Trung Quốc: Đón 2 bé gái sinh đôi được chỉnh sửa gen đầu tiên trên thế giới, có khả năng chống nhiễm HIV

    tvd,  

    Sự kiện này đã gây chấn động cộng đồng khoa học thế giới, gây ra rất nhiều tranh cãi.

    Theo báo cáo của Bloomberg, một nhà nghiên cứu tại Trung Quốc tuyên bố rằng ông đã thành công trong việc tạo ra những đứa trẻ được chỉnh sửa gen đầu tiên trên thế giới. Đó là hai bé gái sinh đôi vừa ra đời, với DNA được chỉnh sửa bằng công nghệ CRISPR đột phá.

    Nếu đúng sự thật, đây sẽ là bước tiến lớn trong y học, khoa học và cả về mặt đạo đức.

    Một nhà khoa học của Mỹ cho biết ông cũng có tham gia vào dự án chỉnh sửa gen trên người tại Trung Quốc. Tuy nhiên, ông cho biết các phương pháp chỉnh sửa gen như vậy bị cấm thực hiện ở Mỹ, vì những thay đổi này có thể làm ảnh hưởng tới các thế hệ tương lai theo một cách mà chúng ta không lường trước được hết.

    Trung Quốc: Đón 2 bé gái sinh đôi được chỉnh sửa gen đầu tiên trên thế giới, có khả năng chống nhiễm HIV - Ảnh 1.

    Nhà nghiên cứu He Jiankui, người tuyên bố thành công trong việc tạo ra những đứa trẻ sơ sinh được chỉnh sửa gen.

    Nhiều nhà khoa học chính thống cho rằng phương pháp chỉnh sửa gen là không an toàn để thử nghiệm trên người.

    Nhà nghiên cứu người Trung Quốc, ông He Jiankui cho biết đã tiến hành chỉnh sửa phôi trên 7 cặp vợ chồng trong quá trình điều trị khả năng sinh sản, kết quả có một phôi thai được hình thành. Ông cho biết mục tiêu không phải là chữa trị hoặc ngăn ngừa các căn bệnh di truyền, nhưng cố gắng để mang tới cho những đứa trẻ này một khả năng đặc biệt mà ít người có, đó là chống nhiễm đối với virus HIV.

    Ông Jiankui cho biết các cặp vợ chồng tham gia từ chối tiết lộ danh tính của họ. Tuyên bố của ông cũng chưa được xác nhận hay công bố trên bất kỳ tạp chí khoa học nào.

    Trung Quốc: Đón 2 bé gái sinh đôi được chỉnh sửa gen đầu tiên trên thế giới, có khả năng chống nhiễm HIV - Ảnh 2.

    Phương pháp chỉnh sửa gen này hứa hẹn mang đến khả năng chống nhiễm virus HIV.

    Trả lời phỏng vấn AP, ông Jiankui cho biết: “Tôi cảm thấy một trách nhiệm mạnh mẽ rằng kết quả này không chỉ là trường hợp đầu tiên, mà nó còn là một ví dụ. Một ví dụ để xã hội quyết định điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Sẽ cho phép hay không cho phép phương pháp này được tiến hành”.

    Hiện tại các nhà khoa học trên thế giới đang tranh luận, có rất nhiều ý kiến trái chiều. Có những nhà khoa học cho rằng phương pháp chỉnh sửa gen này rất nguy hiểm, và vi phạm đạo đức. Có nhà khoa học cho rằng vẫn còn quá sớm để con người đạt đến được thành tựu này. Tuy nhiên cũng có nhà khoa học cho rằng đây là cánh cửa để mở ra hy vọng giúp nhân loại chống lại bệnh dịch HIV/AIDS.

    Việc những đứa trẻ được chỉnh sửa gen có khả năng chống nhiễm virus HIV thật hay không vẫn đang được các nhà khoa học nghiên cứu và xác thực.

    Ông He Jiankui đã từng theo học trường Đại học Rice và Stanford tại Mỹ, trước khi trở về Trung Quốc để mở một phòng thí nghiệm tại Đại học Khoa học và Công nghệ Nam Trung Quốc. Ông cũng là người sáng lập hai công ty di truyền học.

    Nhà khoa học người Mỹ làm việc cùng với He Jiankui là Giáo sư vật lý và sinh học Michael Deem. Ông Michael Deem là cộng sự và đồng sáng lập hai công ty di truyền học tại Thâm Quyến.

    Hai nhà nghiên cứu cho biết họ đã tiến hành chỉnh sửa gen trên chuột, khỉ và phôi người trong nhiều năm. Họ cũng đã đăng ký bằng sáng chế cho phương pháp chỉnh sửa gen của mình. Trong phương pháp này, bộ gen người được chỉnh sửa và loại bỏ một gen có tên là CCR5, đây chính là cánh cửa protein giúp virus HIV xâm nhập vào tế bào.

    Tham khảo: Bloomberg

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày