Trung Quốc 'rục rịch' muốn số hóa đồng Nhân dân tệ: Đây mới chính là lý do quan trọng nhất!
Dù có cùng chức năng như các công cụ thanh toán trực tuyến hiện nay, nhưng đồng tiền điện tử do chính phủ Trung Quốc phát hành lại hoàn toàn khác biệt với các công cụ thanh toán này.
- Microsoft lộ bằng chế nghe như phim viễn tưởng: Tận dụng sóng não của người dùng Internet để...đào tiền ảo
- Tiền ảo Trung Quốc: Ngân hàng trung ương phát hành, Alibaba và Tencent thúc đẩy, khả năng xử lý giao dịch gấp nhiều lần Libra của Facebook
- Trung Quốc vội vã phát hành nhân dân tệ phiên bản kỹ thuật số, đã đến lúc nói lời từ biệt với hệ thống ngân hàng và tiền tệ mà chúng ta từng biết?
Dù vẫn đang là một quốc gia nổi tiếng với sự phổ biến của các hoạt động thanh toán điện tử, nhưng chính phủ Trung Quốc còn muốn đi xa hơn thế. Các báo cáo từ SCMP cho thấy, Trung Quốc đang phát triển một đồng "Nhân dân tệ phiên bản kỹ thuật số" và đã bắt đầu thử nghiệm ứng dụng di động dành cho đồng tiền này từ nhiều tháng nay tại các ngân hàng do Nhà nước quản lý.
Có tên gọi DC/EP (viết tắt của Digital Currency/Electronic Payment), về cơ bản, phiên bản tiền điện tử của đồng Nhân dân tệ này cũng có một số chức năng giống như các nền tảng thanh toán trực tuyến Alipay của Alibaba và WeChat Pay của Tencent, khi cho phép dùng ứng dụng trên smartphone để thực hiện việc thanh toán không dùng tiền mặt. Hơn nữa, ứng dụng này cũng liên kết với số tiền trong thẻ ngân hàng của người dùng, tương tự như các ứng dụng trên.
Trung Quốc vốn đã có nhiều công cụ thanh toán trực tuyến, không dùng tiền mặt.
Vậy đồng Nhân dân tệ phiên bản điện tử này có khác biệt gì so với các hình thức thanh toán điện tử thông thường và tại sao Trung Quốc lại theo đuổi việc số hóa đồng nội tệ của mình như vậy?
Đồng DC/EP có gì khác biệt so với các nền tảng thanh toán trực tuyến khác?
Dù có hình thức sử dụng tương đối giống với các nền tảng thanh toán trực tuyến khác, nhưng DC/EP có một khác biệt quan trọng. Nó vẫn có thể thực hiện hoạt động ngay cả trong trường hợp không có mạng Internet. Nhờ chức năng có tên "touch and touch", hai người dùng có thể chạm điện thoại của họ vào nhau để thực hiện chuyển tiền mà không cần có Internet.
Ngoài ra, một khác biệt nữa là với loại tiền điện tử này, người dùng không bắt buộc phải thông qua hệ thống ngân hàng để thực hiện việc chuyển tiền như các nền tảng thanh toán trực tuyến khác. Số tiền trong tài khoản ngân hàng của người dùng có thể chuyển đổi thành tiền mặt kỹ thuật số với tỷ lệ 1 đổi 1. Với số tiền mặt kỹ thuật số này, người dùng có thể thực hiện giao dịch, nắm giữ tiền ngay trên điện thoại mà không cần thông qua ngân hàng thương mại nào.
Ảnh chụp màn hình được cho là phiên bản thử nghiệm của đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số
Hơn nữa, dù AliPay và WeChat Pay có phổ biến đến đâu đi nữa, nó vẫn là 2 nền tảng thanh toán riêng biệt của 2 công ty thương mại. Người dùng Trung Quốc hoàn toàn có thể gặp phải trường hợp chỉ chấp nhận thanh toán từ một trong hai nền tảng này, hoặc chỉ nhận thanh toán tiền mặt, làm bất tiện hơn cho việc thanh toán. Trong khi đó, DC/EP lại do ngân hàng Trung ương Trung Quốc phát hành nên có thể dùng trong bất kỳ giao dịch nào.
Nói tóm lại, DC/EP giống như một sự kết hợp giữa đồng Nhân dân tệ tiền mặt với các ưu điểm của công nghệ thanh toán trực tuyến hiện nay.
Tại sao Trung Quốc lại muốn phát hành đồng tiền điện tử này?
Một đồng tiền kỹ thuật số do Nhà nước phát hành sẽ tạo nên một cuộc cách mạng trong khả năng giám sát hoạt động thanh toán và hệ thống tài chính trên phạm vi cả nước. Điều này đặc biệt quan trọng khi các quan chức nước này muốn có thêm sức mạnh trong việc theo dõi công dân nước mình sử dụng tiền như thế nào.
