Trung Quốc thắng Nhật Bản trong lĩnh vực ... bao cao su mỏng nhất thế giới

    PV,  

    Sau khi kiện đối thủ cạnh tranh, nhà sản xuất bao cao su Daming chỉ yêu cầu đối thủ trả khoản tiền bồi thường 1 NDT và gỡ bỏ sản phẩm sai sự thật.

    Cuộc chiến mới nhất giữa Nhật Bản và Trung Quốc đã lan cả vào phòng ngủ khi công ty của cả hai bên đều nhận mình sản xuất loại bao cao su mỏng nhất thế giới.

    Cụ thể vào thứ 2, tòa án tại quận Yuexiu của Quảng Châu, Trung Quốc đã yêu cầu công ty bao cao su của Nhật Bản là Okamoto phải ngay lập tức ngừng quảng cáo loại bao cao su của họ là loại mỏng nhất thế giới và thu hồi tất cả những sản phẩm để bao bì như vậy.

    Tòa án nói rằng hành động của phía Okamoto là vi phạm nguyên tắc về sự trung thực trong hoạt động kinh doanh và gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự cạnh tranh với loại bao cao su thương hiệu Aoni được sản xuất bởi Daming có trụ sở tại Quảng Châu.

    Trên thực tế doanh số bán bao cao su của Okamoto đã tăng đột biến thời gian gần đây một phần vì số lượng du khách Trung Quốc tới Nhật Bản tăng cao và mua loại bao cao su siêu mỏng này về nước. Trong khi đó, Daming - nhà sản xuất bao cao su được thành lập vào năm 1992 tuyên bố tính đến nay họ đã bán được 7 tỷ sản phẩm.

    Tháng 9/2014, Daming quyết định đâm đơn kiện Okamoto sau khi thiết lập thành công kỷ lục Guinness vào tháng 12/2013 về việc sản xuất loại bao cao su Aoni mỏng nhất thế giới. Theo ghi nhận của Guinness thì Aoni có độ dày là 0,036mm trong khi đó, của Okamoto là 0,038mm.

    “Chúng tôi đồng ý với kết luận của tòa án và không có ý định kháng cáo”, người phát ngôn của Okamoto nói.

    Người này nói rằng đã bắt đầu loại bỏ những sản phẩm có đề chữ “mỏng nhất thế giới” ngay khi phía Daming được xác nhận kỷ lục Guinness nhưng một vài sản phẩm vẫn vô tình còn sót lại.

    Điều đặc biệt là tòa án cũng đưa ra quyết định yêu cầu Okamoto trả khoản tiền bồi thường 1 yuan (khoảng hơn 3.000 VNĐ) cho Daming. Và đây là đề nghị từ chính phía nguyên đơn bởi họ cho biết việc này không quá ảnh hưởng tới tình hình kinh doanh của công ty.

    Phía Daming cho biết công ty hài lòng với kết quả này bởi “nó khiến người tiêu dùng biết được sự thật”. Bà nói thêm rằng kiện lên tòa án là một hành động “làm trong sạch thị trường và cho người tiêu dùng biết được thông tin”.

    Trước vụ việc này, các phương tiện truyền thông đều đồng tình cho rằng đây là chiêu PR "cao tay" của phía Daming. Một người bình luận rằng: "Đây quả là chiêu marketing tuyệt vời, rất nhiều người thậm chí chưa biết đến thương hiệu Daming".

    Theo Cafebiz / Trí Thức Trẻ

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày