Trung Quốc và tham vọng dẫn đầu thế giới về blockchain
‘Một thế hệ công nghệ mới với đại diện là AI, lượng tử, truyền thông di động, IoT và blockchain đang thúc đẩy các ứng dụng đột phá’, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu cuối năm 2019.
Khi chính phủ Trung Quốc chính thức ban lệnh cấm tiền ảo năm 2017, tương lai của công nghệ blockchain tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới không mấy tươi sáng. Tuy nhiên, phát biểu của Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình cuối năm 2019 đã xoay chuyển mọi thứ.
Hơn một năm sau, Trung Quốc ra mắt mạng dịch vụ Blockchain Service Network (BSN). Cả khu vực công và tư nhân ứng dụng blockchain cho nhiều mục đích khác nhau, như chuyển tiền, du lịch, thanh toán xuyên biên giới. Gần đây nhất, 21 nhà tù thông minh tại Giang Tô bắt đầu sử dụng blockchain để quản lý tù nhân.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng bắt tay vào phát triển đồng nhân dân tệ điện tử. BSN sẽ hỗ trợ việc sử dụng và phân phối nhân dân tệ điện tử.
Blockchain “phất” lên không đồng nghĩa với tiền ảo cũng như vậy. Chỉ vài tuần sau khi ông Tập Cận Bình kêu gọi đầu tư và nghiên cứu blockchain nhiều hơn, Trung Quốc khởi động chiến dịch trấn áp tiền ảo. Đồng thời, nước này không lãng phí thời gian khi tiếp tục chú trọng đến blockchain, xem đây là công nghệ quan trọng của tương lai. Blockchain được xếp ngang hàng với 5G, trí tuệ nhân tạo…
Nhìn chung, Trung Quốc vạch ra ranh giới rõ ràng giữa tiền ảo và công nghệ đứng sau nó – blockchain. Nếu như tiền ảo bị nghiêm cấm, blockchain và các ứng dụng công nghiệp lại được khuyến khích mạnh mẽ trong môi trường tương đối cởi mở.
Trung Quốc dùng blockchain làm gì?
Nhiều doanh nghiệp trong nước đang đầu tư vào blockchain, từ những tên tuổi “máu mặt” nhất đến những startup mới toanh, với hi vọng công nghệ này sẽ tạo ra đột phá cho các ngành công nghiệp hiện tại. Vài năm gần đây, một vài dự án độc nhất vô nhị đã xuất hiện, chẳng hạn đánh giá lòng trung thành qua blockchain. Các công ty cũng dùng nó trong các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, giúp truy vết nguồn gốc sản phẩm.
Dù vậy, blockchain chỉ được chính phủ ủng hộ mạnh mẽ từ năm 2020. Vào tháng 4/2020, Bộ Công nghiệp và công nghệ thông tin (MIIT) giới thiệu hội đồng blockchain quốc gia, quy tụ chuyên gia từ chính phủ, tổ chức, đại học và doanh nghiệp công nghệ để giúp thiết lập tiêu chuẩn khi sử dụng blockchain cho các ngành công nghiệp. Hội đồng có sự góp mặt của vài “ông lớn” như Ant Group, Baidu, JD.com, Tencent. Vài hãng đã để mắt tới blockchain được vài năm.
Ứng dụng rõ ràng nhất của blockchain là trong lĩnh vực tài chính, nhờ khả năng cắt giảm chi phí bằng cách phá vỡ hạ tầng tài chính vốn có. Ant Group cung cấp dịch vụ chuyển tiền dựa trên blockchain từ năm 2018 để chuyển tiền giữa Hong Kong và Philippines. Các ngân hàng cũng nghiên cứu các giải pháp fintech, trong đó có blockchain. Ngân hàng Thương nhân Trung Quốc đang dùng công nghệ này để thanh toán quốc tế và hỗ trợ các công ty quản trị đơn hàng chuỗi cung ứng.
Năm 2020, Ant đổi tên các giải pháp blockchain thành AntChain và cho biết nó đã dùng cho nhiều trường hợp, bao gồm cho thuê công nghệ thông tin, giao hàng, xử lý yêu cầu bồi thường bảo hiểm, quyên góp từ thiện.
Dịch Covid-19 trở thành chất xúc tác để blockchain phát triển. Dù Trung Quốc đã dùng mã y tế QR để truy vết mà không cần đến blockchain, công nghệ vẫn giúp xác minh nguồn gốc dữ liệu một cách dễ dàng. Chẳng hạn, Tencent hợp tác với công ty blockchain ShareRing để việc đi lại thuận tiện hơn. Tencent cung cấp hạ tầng đám mây để quản lý tài liệu, còn blockchain của ShareRing sẽ theo dấu nhiều thứ, từ thông tin di chuyển, đặt phòng khách sạn đến chính sách bảo hiểm.
