Trung Quốc từng dời cả 1 ngọn núi để Apple xây nhà máy sản xuất

    Mộc Tiên, Doanh nghiệp và Tiếp thị 

    Tuy ưu ái cho Apple nhưng Trung Quốc cũng đưa ra không ít yêu cầu khiến "nhà Táo" khóc dở mếu dở.

    Trong nhiều năm, Doug Guthrie là một trong những chuyên gia hàng đầu của Mỹ về thiết lập quan hệ làm ăn với Trung Quốc. Năm 2014, ông đầu quân cho Apple với nhiệm vụ tư vấn và định hướng hoạt động của công ty tại đất nước tỷ dân. Khi đó, ông đã tỏ ra lo ngại về hướng đi mới của Trung Quốc.

    Trung Quốc từng dời cả 1 ngọn núi để Apple xây nhà máy sản xuất - Ảnh 1.

    Dưới thời ông Tập Cận Bình, Guthrie cho rằng ít có công ty nào là mục tiêu lớn hoặc dễ bị tấn công như Apple. Phần lớn sản phẩm của họ được lắp ráp tại Trung Quốc. Nước này cũng là thị trường lớn thứ 2 của Apple trên toàn cầu.

    Ông bắt đầu thuyết trình về điều đó với các lãnh đạo Apple để cảnh báo. Theo ông, "Táo khuyết" không có kế hoạch B.

    Trung Quốc từng dời cả 1 ngọn núi để Apple xây nhà máy sản xuất - Ảnh 2.

    Doug Guthrie là một trong những chuyên gia hàng đầu của Mỹ về thiết lập quan hệ làm ăn với Trung Quốc.

    Tuy hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc vẫn sinh lời nhưng họ gặp không ít khó khăn với những chính sách, yêu cầu mới được ban hành.

    Samm Sacks, một chuyên gia về Trung Quốc chuyên tư vấn cho các công ty Mỹ, cho biết: "Các công ty phương Tây khi kinh doanh ở Trung Quốc luôn bị làm khó. Những thách thức đó thay đổi theo thời gian".

    Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã chặn quyền đăng ký LinkedIn sau khi trang web này không kiểm duyệt đủ nội dung chính trị. Apple đã thỏa hiệp với chính quyền nước này để "lấy lòng" nhà chức trách và duy trì hoạt động kinh doanh của mình. Tháng trước, New York Times cho biết để tuân thủ quy định mới về an ninh mạng của Trung Quốc, Apple chấp nhận xây dựng trung tâm dữ liệu tại Quý Dương để lưu trữ thông tin người dùng iCloud của đất nước tỷ dân.

    Trung Quốc từng dời cả 1 ngọn núi để Apple xây nhà máy sản xuất - Ảnh 3.

    Trung tâm dữ liệu của Apple tại Quý Dương.

    Apple nói rằng dữ liệu người dùng iCloud khi chuyển sang máy chủ địa phương sẽ được bảo đảm an toàn. Dù vậy, New York Times cho rằng việc đó không khác gì nhường phần lớn quyền kiểm soát cho chính phủ Trung Quốc. Về phần mình, "nhà Táo" bác bỏ nhận định trên.

    Khi là sinh viên năm 2 chuyên ngành Kinh tế học tiếng Quan Thoại tại Đại học Chicago, Guthrie đã tạm dừng việc học, vay tiền rồi chuyển đến Đài Loan. Ở đây, ông đạp xe cùng câu lạc bộ mỗi sáng, học tiếng Quan Thoại và dạy tiếng Anh vào buổi chiều.

    Sau khi lấy bằng Tiến sĩ tại Đại học California, ông giảng dạy ở Đại học New York năm 1997. Nhờ có nhiều nghiên cứu về tiềm năng kinh tế của Trung Quốc, ông được nhiều công ty tìm đến để tư vấn.

    Năm 2001, Apple mở dây chuyền sản xuất tại Trung Quốc. Dù chỉ hoạt động với quy mô nhỏ, các lãnh đạo Apple nhanh chóng nhận ra tiềm năng của quốc gia này. 3 năm sau, Apple mở rộng dây chuyền tại đây bằng một nhà máy sản xuất iPod – sản phẩm ăn khách của hãng thời đó.

