Trung Quốc định xây "đập Tam Hiệp của vật lý hạt", sẽ tốn hàng tỷ USD nhưng nhiều người cho rằng không thiết thực
Dự án máy gia tốc hạt nào cũng tiêu tốn tới cả tỷ USD, nhiều người - trong số đó là nhiều nhà khoa học - cho rằng đây là dự án tốn kém và chẳng đi tới đâu.
Bảy năm trước, khoa học ngỡ ngàng trước một trong những khám phá quan trọng nhất ngành vật lý học: ta biết tới sự tồn tại của hạt Higgs boson, hay còn gọi là hạt của Chúa. Nhờ những thành tựu của Tổ chức Nghiên cứu Hạt nhân Châu Âu CERN, ta khẳng định được giả thuyết tại sao hạt lại có khối lượng.
Hai tháng sau thông báo động trời ấy, Trung Quốc lên tiếng chứng minh rằng mình không kém cạnh: họ đang chế tạo một máy gia tốc hạt của riêng mình với tên gọi Máy gia tốc Vòng Electron Positron (CEPC), nhằm tìm hiểu sâu hơn về nguồn gốc Vũ trụ. Theo kế hoạch, Trung Quốc sẽ khởi công CEPC sớm nhất là năm 2020, mất khoảng 30 năm thì xây xong với tổng số tiền bỏ ra khoảng 21 tỷ USD.
Với số tiền khổng lồ đổ vào tham vọng lớn, người ta đang gọi đây là Đập Tam Hiệp của ngành vật lý Trung Hoa.
Khu vực xây dựng CEPC.
Đập thủy điện lớn lấy khỏi ngân khố Trung Quốc hàng triệu USD, nhưng bao quanh nó vẫn là nhiều lời tranh cãi: rằng hiệu quả của đập Tam Hiệp không được như hứa hẹn, và việc xây dựng nó đã khiến vô vàn người phải rời nơi chôn rau cắt rốn. Cũng giống như việc các công trình lớn, các thiết bị của ngành vật lý hạt cũng tốn kém lắm; với bản chất là nghiên cứu khoa học về hạt, ảnh hưởng của các kết quả nghiên cứu cũng không lập tức hiện hữu.
Đến cái đập thủy điện đem lại giá trị lập tức cũng còn bị chỉ trích, nữa là một thiết bị gia tốc hạt mất 3 thập kỷ mới xây xong, lại còn dùng để nghiên cứu những khái niệm mà một người bình thường khó nắm bắt.
“Đây là dự án có lợi, nếu như những tranh cãi xung quanh nó mang tính khoa học và người dân được giáo dục đầy đủ, tránh việc tự tạo quan niệm sai lầm hay làm sai lệch lời chúng tôi nói”, ông Wang Yifang, giám đốc Viện Vật lý Năng lượng Cao thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc, lên tiếng.
Ông Wang là người đầu tiên đề xuất việc xây dựng máy gia tốc hạt CEPC, vận hành song song với máy Gia tốc Siêu Proton-Proton (SppC) vốn dùng để khám phá ra những hạt mới; cả hai máy gia tốc đều thuộc một dự án nghiên cứu. Ông nói thêm rằng những ý kiến lệch lạc sẽ càng khiến danh tiếng khoa học bị tổn hại.
“Ý kiến lệch lạc” mà ông Wang nói ở đây tức là những tranh cãi xung quanh việc máy gia tốc hạt có đáng xây không, bản thân ý kiến này cũng chẳng mới. Từ hồi 2016, bình luận của nhà vật lý học từng nhận giải Nobel Yang Chenning đã khiến dư luận nảy sinh hai ý kiến trái chiều.
Ông Yang cho rằng dự án này sẽ là một “hố đen” hút quỹ đầu tư, và cho rằng Trung Quốc vẫn đang là nước đang phát triển với hàng trăm triệu nông dân và dân nhập cư đang đói kém, chưa kể đất nước đang đối mặt với những vấn đề môi trường cấp bách hay những khúc mắc trong giáo dục và y tế. Việc dồn tiền xây dựng một máy gia tốc hạt sẽ khiến các ngành khoa học khác trì trệ.