Chính quyền tỉnh Quảng Đông dùng blockchain để sang Macau và ngược lại. Hai địa phương này dùng chung hệ thống QR, trong đó dữ liệu y tế được quản lý trên blockchaind để bảo đảm quyền riêng tư và tính ẩn danh của du khách.
Các startup cũng lấn sân vào blockchain, tăng mạnh từ năm 2018. Website phân tích mật mã LongHash ước tính gần 27.500 doanh nghiệp mới tại Trung Quốc sử dụng blockchain theo từng mức độ khác nhau, tăng 52% so với năm 2018. Theo Jesse Liu, Giám đốc Chiến lược tại CyberVein – công ty chuyên về lưu trữ dữ liệu trên nền blockchain, dường như cả xã hội thoát khỏi hoài nghi và theo đuổi công nghệ này, thu hút nhân tài và nguồn lực từ các ngành truyền thống nhờ có phát biểu của ông Tập Cận Bình.
BSN và đồng nhân dân tệ điện tử
Ý tưởng đằng sau BSN là cho phép liên thông giữa các giao thức blockchain khác nhau, chẳng hạn Bitcoin hay Ethereum. Các máy chủ chạy trên BSN sẽ tương thích với blockchain của bất kỳ thành viên nào tham gia mạng lưới. Theo sách trắng kỹ thuật BSN, mạng lưới thống nhất các blockchain, giúp các nhà phát triển sử dụng một chìa khóa duy nhất để triển khai ứng dụng phi tập trung (DApp) trên nhiều giao thức blockchain khác nhau. Bà Liu cho rằng đây là tính năng quan trọng nhất của BSN.
Bà chia sẻ: “Nếu các doanh nghiệp blockchain đào giếng, BSN sẽ xây các đường ống dẫn nước. Đào giếng tốn nhiều thời gian và sức lực, không có tính kết nối. Trong khi đó, xây dựng các đường ống dẫn nước hiệu quả hơn và tiết kiệm thời gian hơn, chúng cũng liên thông với nhau”. Nó cũng giúp giảm chi phí vì chi phí dựa trên số lượng giao dịch trên mỗi giây. Dù vậy, BSN vẫn tương đối mới mẻ và không đảm bảo thành công.
Một trong hai sáng kiến còn lại nhằm phục vụ cho tham vọng dẫn đầu blockchain của Trung Quốc là đồng nhân dân tệ điện tử. Cho đến nay, hơn 1,1 tỷ USD nhân dân tệ điện tử đã được Ngân hàng nhân dân Trung Quốc phát hành. Bắc Kinh công khai phát tín hiệu cho biết sẽ mở rộng đồng nhân dân tệ điện tử ra phạm vi quốc tế, với sự hỗ trợ của BSN.
Nhân dân tệ điện tử được xem như “huyết mạch” của chương trình nghị sự kinh tế quốc tế của Trung Quốc, được củng cố bằng việc mở rộng bằng hệ sinh thái kỹ thuật số bao gồm các công nghệ mới như 5G, công nghiệp 4.0, giám sát xã hội và kinh tế, hệ thống vệ tinh toàn cầu, liên lạc tự động giữa máy móc và thanht oán. Theo Viện Nghiên cứu chính sách nước ngoài Mỹ, nhân dân tệ điện tử và hạ tầng blockchain sẽ củng cố ảnh hưởng kinh tế và quyền lực mềm của Trung Quốc trên toàn cầu.
Trong kế hoạch 5 năm lần thứ 14, lần đầu tiên Trung Quốc nhắc đến blockchain. Theo kế hoạch và chiến lược phát triển tầm nhìn 2035, blockchain là một trong các “ngành công nghiệp kỹ thuật số mới” nên được “tận dụng và mở rộng”. Viện Tiêu chuẩn hóa điện tử Trung Quốc sẽ ban hành tiêu chuẩn toàn quốc cho blockchain vào năm 2022.
Tất nhiên, là một công nghệ mới nổi, blockchain không phải giải pháp cho mọi vấn đề. Không phải môi trường nào cũng phù hợp với blockchain. Tại Trung Quốc, hầu hết dự án blockchain cấp độ doanh nghiệp vẫn ở giai đoạn thử nghiệm. Thổi phồng tác dụng của blockchain một cách mù quáng sẽ gây ra các chi phí không cần thiết và thậm chí lãng phí nguồn lực xã hội.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung, Intel, Qualcomm tại hội thảo Innovate Viet Nam 2024: Nâng cao tinh thần đổi mới sáng tạo, AI vẫn là điểm nhấn cả chương trình
Nhiều tên tuổi lớn trong làng công nghệ thế giới vừa chia sẻ những thông tin quý báu về sự phát triển của công nghệ hiện tại và tương lai tại Việt Nam.
Năm 2024 rồi, nếu chưa sở hữu 148 con chip thì bạn đang nghèo hơn phần lớn dân số thế giới đấy