    Trong một chuyến khảo sát địa điểm, người đứng đầu bộ phận hợp tác sản xuất của Apple đã chỉ vào một ngọn núi nhỏ và nói với hai giám đốc cấp cao khác rằng nhà máy sẽ được xây dựng ở đó. Hai người này tỏ ra bối rối vì nhà máy cần xây dựng và hoạt động sau 6 tháng.

    Thế nhưng chưa đầy 1 năm sau, khi các giám đốc trở lại Trung Quốc, ngọn núi đã biến mất, thay vào đó là nhà máy đang vận hành. Chính phủ Trung Quốc đã dời ngọn núi cho Apple.

    Nhiều năm sau đó, Trung Quốc đã chi hàng tỷ USD để thiết lập chuỗi cung ứng cho Apple, mở đường, tuyển dụng và xây nhà máy cũng như nơi ở cho nhân viên. Hiện nay, đa số iPhone, iPad và máy tính Mac của Apple đều được lắp ráp ở Trung Quốc.

    Sau khi nghỉ việc tại Trường kinh doanh của Đại học George Washington năm 2014, Guthrie làm việc cho Apple, tư vấn về hoạt động của công ty ở Trung Quốc. Thời điểm hiện tại, Guthrie (52 tuổi), là giáo sư tại Trường Quản lý Toàn cầu Thunderbird thuộc Đại học Bang Arizona.

    Khi bắt đầu làm việc tại Apple, Guthrie cho biết, các giám đốc cấp cao của hãng biết rằng họ phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc và muốn đa dạng hóa.

    Những năm gần đây, nhiều dây chuyền sản xuất là đối tác của Apple đã được mở tại Việt Nam, Ấn Độ nhưng CEO Tim Cook từng tuyên bố chuỗi cung ứng của họ vẫn sẽ tập trung tại Trung Quốc.

    Đối với Guthrie, lập trường đó khiến Apple dễ gặp rủi ro, đặc biệt là khi chính phủ Trung Quốc đang tìm cách gây sức ép lên các công ty Mỹ. Năm 2014, nước này ra chính sách giới hạn tỷ lệ lao động tạm thời trong lực lượng nhân công của một nhà máy xuống còn 10% và từ ngày đầu tiên áp dụng, Apple cùng các nhà cung ứng đã vi phạm.

    Tại nhà máy Foxconn ở Trịnh Châu, Trung Quốc, nơi sản xuất iPhone lớn nhất thế giới, công nhân tạm thời chiếm tới một nửa lực lượng lao động, theo báo cáo của China Labour. Apple cũng xác nhận rằng nhà máy đã phạm luật.

    Guthrie cho biết các giám đốc cấp cao của Apple khá lo lắng và bối rối. Họ biết rằng công ty không thể tuân thủ vì cần thêm nhân công để đáp ứng những thời điểm nhu cầu mua sắm tăng cao, chẳng hạn như kỳ nghỉ.

    Theo Guthrie, sự tập trung quá nhiều dây chuyền sản xuất của Apple tại Trung Quốc khiến công ty gặp rủi ro và có rất ít đòn chống đỡ. Ví dụ, có thời điểm chính phủ Trung Quốc muốn Apple cung cấp mã nguồn bảo mật của iPhone – đồng nghĩa với việc tạo ra "cửa sau" cho phép nhà chức trách vượt qua lớp bảo mật. Tuy nhiên, một lãnh đạo của Apple đã bác bỏ yêu cầu trên.

    Ngoài ra, Apple còn phải chú ý đến thứ hạng trong danh sách công ty có trách nhiệm xã hội hàng năm của Trung Quốc. Điểm số trách nhiệm xã hội của Apple tại đất nước tỷ dân tăng đều đặn. Từ 2016 đến 2020, thứ hạng của công ty nhảy từ 141 lên 30.

    Dù vậy, không phải lúc nào Apple cũng thành công trong việc từ chối yêu cầu của chính phủ Trung Quốc. Tim Cook từng đồng ý lưu trữ dữ liệu cá nhân của người dùng Trung Quốc trên máy chủ do chính phủ Trung Quốc sở hữu và vận hành.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