Nhìn ở quy mô rộng hơn, ta sẽ thấy những tuyên bố bác bỏ tầm quan trọng của ngành vật lý hạt xuất hiện ở khắp nơi. Năm 1993, Mỹ bỏ dự án Siêu Máy gia tốc hạt Siêu dẫn (SSC) do thiếu chi phí và gặp khó khăn trong khâu quản lý. Họ quyết định hủy bỏ SSC kể cả khi đã tiêu tốn 2 tỷ USD và quá trình xây dựng máy đã bắt đầu. Đây là một cú hẫng trong cộng đồng vật lý.
Ngay trong lòng cộng đồng vật lý này, nhiều người đang đặt dấu hỏi lớn: liệu máy gia tốc hạt có thật sự hữu ích? Nhà vật lý học Jonathan Katz công tác tại Đại học Washington gọi vật lý học là nhánh nghiên cứu đang chết dần, nhiều người đồng ý và cũng nhiều cá nhân phản đối.
Nhiều người nói rằng Trung Hoa đã tiến bộ rất nhiều trong nhiều ngành khoa học công nghệ khác nhau, bao gồm trí tuệ nhân tạo lẫn vật lý lượng tử. Một máy gia tốc hạt sẽ không chỉ là công cụ mới để nghiên cứu, mà còn là yếu tố thu hút chuyên gia cũng như thắt chặt mối quan hệ với các cơ sở nghiên cứu khoa học trên thế giới. Đó là còn chưa kể những khám phá tiềm năng mà máy gia tốc hạt mang lại.
Với ông giám đốc Wang, lợi ích rõ ràng của máy gia tốc khiến ông không màng tới chi phí. Giáo sư Shingtung Yau tới từ Đại học Harvard cho rằng nếu không hoàn thành được công trình này, “Trung Quốc sẽ đánh mất cơ hội ngàn năm có một”.
Dù ai nói ngả nói nghiêng, nhiều nước trên thế giới cũng đang dự tính xây cho mình một máy gia tốc hạt. Mỹ mong muốn hoàn thiện Máy gia tốc Ion Electron (EIC) để nghiên cứu cấu trúc bên trong của hạt nhân và proton; Nhật Bản có ý định bỏ 7 tỷ USD để xây dựng Máy gia tốc Tuyến tính Quốc tế (ILC) để nghiên cứu hạt Higgs boson, nhưng hiện họ đã hoãn dự án vô thời hạn.
CERN, cơ sở khám phá ra hạt Higgs boson không muốn dừng lại ở Máy gia tốc hạt Lớn, một trong những dự án họ đang theo đuổi là Máy gia tốc Vòng Tương lai (FCC), tiêu tốn tới 23,4 tỷ USD.
Ngoài dự án “đập Tam Hiệp của vật lý”, Trung Quốc cũng có dự án khác nữa: người ta đề xuất xây dựng Máy gia tốc Electron-Ion (EICC) tại thành phố Huệ Châu, và gọi đây là “thiên đường cho các nhà vật lý học”.
"Thiên đường" đang được nói tới.
Yangyang Cheng, trợ lý nghiên cứu đang công tác tại Đại học Cornell và tại Máy gia tốc Hạt Lớn, tin rằng người ta phản đối các dự án máy gia tốc hạn không phải do họ nghi ngờ khoa học. Lý do đơn giản thôi: họ tin rằng máy gia tốc tỷ đô sẽ khiến các ngành khoa học khác trì trệ.
Tại cả Trung Quốc và Mỹ, số tiền đổ vào khoa học là quá nhỏ khi so với quân sự. Việc xây dựng máy gia tốc ở đâu không quan trọng, giá trị khoa học của nó vẫn còn và thậm chí, nó còn khiến bạn bè quốc tế nhìn vào đất nước có máy gia tốc hạt với một con mắt khác. Nhiều người cho rằng máy gia tốc hạt còn có thể hàn gắn mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ, khi các nhà khoa học từ hai quốc gia sát lại gần nhau vì một mục tiêu chung, mang thêm kiến thức về cho nhân loại.
Tham khảo ABACUS NEWS
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Người Trung Quốc khoe có được GPU AI xịn nhất của NVIDIA bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ
Chưa rõ tại sao những GPU này lại có thể xuất hiện ở Trung Quốc.
Thiết kế mới của iPhone 17 Pro được xác nhận bởi nhiều nguồn uy tín