Trung Quốc tự phá kỷ lục trong lĩnh vực tuabin gió: Ra mắt 'cỗ máy' cao bằng toà nhà 63 tầng, đứng vững trước cuồng phong và bão cực mạnh, giúp giảm 80.000 tấn CO2

    Vu Lam,  

    Một công ty Trung Quốc đã cho ra mắt mô hình tuabin gió ngoài khơi 26 MW mới, lớn nhất thế giới khi xét về cả công suất và kích thước.


      Dongfang Electric Corporation, nhà sản xuất thuộc sở hữu nhà nước, đã công bố về hình ảnh vỏ bọc phần đầu của tuabin khổng lồ chứa các thành phần tạo ra điện. Tuabin này được sẩn xuất tại nhà máy của công ty ở Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến, đông nam Trung Quốc. 

      Dongfang là công ty chuyên thiết kế, sản xuất và bán thiết bị điện cho các nhà máy thủy điện, nhiệt điện, hạt nhân, gió, hơi nước và nhiệt mặt trời.

      Theo thông báo của Dongfang, sản phẩm đột phá này được thiết kế để vận hành ở những khu vực có tốc độ gió từ 8 mét/giây trở lên và tuabin này cũng chịu được gió bão. 

      Hồi tháng 8, một công ty khác, Mingyang Smart Energy, đã lắp đặt mô hình tuabin gió 20 MW tại vùng ven biển Hải Nam và được cho là tuabin gió ngoài khơi lớn nhất thế giới. 

      Đầu năm nay, Dongfang đã lắp đặt một tuabin gió ngoài khơi công suất 18 MW tại một khu thử nghiệm thuộc tỉnh ven biển ở Sán Đầu, tỉnh Quảng Đông. Tuabin này có đường kính rotor 260 mét và diện tích quét là 53.000 m2, dự kiến sẽ tạo ra 72 GWh điện hàng năm, đủ cung cấp cho khoảng 36.000 hộ gia đình. 

      Trong khi đó, mẫu tuabin mới có đường kính cánh quạt 310 mét và diện tích quét tương đương 10,5 sân bóng đá, với trục cao 185 mét tức là bằng toà nhà 63 tầng. Theo công ty, với sức gió trung bình 10 m/s, một tuabin có thể tạo ra 100 GWh điện hàng năm và cung cấp cho 55.000 ngôi nhà. Công nghệ này sẽ giúp giảm 30.000 tấn than và 80.000 tấn khí thải CO2. 

      Điểm đặc biệt của tuabin này là khả năng chống ăn mòn cao và hệ thống chống bão kép, giúp “cỗ máy” có khả năng chịu được những cơn bão cực mạnh. Được thiết kế riêng cho các vùng ngoài khơi có tốc độ gió trên 8 mét/giây, tuabin giúp giảm chi phí năng lượng và đáp ứng các tiêu chuẩn của lưới điện. 

      Khi các quốc gia đang chuyển hướng khỏi nhiên liệu hoá thạch và hướng đến nguồn năng lượng tái tạo, các tuabin gió lớn như thế này ngày càng nhận được sự chú ý. Để khai thác sức gió ngoài khơi, các nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM) đang phát triển các tuabin kích cỡ lớn hơn, hiệu quả hơn và có khả năng cung cấp điện cho nhiều hộ gia đình với mỗi vòng quay của cánh quạt. 

      Tuy nhiên, các tuabin kích cỡ lớn chủ yếu do các công ty Trung Quốc sản xuất. Hàng loạt tuabin gió công suất lớn đã làm nổi bật vị thế dẫn đầu của Trung Quốc trong công nghệ tái tạo. Nước này đặt mục tiêu đạt mức phát thải carbon cao nhất vào năm 2030 và trung hoà carbon vào năm 2060. Do đó, năng lượng gió là một phần thiết yếu trong quá trình này.

      Hồi tháng 9, Sany Renewable Energy, nhà sản xuất thiết bị hạng nặng đa quốc gia của Trung Quốc, vận hành tuabin gió 15 MW ở tỉnh Cát Lâm. Mô hình SI-270150 này có đường kính rotor 270 mét và cánh quạt dài 131 mét, tạo ra đủ điện cho 160.000 hộ gia đình mỗi năm. Đây là tuabin trên bờ lớn nhất thế giới tính theo công suất. 

      Ngoài ra, công ty năng lượng tái tạo Mingyang Smart Energy đã lắp đặt tuabin gió ngoài khơi công suất đơn lớn nhất thế giới có tên MySE 18.X-20 MW. Đường kính rotor là 260 đến 292 mét, với tốc độ gió trung bình 8,5 mét/giây, tuabin có thể tạo ra 80 triệu kWh điện mỗi năm, cung cấp điện cho 96.000 hộ gia đình và giảm 66.000 tấn khí thải CO2. 

      Theo Interesting Engineering

      Tin cùng chuyên mục
      Xem theo ngày

      NỔI BẬT TRANG CHỦ