khi tăng đến 390% so với 3 năm trước. Gần đây, các nhà phân tích tại Bank of America đã tăng mức giá mục tiêu với cổ phiếu Netflix lên 460 USD một cổ phiếu – nghĩa là họ cho rằng cổ phiếu công ty còn có thể tăng thêm 18% so với mức giá hiện tại.
“Chúng tôi nghĩ rằng Netflix có thể trở thành người thống trị trong lĩnh vực streaming trong tất cả các thị trường.” Nat Schindler cho biết trong bản ghi nhớ của mình, khi anh cho rằng Netflix như là vua của lĩnh vực streaming nội dung truyền thông. Có thể xem đây như một ví dụ trường hợp hiếm hoi khi gã khổng lồ Amazon phải chịu khuất phục trước một đối thủ nhỏ hơn như Netflix.
Vậy họ làm điều đó như thế nào?
1. Netflix sẵn sàng bạo chi hơn Amazon
Suy nghĩ thông thường cho thấy rằng Amazon không bao giờ chịu chấp nhận vị trí số hai. CEO Amazon ông Jeff Bezos cho biết đã chi ra 250 triệu USD dành cho bản quyền của series phim truyền hình The Lord of The Rings, một series có thể có chi phí sản xuất đến 100 triệu USD mỗi năm. Đây được xem như nỗ lực nhằm phát triển một Game of Thrones của riêng Amazon.
Rõ ràng, với mức đầu tư như vậy, Amazon muốn cung cấp các nội dung chất lượng nhằm thu hút ánh mắt người dùng. Và với doanh thu lên tới 178 tỷ USD, Amazon đang có một hòm tiền khổng lồ cho cuộc chiến này.
Nhưng Netflix vẫn dễ dàng vượt mặt Amazon về việc bạo chi cho nội dung. Năm 2018, Netflix dự kiến ngân sách dành cho các chương trình không phải thể thao tới 8 tỷ USD, trong khi của Amazon chỉ khoảng 5 tỷ USD.
2. Netflix tập trung toàn bộ cho nội dung
Tất cả các khoản chi tiêu khổng lồ và cam kết của Netflix đều dành cho một mục đích duy nhất, đó là nhằm streaming các nội dung truyền thông chất lượng tới người dùng. Điều này với Netflix cũng tương tự như những nỗ lực mà Amazon theo đuổi từ nhiều năm nay trong lĩnh vực thương mại điện tử và giao nhận: Sự thiện cảm từ khách hàng.
Mục tiêu dài hạn của Netflix là sử dụng các chương trình gốc trong một nửa nội dung của mình.
Khi những show truyền hình như "Stranger Things" và "Orange is the New Black" thúc đẩy lượt đăng ký, Netflix đã từng bước hướng tới việc cải thiện chất lượng các chương trình gốc của họ từ nhiều năm trước.
Trong khi đó, Amazon, với Amazon Studios, đang nỗ lực bắt kịp điều đó, nhưng họ vẫn còn một chặng đường dài phải đi. Nhưng họ cũng đã không ít lần sẩy chân trong việc tuyển dụng các tài năng để đưa Amazon Studios bắt kịp với mức chất lượng ngang bằng với Netflix.
Người tiêu dùng vẫn đang đứng về phía Netflix. Một cuộc khảo sát do Morgan Stanley tiến hành cho thấy, 39% người xem cho biết rằng, Netflix có chương trình gốc tốt nhất so với các nhà cung cấp dịch vụ thuê bao video khác. HBO đứng thứ hai, còn Amazon Prime Video đứng thứ ba, với chỉ 5% người tiêu dùng đứng về phía người khổng lồ bán lẻ này.
3. Netflix hiểu rõ đối thủ của mình
Trên hết, có thể thấy kế hoạch kinh doanh của Netflix tập trung hoàn toàn vào việc streaming nội dung. Nhưng đó lại không phải là mục tiêu của Amazon.
Với Amazon, công ty sử dụng streaming như một sự bổ sung để khuyến khích khách hàng đăng ký thành viên cho dịch vụ Prime của mình. Chương trình vận chuyển trong vòng 2 ngày, một trụ cột cho thành công của Amazon, được kỳ vọng sẽ tạo thêm doanh số từ các khách hàng đăng ký Prime.
Tổ chức Consumer Intelligence Research Partners ước tính rằng các thành viên Prime sẽ chi tiêu đến 1.300 USD mỗi năm, trong khi các khách hàng không đăng ký thành viên Prime chỉ chi tiêu 700 USD. Mức chênh lệch 600 USD này sẽ nhanh chóng trở nên đáng kể khi bạn xem xét đến 90 triệu người đăng ký thuê bao Prime ở Mỹ.
Dịch vụ streaming của Amazon là một công cụ để thu hút và giữ chân người dùng Prime, cho dù nó vẫn chưa rõ về khả năng giữ chân thực sự của nó. Mặc dù vậy, đây vẫn không phải là đặc tính của công ty. Và Netflix đang lợi dụng thực tế đó.
Tham khảo Business Insider
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI