Trung Quốc xây nhà máy biến rác thải thành điện năng lớn nhất thế giới, nhưng lại khiến không khí thêm "bẩn"
Thậm chí, đây mới chỉ là một trong 300 nhà máy biến rác thải thành năng lượng mà chính phủ Trung Quốc có kế hoạch xây dựng trong 3 năm tới.
Chính quyền thành phố Thâm Quyến (Trung Quốc) đang lên kế hoạch giải quyết vấn đề ô nhiễm nghiêm trọng của mình bằng cách xây dựng một nhà máy biến rác thải thành năng lượng lớn nhất thế giới. Nhà máy này có thể xử lý 5.000 tấn rác thải mỗi ngày. Mục tiêu của nhà máy này là biến một phần ba lượng rác mỗi ngày của Thâm Quyến thành điện sử dụng được.
Các chuyên gia về môi trường thừa nhận đây không phải là một phương án tốt nhất cho môi trường bởi nhà máy này sẽ khiến lượng CO2 trong không khí tăng lên do hoạt động của nó. Tuy nhiên, ít nhất nó có những lợi ích khác bao gồm tiết kiệm đất đai cho mục đích chôn lấp rác và dọn dẹp được những bãi rác bất hợp pháp đã được xây dựng ở Thâm Quyến. Năm ngoái, một trong những bãi rác ở đây đã bị sập và cướp đi sinh mạng của hàng chục người.
Dự kiến, nhà máy sẽ bắt đầu hoạt động vào năm 2020. Những người thực hiện dự án này cho biết nhà máy này thực chất thiên về một giải pháp cho vấn đề rác thải tồn đọng quá nhiều tại Thâm Quyến, năng lượng chỉ là một sản phẩm có ích đi kèm. Thậm chí, đây mới chỉ là một trong 300 nhà máy biến rác thải thành năng lượng mà chính phủ Trung Quốc có kế hoạch xây dựng trong 3 năm tới. Hiện có rất nhiều cuộc tranh luận về việc liệu những nhà máy này có thật sự thân thiện với môi trường hay không, mặc dù rất nhiều nước trên thế giới đã sử dụng phương pháp này.
"Các nhà máy đốt rác tạo điện thực chất không phải là một giải pháp cho vấn đề năng lượng" - Chris Hardie, một kỹ sư đến từ công ty Schmidt Hammer Lassen Architects có trụ sở tại Đan Mạch đã thắng cuộc thi thiết kế nhà máy ở Thâm Quyến, cho biết - "Thêm vào đó, lượng khí nhà kính phát thải từ các bãi rác phân hủy là khoảng gấp đôi lượng CO2 từ các lò đốt. Nhà máy này là một cách đối phó với rác thải không có nơi xử lý phù hợp hiện nay và sử dụng quy trình này để tạo ra điện như một sản phẩm phụ. Thành phố Thâm Quyến chắc chắn phải phát triển theo hướng giảm thiểu lượng rác thải ra nhiều hơn nữa, phát triển thêm nguồn năng lượng tái tạo. Chúng tôi đang đề xuất đây sẽ là nhà máy đầu tiên có phát triển nguồn năng lượng tái tạo đi kèm".
Nhà máy đốt rác thành điện lớn nhất thế giới.
Ý tưởng mà Chris Hardie đề cập đến chính là xây dựng một nóc nhà máy kéo dài khoảng 1,6km với khoảng 44.000 mét vuông phủ tấm pin Mặt Trời. Nếu như triển khai theo hướng này, nhà máy sẽ không chỉ xử lý rác thải, mà nó có thể cung cấp điện sạch và bền vững cho các thành phố xung quanh. Ngoài ra, người dân cũng có thể được tới nhà máy tham quan và xem cách nó hoạt động.
Ngoài ra, Chris Hardie nhấn mạnh rằng vấn đề rác thải mà Thâm Quyến phải đối mặt là do công tác tuyên truyền và giáo dục chưa hiệu quả. Kỹ sư đến từ Đan Mạch đã lấy ví dụ về việc hút thuốc trong thập niên 60 của thế kỷ trước khi hầu hết mọi người đều hút và chỉ đến khi chúng ta biết về những tác hại của thuốc lá đối với cơ thể, chúng ta mới ngừng hành động đó lại. Tương tự với rác thải, nếu không ai nhận ra những thiệt hại và sự lãng phí mà nó gây ra, có lẽ con người sẽ không dừng việc tạo ra rác thải và vứt chúng ra đường.
Mặc dù không thực sự là một cách thức vẹn toàn, nhà máy đốt rác đang là phương án khả dĩ để xử lý tình trạng "rác đè chết người" tại Thâm Quyến vào thời điểm này. Quan trọng nhất là Trung Quốc cũng cần tập trung vào việc ngăn chặn những bãi rác mọc lên trong tương lai. Đốt rác là phương pháp phổ biến nhất của thế giới hiện đại. Chúng ta có quyền hi vọng trong tương lai, sẽ có nhiều phương pháp hiệu quả, an toàn hơn, và chúng ta sẽ được sống trong một thế giới không rác thải.
Tham khảo ScienceAlert
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"