Trung Quốc đã nhiều lần tự phát triển hệ điều hành nhưng đều thất bại, liệu Huawei có làm nên kỳ tích?
Nhiều thông tin cho rằng hệ điều hành di động thay thế cho Android của Huawei sẽ ra mắt ngay trong năm nay.
Sau khi bị Google rút giấy phép sử dụng Android, Huawei đã tuyên bố rằng họ đã tự phát triển hệ điều hành riêng để thay thế cho Android. Dự kiến, giải pháp của Huawei sẽ ra mắt vào cuối năm nay và nếu Huawei thành công, không chỉ dành cho smartphone hệ điều hành này sẽ có cả phiên bản chạy trên laptop và những thiết bị khác.
Nhưng xây dựng một hệ điều hành mới là công việc rất khó. Để nó được hỗ trợ rộng rãi còn khó hơn gấp bội. Muốn biết tại sao khó ư? Hãy hỏi Microsoft, Samsung và thậm chí là một loạt các hãng Trung Quốc khác.
Vì các lý do khác nhau như giảm chi phí, tăng khả năng tự lực, lo ngại an ninh/gián điệp, các công ty Trung Quốc đã nhiều lần tự phát triển hệ điều hành nhằm thay thế các giải pháp từ Phương Tây. Tuy nhiên, tất cả mọi nỗ lực của họ đều thất bại.
Những thất bại của Trung Quốc khi phát triển hệ điều hành riêng
Hồng kỳ Linux là hệ điều hành được tạo ra vào năm 1999 với kỳ vọng thay thế cho Windows. Nó được xây dựng trên Linux mã nguồn mở bởi Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc. Tới năm 2014, dự án chính thức bị khai tử vì chẳng ai muốn góp vốn cho nó.
Hồng kỳ Linux khiến mọi người chú ý chỉ bởi vì nó quá giống Microsoft Windows XP
Đây là những cảm nhận của một kỹ sư chính phủ Trung Quốc, người có cơ hội tiếp xúc với Hồng kỳ Linux:
"Sử dụng Hồng kỳ Linux giống như đạp xe trên một con phố lớn ở Bắc Kinh. Nó phù hợp với yêu cầu về mặt chính trị, đôi khi rất tuyệt nhưng khá mệt mỏi và luôn cô đơn".
Một số hệ điều hành dành cho máy tính khác của Trung Quốc như KylinOS (do quân đội Trung Quốc đồng phát triển) và StartOS cũng chịu chung số phận với Hồng kỳ Linux. Ngay cả lệnh cấm tạm thời Windows 8 của Microsoft trên các máy tính của cơ quan chính phủ cũng không thể giúp các hệ điều hành "cây nhà lá vườn" của Trung Quốc khởi sắc.
Các hệ điều hành di động do người Trung Quốc phát triển cũng có số phận hẩm hiu. Năm 2009, China Mobile đã ra mắt một phiên bản chính sửa của Android có tên OPhone. Chỉ một năm sau đó, OPhone đã biến mất không để lại bất cứ dấu vết gì. Điều tương tự cũng xảy ra với Hệ điều hành Trung Quốc (COS), được trình làng một cách hoành tráng vào năm 2014.
Không riêng gì các công ty Trung Quốc, nhiều ông lớn khác cũng đã thất bại trong việc tạo ra một hệ điều hành độc lập, đặc biệt là hệ điều hành di động. Samsung đã từng thất bại với Tizen, Nokia thử nghiệm Symbian nhưng thất bại và thậm chí gã khổng lồ phần mềm như Microsoft cũng không thể thành công dù đã thử ra mắt nhiều phiên bản Windows khác nhau cho thiết bị di động. Hiện tại, Android của Google và iOS của Apple đang cùng nhau độc chiếm thị trường.
Huawei có làm nên kỳ tích?
Theo SCMP, Huawei đã phát triển hệ điều hành thay thế Android từ năm 2012. Hệ điều này này được đặt tên mã nội bộ là Project Z nhưng gần đây truyền thông Trung Quốc đưa tin rằng nó sẽ mang tên Hồng Mông OS, lấy cảm hứng từ thần thoại Trung Quốc.
Huawei bắt đầu phát triển Hồng Mông OS từ năm 2012 và dự kiến sẽ trình làng vào cuối năm nay
Giống như các hãng đi trước, Huawei nhận ra rằng việc tự phát triển hệ điều hành có nhiều khó khăn hơn cả làm phần cứng. Nhà phân tích Charlie Dai của Forrester chia sẻ rằng khó khăn của việc phát triển hệ điều hành không chỉ do sự phức tạp của công nghệ.
"Hệ sinh thái của hệ điều hành di động cần sự tham gia của tất cả các đối tác khác nhau, từ phần cứng tới ứng dụng di động cũng như cộng đồng nhà phát triển", Dai nói.
Một hệ điều hành sẽ chẳng có giá trị gì nếu không có ứng dụng, nhà phân tích Bryan Ma của IDC chia sẻ. Hệ sinh thái ứng dụng rất khó để xây dựng và phụ thuộc vào nỗ lực của các nhà phát triển. Và thường thì các nhà phát triển chỉ tập trung vào Android và iOS để tránh rủi ro, tăng lợi nhuận.
Theo Bloomberg, Huawei hiện đang lôi kéo các nhà phát triển ứng dụng tạo ra phần mềm cho hệ điều hành mới của họ. Nhưng thu hút được nhà phát triển chỉ là một trong những bước đi đầu tiên.
Người dùng Trung Quốc từ lâu đã quen với việc sử dụng các ứng dụng địa phương. Với nhiều người dùng Trung Quốc hiện tại, WeChat là ứng dụng duy nhất họ cần. Tuy nhiên, bên ngoài Trung Quốc, các ứng dụng như Google Maps và YouTube - cũng như chính Google Play Store - đã trở thành thứ không thể thiếu với người dùng Android.
"Nếu Huawei không thể tạo ra các ứng dụng cho hệ điều hành mới của mình, nó sẽ không thể phổ biến bên ngoài Trung Quốc", Ma nói.
Theo Abacus
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"