Trung Quốc vô địch thiên hạ về robot: Sản xuất hơn 6 triệu con/năm, có sản phẩm rẻ bằng 1/2 Nhật Bản, tiến tới để robot sản xuất robot

    Vũ Anh,  

    Robot Trung Quốc vô địch thế giới.

    Tại đây giống như một xưởng sản xuất với 3 dây chuyền lắp ráp, mỗi dây chuyền dài khoảng 10 mét. Trên các ngăn kệ, cánh tay robot màu trắng và xanh lá cây thoăn thoắt lấy ốc vít và bu lông lắp ráp các bộ phận chưa hoàn thiện. Chào mừng bạn đến với CGXI, công ty khởi nghiệp với 300 nhân viên có trụ sở tại Vô Tích, phía bắc Thượng Hải, chuyên sản xuất ‘cobots’ (viết tắt của ‘robot’ và ‘collaborative’), tức các robot công nghiệp nhỏ có khả năng làm việc cùng con người.

    CGXI hiện thực hóa giấc mơ robot sản xuất robot, song chưa đạt đến mức độ tự động hóa cao do khối lượng sản xuất còn nhỏ. Nhờ nguồn tài trợ từ một ngân hàng đầu tư đại chúng, startup này chuẩn bị ra mắt một nhà máy mới hoàn toàn tự động, triển khai dưới dạng quy trình công nghiệp ‘3.0’ để tối ưu hóa dây chuyền sản xuất quy mô lớn.

    Trung Quốc vô địch thiên hạ về robot: Sản xuất hơn 6 triệu con/năm, có sản phẩm rẻ bằng 1/2 Nhật Bản, tiến tới để robot sản xuất robot- Ảnh 1.

    Theo Liên đoàn Robot Quốc tế (IFR), đến năm 2022, Trung Quốc sẽ triển khai 290.000 robot công nghiệp, chiếm hơn một nửa tổng số robot lắp đặt trên toàn thế giới. Viện Điện tử Trung Quốc kỳ vọng thị trường này sẽ trị giá 11,5 tỷ USD (khoảng 10,7 tỷ euro) vào năm 2024.

    Được biết, CGXI đang đặt cược vào thị trường cobot bùng nổ. Không giống như những loại robot lớn cồng kềnh, phức tạp, những con robot nhỏ này dễ dàng hòa nhập vào dây chuyền sản xuất và làm việc chung với con người. CGXI dự định gia tăng lợi thế cạnh tranh về dịch vụ và phần mềm.

    “Chúng tôi đang cố tạo ra những cobot dễ sử dụng”, nhà sáng lập Ji Feng nói.

    Jiang Chao, nhà sáng lập kiêm CEO công ty robot di động Syrius cho biết các sản phẩm do Trung Quốc sản xuất có lợi thế về giá. Chẳng hạn, sản phẩm của một đối thủ Nhật Bản giá 10.000 yen (68 USD) cho mỗi kg tải trọng, thì sản phẩm của Syrius chỉ bằng một nửa.

    Trung Quốc vô địch thiên hạ về robot: Sản xuất hơn 6 triệu con/năm, có sản phẩm rẻ bằng 1/2 Nhật Bản, tiến tới để robot sản xuất robot- Ảnh 2.

    Tự động hóa tại nhà máy phản ánh công cuộc chuyển đổi lớn của Trung Quốc.

    Tự động hóa tại nhà máy phản ánh công cuộc chuyển đổi lớn. Với dân số trong độ tuổi lao động giảm kể từ năm 2010 trong khi tiền lương ngày càng tăng, Trung Quốc dường như không còn nhiều hấp dẫn đối với các công ty đa quốc gia tìm kiếm lao động giá rẻ. Để tiếp tục duy trì vị thế công xưởng của thế giới, đất nước này buộc phải thay đổi.