Theo ông Xu Yuan, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Tài chính Kỹ thuật số của Đại học Peking, từ quan điểm quản lý, sự xuất hiện của một đồng tiền kỹ thuật số khả dụng trên cả nước sẽ cho phép mọi giao dịch thanh toán đều có thể thực hiện trực tuyến. Điều đó nghĩa là mọi dòng tiền mặt trong xã hội đều có thể bị truy nguyên về nguồn gốc của nó.
Khi ngày càng nhiều hoạt động kinh doanh và giao dịch tài chính đều được thực hiện trực tuyến, lúc này thông tin về dòng tiền và dữ liệu tín dụng sẽ được lưu trữ trong một cơ sở dữ liệu chung. Cơ sở dữ liệu này có thể được kiểm tra theo thời gian thực, được giữ lại các bản lưu kỹ thuật số và có thể dùng để kiểm tra xem công dân của mình có thực hiện hành vi rửa tiền, trốn thuế hoặc các hành vi phạm pháp khác hay không.
Ông Xu cho biết: "Về lý thuyết, cùng với việc ra mắt đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số, sẽ không có giao dịch nào các cơ quan quản lý sẽ không nhìn thấy – mọi dòng tiền đều hoàn toàn có thể truy nguyên được."
Từ lâu, việc tăng cường quản lý mọi mặt của xã hội thông qua việc theo dõi hoạt động của các công dân đã luôn được chính phủ Trung Quốc chú trọng. Với việc số hóa đồng nội tệ của mình, điều này sẽ càng trở nên thuận tiện hơn nữa, đặc biệt là khi đồng Nhân dân tệ phiên bản kỹ thuật số này thay thế hoàn toàn lượng tiền mặt hiện nay trong lưu thông.
Đại dịch Covid-19 vừa qua càng trở thành chất xúc tác để tăng tốc việc phổ cập thanh toán không tiếp xúc do các mối lo ngại việc dùng tiền giấy có thể làm gia tăng khả năng truyền virus corona mới. Không những thế, các chi phí liên quan đến việc phát hành tiền giấy cũng ngày càng được giảm bớt nhờ vào việc chuyển sang sử dụng tiền kỹ thuật số.
Chưa có thời gian ra mắt chính thức
Trung Quốc không phải nước đầu tiên muốn số hóa đồng nội tệ của mình. Trước đây, ngân hàng Trung ương Anh là một trong những tổ chức đầu tiên khởi đầu một cuộc thảo luận toàn cầu về số hóa đồng nội tệ.
Tuy vậy, Thụy Điển mới là nước đến gần nhất trong việc đưa ra một đồng tiền như vậy, khi thử nghiệm các giải pháp kỹ thuật cho một đồng krona điện tử vào năm 2020. Trước đó, vào tháng 11/2017, ngân hàng Trung ương Uruguay thông báo về việc bắt đầu phát hành thử nghiệm đồng peso Uruguay kỹ thuật số. Ngoài ra Ngân hàng Trung ương khu vực Eurozone, khu vực Đông Caribbean cũng từng đưa ra các sáng kiến tương tự.
Dù vậy, cho đến nay Trung Quốc có thể là nền kinh tế lớn đầu tiên trên thế giới hiện thực hóa sáng kiến này.
Hiện nay, Trung Quốc vẫn chưa công bố thời gian chính thức cho việc ra mắt hệ thống tiền điện tử DC/EP này, nhưng nhiều dự đoán cho rằng nó sẽ được giới thiệu công chúng trong năm 2020. Vào tháng Tư vừa qua, ảnh chụp màn hình được cho là của đồng tiền kỹ thuật số này đã được rò rỉ, tuy nhiên không có tuyên bố chính thức nào được đưa ra.
Nếu việc triển khai đồng tiền kỹ thuật số này trở thành sự thật, và trở nên phổ biến trong tương lai, nó không chỉ chuyển Trung Quốc sang một nền kinh tế không tiền mặt, mà còn có thể làm thay đổi nghiệp vụ, chức năng của các ngân hàng, cũng như cây ATM, khi người dân có thể trực tiếp vay tiền từ ngân hàng trung ương. Tuy nhiên, để đến được đó, vẫn còn một chặng đường dài phía trước.
Tham khảo SCMP
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google: Giải được bài toán 10 triệu tỷ tỷ năm chỉ trong 5 phút, chip lượng tử mới là bằng chứng về đa vũ trụ
Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là nhiều người trên cộng đồng mạng thế giới lại đang đồng tình với kết luận của Google.
Gần 2025 rồi mà vẫn dùng USB để lưu công việc thì quả là lỗi thời