Trung Quốc giải trình tự gen 1% dân số thế giới để tìm cách sống lâu

    Hoa Vũ,  

    Nhóm các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã đề xuất giải mã bộ gen của hơn 1% dân số thế giới để tìm cách giúp con người sống khỏe và lâu hơn.

    Nhóm các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã khởi động một kế hoạch quốc tế nhằm tăng số năm sống khỏe mạnh của con người, bằng cách đề xuất triển khai giai đoạn mới của Dự án Bộ gen Người (HGP).

    Theo đó, dựa trên những thành tựu mang tính cột mốc đã tạo ra chuỗi bộ gen người đầu tiên cách đây hai thập kỷ, các nhà nghiên cứu đã đề xuất giải trình tự bộ gen của hơn 1% dân số thế giới - tương đương 80 triệu người từ hơn 100 quốc gia.

    Dữ liệu và kết quả thu được sẽ được sử dụng để kéo dài tuổi thọ trung bình của con người bằng cách cải thiện các phương pháp y tế như xét nghiệm sàng lọc các bệnh di truyền và chẩn đoán bệnh hiếm, đồng thời góp phần phát triển lĩnh vực y tế công chính xác đang ngày càng phát triển.

    Trung Quốc giải trình tự gen 1% dân số thế giới để tìm cách sống lâu- Ảnh 1.

    Các nhà nghiên cứu đề xuất giải trình tự bộ gen của hơn 1% dân số thế giới để tìm cách tăng tuổi thọ con người. (Ảnh minh họa: SCMP)

    Không chỉ dừng lại ở 1%

    Theo đề xuất của Dự án bộ gen người II (HGP2), được công bố trong bài báo biên tập trên tạp chí Cell Research ngày 11/9, khái niệm này đề cập đến "việc sử dụng các công nghệ tiên tiến, phân tích dữ liệu và can thiệp để ngăn ngừa bệnh tật, tăng cường sức khỏe và cải thiện việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở cấp độ dân số".

    Tham gia nghiên cứu có các nhà khoa học đến từ các viện nghiên cứu ở 15 quốc gia: Trung Quốc, Australia, Bỉ, Anh, Pháp, Hy Lạp, Ấn Độ, Italy, Nhật Bản, Malaysia, Nga, Singapore, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và Việt Nam.

    "HGP2 chắc chắn sẽ không dừng lại ở 1% dân số thế giới. Tuy nhiên, bằng việc đạt được các mục tiêu đặt ra cho 1% đầu tiên, chúng tôi tin rằng HGP2 sẽ khởi đầu một sự thay đổi mô hình lâu dài hướng đến y tế công chính xác trên toàn cầu," nhóm nghiên cứu cho biết trong bài báo.

    "Điều này sẽ mở cánh cửa cho phần còn lại của nhân loại sử dụng bộ gen của mình để sống khỏe mạnh hơn và lâu hơn, hiện thực hóa tầm nhìn của HGP" , nhóm nghiên cứu cho hay.

    HGP được khởi động vào năm 1990 dưới sự lãnh đạo của bác sĩ di truyền học người Mỹ Francis Collins, với tài trợ từ Bộ Năng lượng Mỹ và Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH).

    Trang web của NIH mô tả về thành tựu HGP được hoàn thành vào năm 2003, rằng: "Nỗ lực quốc tế nhằm giải trình tự 3 tỷ chữ cái DNA trong bộ gen người được nhiều người coi là một trong những công trình khoa học tham vọng nhất mọi thời đại, thậm chí còn hơn cả việc phân tách nguyên tử hoặc đưa con người lên Mặt trăng".

    Nỗ lực khi đó có sự tham gia của các nhà khoa học từ các viện ở Anh, Trung Quốc, Pháp, Đức và Nhật Bản, cũng như các viện của Mỹ bên ngoài NIH. Họ được gọi là Liên đoàn Giải trình tự bộ gen người quốc tế.

    Trung Quốc giải trình tự gen 1% dân số thế giới để tìm cách sống lâu- Ảnh 2.

    Một kỹ thuật viên làm việc tại phòng thí nghiệm thử nghiệm gen của BGI. (Ảnh: Reuters)

    Tại Trung Quốc, Tập đoàn BGI, một công ty nghiên cứu hệ gen có trụ sở ở thành phố Thâm Quyến, được thành lập vào năm 1999 như một trung tâm nghiên cứu di truyền để tham gia vào HGP.

    Năm nhà khoa học từ Tập đoàn BGI cùng với hai nhà nghiên cứu từ Đại học Phục Đán và Đại học Bắc Kinh, là thành viên trong nhóm quốc tế gồm 21 thành viên đứng sau đề xuất HGP2.

    Các nhà khoa học Trung Quốc cho biết mục tiêu của họ là biến dự án trở thành một "liên minh nghiên cứu toàn cầu" hỗ trợ sự hợp tác quốc tế.

    "Cần tránh nỗ lực dư thừa, nếu có thể, để cung cấp hỗ trợ tối đa cho các sáng kiến khoa học hiện có; liên minh nghiên cứu này sẽ thúc đẩy khoa học nhóm chứ không phải cạnh tranh" , các nhà khoa học Trung Quốc nói. "Chúng tôi hy vọng rằng đề xuất này sẽ truyền cảm hứng cho các sáng kiến quốc gia kiểu mẫu để sớm được tổ chức và hợp tác xung quanh các nguyên tắc của HGP2".

    Các nhà nghiên cứu cho biết hầu hết nguồn tài trợ cho dự án “sẽ đến từ các ngân sách sáng kiến quốc gia hiện tại và tương lai” và họ sẽ hợp tác với Tổ chức Y tế Thế giới và Liên Hợp Quốc để được hỗ trợ tài trợ.

    Họ cũng sẽ tổ chức một sáng kiến tài trợ quốc tế giống như Ngân hàng Thế giới cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình tham gia vào dự án để "tất cả đều có thể mang lại quy mô và sự đại diện cần thiết" cho nỗ lực toàn cầu.

    "Khi chi phí giải mã bộ gen bắt đầu giảm xuống dưới 100 USD, bộ gen cá nhân sẽ nhanh chóng trở nên phổ biến và dễ tiếp cận hơn" , các nhà nghiên cứu nói.

    Theo báo cáo năm 2011 của Battelle, tổ chức phi lợi nhuận về khoa học ứng dụng và công nghệ Mỹ, khoản đầu tư 3,8 tỷ USD của chính phủ Mỹ vào HGP đã thúc đẩy 796 tỷ USD trong sản lượng kinh tế của Mỹ, 244 tỷ USD trong thu nhập cá nhân cho người Mỹ và tạo ra 310.000 việc làm.

    Chỉ riêng trong năm 2010, ngành công nghiệp dựa trên hệ gen đã tạo ra đủ thuế liên bang và tiểu bang để trang trải tổng số tiền đầu tư của chính phủ, trong khi báo cáo cũng lưu ý những tác động tiềm năng to lớn của việc giải mã bộ gen người trong y học, nông nghiệp, năng lượng và môi trường.

    Báo cáo cho biết: "HGP có thể được coi là khoản đầu tư có ảnh hưởng lớn nhất từng được thực hiện trong khoa học hiện đại và là nền tảng cho sự tiến bộ trong khoa học sinh học trong tương lai".

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