    Cơ quan chức năng nhận thức rõ điều này. Kết quả, hàng chục kế hoạch hỗ trợ đã được đưa ra ở cả cấp trung ương và địa phương. Ngay từ năm 2015, Quảng Đông, một tỉnh công nghiệp lớn ở phía đông nam Trung Quốc, đã thông qua kế hoạch trị giá 950 tỷ nhân dân tệ (123 tỷ euro) để “thay thế con người bằng robot”. Đến đầu năm 2023, chính phủ cũng tiếp tục công bố “Kế hoạch hành động Robot+” nhằm phát triển tự động hóa trong hầu hết các lĩnh vực kinh tế, từ công nghiệp đến nông nghiệp, y tế.

    Với 322 con robot trên 10.000 công nhân, Trung Quốc là quốc gia được trang bị tốt thứ năm trên thế giới, sau Hàn Quốc (1.000 trên 10.000), Singapore, Nhật Bản và Đức.

    Theo The Economist, Trung Quốc vẫn đang kiên trì phát triển robot hình người. Hồi tháng 11/2023, chính phủ thông báo kế hoạch sản xuất hàng loạt sản phẩm này vào năm 2025. Khoảng một nửa robot công nghiệp lắp đặt trên khắp thế giới được sản xuất ra tại Trung Quốc vào năm 2022, theo Liên đoàn Robot quốc tế.

    Nhiều robot mới lắp đặt của Trung Quốc là cánh tay cơ học, được lập trình để hàn, khoan hoặc lắp ráp bộ phận trên dây chuyền sản xuất. Trong năm 2022, Trung Quốc đã sản xuất hơn 6 triệu robot dịch vụ, giúp con người làm một số các công việc khác nhau. Chẳng hạn như tại một nhà hàng, thực khách được phục vụ bởi robot.

    Trung Quốc vô địch thiên hạ về robot: Sản xuất hơn 6 triệu con/năm, có sản phẩm rẻ bằng 1/2 Nhật Bản, tiến tới để robot sản xuất robot- Ảnh 3.

    Robot do Trung Quốc sản xuất đang nhanh chóng giành được thị phần ở châu Á, Bắc Mỹ, châu Âu và Trung Đông.

    Thực tế, độ tuổi trung bình của nông dân Trung Quốc là ngoài 50. Rất ít người trẻ muốn làm việc trên cánh đồng. Một số nước đương đầu với vấn đề tương tự thường phải nhập khẩu lương thực hoặc thuê lao động giá rẻ. Đối với Trung Quốc, robot có thể là giải pháp thích hợp.

    Theo KR Asia, robot do Trung Quốc sản xuất đang nhanh chóng giành được thị phần ở châu Á, Bắc Mỹ, châu Âu và Trung Đông. Theo dữ liệu từ Hiệp hội Công nghiệp Robot Hàn Quốc, tính đến năm 2022, hơn 70% robot dịch vụ tại đây được sản xuất tại đại lục.

    Kể từ khi kế hoạch Made in China 2025 được tung ra, Bắc Kinh đặt mục tiêu thay thế robot nhập khẩu bằng hàng nội địa. Theo MIR Databank, các nhà sản xuất địa phương đã tăng hơn gấp đôi thị phần, từ 17,5% năm 2015 lên 35,5% vào 2022. Hồi 2016, nhà sản xuất thiết bị gia dụng Trung Quốc Midea chi 4,5 tỷ euro để mua hãng robot Kuka (Đức), qua đó cho thấy sự quan tâm của nước này.

    Nhiều thương hiệu xe điện cởi mở hơn với chuỗi cung ứng nội địa. Một số đang thử nghiệm robot Trung Quốc dù còn một số hạn chế. Riêng BYD đã mua 20.000 robot năm 2022, trong đó có 1.000 cobot từ hãng Aubo, đối thủ CGXI”, Wang Feili, chuyên gia máy công cụ tại UBS Securities, cho biết.

    Theo: The Economist, Le Monde

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