Trong khi thế giới đang lo sợ viêm phổi Vũ Hán, đã từng có một vị bác sĩ hy sinh bản thân mình để cứu nhân loại thoát khỏi đại dịch SARS
Dù đã 17 năm trôi qua, viêm phổi Vũ Hán đã khiến nhiều người nhớ lại ám ảnh về đại dịch SARS. Năm đó, đã có một vị bác sĩ sẵn sàng hy sinh chính mình để nhân loại được sống.
Theo thông tin mới nhất, hiện nay bệnh viêm phổi Vũ Hán đã làm chết 80 người và lây nhiễm cho hơn 2.500 người trên thế giới. Cơn đại dịch bùng phát khiến cho nhiều người dân sợ hãi và lo lắng khi ra đường, đặc biệt là trong những ngày nghỉ lễ Tết Nguyên Đán.
Theo các bác sĩ, bệnh viêm phổi Vũ Hán là do virus corona, một chủng virus mới gây bệnh. Virus và đại dịch này đang khiến nhiều người liên tưởng đến bệnh SARS vào 17 năm trước. SARS là một hội chứng suy hô hấp cấp tính nặng có tên khoa học là Severe acute respiratory syndrome.
Trong đại dịch SARS vào năm 2002-2003, đã có hơn 5.300 người nhiễm bệnh và 349 người ở các đại lục tử vong. Tại Hong Kong, 1.750 người mắc bệnh và 299 bệnh nhân không thể qua khỏi. Theo Tổ chức Y tế thế giới, virus gây bệnh SARS được cho là virus xuất phát từ động vật, có thể là dơi, sau đó lây lan sang các động vật khác và lây qua người. Trường hợp đầu tiên nhiễm bệnh xuất phát từ Quảng Châu, Trung Quốc vào cuối năm 2002.
Bệnh dịch này đã được ghi nhận ở trên 32 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, gây thiệt hại nặng nề đến kinh tế, du lịch, chính trị và xã hội của các nước.
SARS - dịch bệnh lây lan trên toàn thế giới
Tháng 2/2003, Bộ Y Tế Trung Quốc đã công bố sự bùng phát bí ẩn của một bệnh viêm phổi mới ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Tin tức về căn bệnh bí ẩn này nhanh chóng lan truyền khắp nơi.
Một bác sĩ Trung Quốc đang điều trị cho bệnh nhân ở Quảng Đông được cho là đã mang căn bệnh viêm phổi này đến Hồng Kông cùng tháng 2. Tại đó, bác sĩ đã xuất hiện các triệu chứng cảm cúm và được chuyển đến một bệnh viện để điều trị. Ông qua đời vài ngày sau đó và lây nhiễm cho ít nhất 10 người khác tại khách sạn nơi ông ở.
8 trong số những người bị lây nhiễm này đã bay tới Canada, Singapore, Hoa Kỳ và Việt Nam, khiến cho căn bệnh trở thành một đại dịch lây lan kéo dài hơn 100 ngày.
Vào đúng lúc tâm bệnh đang bùng phát, có một vị bác sĩ đã sẵn sàng hi sinh cả bản thân mình để cứu lấy toàn nhân loại. Ông là Carlo Urbani, một bác sĩ người Ý, đã dành trọn tâm sức, trí tuệ để đưa nhân loại thoát khỏi đại dịch toàn cầu.
Carlo Urbani: Dũng cảm, chuyên nghiệp và anh hùng
Bác sĩ Urbani là một chuyên gia về nhiễm kí sinh trùng, ông làm việc tại văn phòng WHO ở Hà Nội vào đúng thời điểm dịch SARS bùng nổ. Đây là một căn bệnh truyền nhiễm và gây tử vong cao. Đầu năm 2003, khi đang làm chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, ông đã đồng ý với Bệnh viện Việt Pháp tại Hà Nội để hỗ trợ điều tra một ca bệnh cảm cúm.
Sau khi kiểm tra, bác sĩ Urbani chẩn đoán đây là một trường hợp bất thường của một căn bệnh truyền nhiễm không rõ nguồn gốc. Ngay lập tức, ông đã cảnh báo cho trụ sở của WHO ở Geneva, Thụy Sĩ.
Hành động kịp thời của ông đã giúp ngăn chặn dịch bệnh bằng cách kích hoạt một chiến dịch phản ứng y tế công cộng toàn cầu mà cuối cùng đã cứu sống được vô số người.
Trong khi đó, bác sĩ Urbani cũng được cảnh báo về sự nguy hiểm và hoàn toàn có quyền được trở về nước. Nhưng vì lợi ích sức khỏe và an toàn công cộng, ông đã dành nhiều ngày tại bệnh viện để phối hợp kiểm soát căn bệnh lây nhiễm, can thiệp kiểm dịch và gia tăng tinh thần của nhân viên bệnh viện.
Khi căn bệnh lây lan và gây ra sự hoang mang sợ hãi trên toàn cầu, vợ của bác sĩ Urbani đã xin ông đừng đến bệnh viện. Tuy nhiên, ông nói với vợ rằng: "Nếu tôi không đến đó, thì chúng ta đang làm gì ở đây? Chẳng lẽ chúng ta chỉ việc trả lời thư từ và đi dự tiệc? Tôi là bác sĩ và tôi có nghĩa vụ phải giúp đỡ mọi người."
Thời thế tạo anh hùng
Vào ngày 11/3/2003 trong chuyến bay tới Bangkok để tham dự một hội nghị, bác sĩ Urbani đã xuất hiện những triệu chứng của bệnh SARS. Là người trực tiếp nghiên cứu căn bệnh này, bác sĩ Urbani hiểu rõ điều gì đang đến với mình. Khi những người xung quanh định chạy đến giúp đỡ thì ông đã gạt đi và chờ xe cứu thương đến.
Bác sĩ Urbani ngay lập tức được đưa vào phòng cách ly. Ông không được tiếp xúc với gia đình mà chỉ được nhìn họ qua cửa kính và nói chuyện bằng bộ đàm. Vào ngày 29/3/2003, bác sĩ Urbani đã qua đời vì biến chứng.
Trong một lúc tỉnh táo nào đó, bác sĩ Urbani đã yêu cầu đồng nghiệp cắt một lá phổi của mình để làm tiêu bản nghiên cứu. Hai tuần sau khi ông qua đời, một chủng virus corona, chủng gây ra căn bệnh SARS, đã được nhận diện và bệnh dịch ngay lập tức được khống chế.
Được biết, trước khi nhắm mắt, bác sĩ Urbani đã tỏ ra rất thỏa mãn. Ông nói: "Đây là công việc liên quan đến tôi, dù nguy hiểm nhưng tôi vẫn thấy thoải mái, giờ đây tôi đã có tất cả."
Ngày 7/4/2003, bác sĩ Carlo Urbani đã được truy tặng Huân chương công trạng vì Y tế cộng đồng hàng Vàng theo quyết định của Bộ trưởng Bộ các vấn đề xã hội Ý.
Nhờ sự hi sinh của bác sĩ Carlo Urbani cùng với 6 y bác sĩ trong và ngoài nước, Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên tuyên bố đã khống chế được bệnh SARS.
Ngày 9/5/2003, Bộ Y tế Việt Nam đã truy tặng ông Huân chương Hữu nghị và Huy chương Vì sức khỏe nhân dân.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Những tiểu tiết bạn có thể đã bỏ qua trong trailer The Witcher 4