Trước khi được thuần hóa, những thực phẩm chúng ta vẫn ăn hàng ngày trông như thế nào?

    May,  

    Sau hàng ngàn năm chọn giống và thuần hóa, con người đã tạo ra được những loại cây trồng, vật nuôi thơm ngon, bổ dưỡng và cho năng suất cao như ngày nay.

    Bạn có biết rằng hầu hết những thực phẩm mà bạn mua ở các chợ, siêu thị hay thậm chí là tự nuôi trồng đều đã được con người thuần hóa từ hàng ngàn năm qua. Việc thuần hóa động thực vật đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong sự tiến hóa của con người và dẫn tới sự thay đổi lớn trong nền văn hóa nhân loại cũng như sự phát triển của quần thể loài người.

    Nhưng việc thuần hóa động thực vật không đơn giản chỉ là cách ly động vật và thực vật trên cánh đồng, sau đó nhân giống chúng mà đó là cả một quá trình nỗ lực không ngừng nghỉ để hướng sự phát triển của các loài cho phù hợp hơn với nhu cầu của chúng ta. Kêt quả là những nguồn thực phẩm hoang dã đã được thuần hóa theo hướng ngày càng to hơn và ngon hơn.

    Cùng với đó, diện mạo của chúng cũng có những thay đổi đáng kể mà nếu đặt thực phẩm đã được thuần hóa và thực phẩm hoang dã cạnh nhau, nhiều người sẽ cảm thấy thật khó có thể tin rằng chúng là cùng một loài.

    Lợn

    Món thịt lợn rang cháy cạnh thì thơm ngon thật đấy nhưng nếu được "diện kiến" tổ tiên xa xưa của loài lợn thì ít ai có đủ can đảm để tiếp tục thưởng thức món ăn này. Người ta cho rằng lợn nhà là một phân loài từ tổ tiên hoang dã của chúng là lợn rừng. Những con lợn rừng rất linh hoạt nhưng cũng vô cùng hung dữ. Chúng có bộ nanh sắc nhọn có thể khiến đối phương phải đổ máu.

    Từ những đặc điểm này mà lợn nhà cũng rất nhanh nhẹn, chúng còn có khả năng ăn bất cứ thứ gì. Vì thế, người ta thường nuôi nhốt lợn trong chuồng chứ không nuôi thả vì chúng có thể ngốn sạch các quần thể hoang dã khác. Khoảng hơn 10.000 năm trước, loài người đã bắt đầu quá trình chuyển hóa lợn rừng thành lợn nhà hiện đại, bắt đầu cả ở Tây Á và Trung Quốc, sau đó mở rộng trên toàn thế giới.

    Ở thời điểm đó, loài lợn có tấm lưng nhẵn nhụi, đạt được trọng lượng khá lớn và chúng có thói quen ở trong chuồng khi trời nắng. Thịt lợn nhà được thuần hóa hiện nay không chỉ thơm ngon mà còn rất tốt cho sức khỏe. Bên cạnh đó, lợn còn là nguồn cung cấp nội tạng cấy ghép vô hạn cho con người. Hơn nữa, lợn cũng được xếp vào một trong những loài động vật có khứu giác nhạy nhất hành tinh bởi chúng sử dụng mũi là công cụ để "đánh hơi" thức ăn.

    Cà rốt

    Những củ cà rốt mà bạn thấy ngày nay đều có màu cam, đây được xem là ví dụ điển hình về sự tác động của con người lên cây trồng và tạo nên một nền nông nghiệp phát triển như ngày nay. Cà rốt hoang dã có lẽ được khởi nguồn từ Ba Tư, là loại củ màu trắng hoặc màu tím, có nhiều rễ nhỏ, cứng hơn và đắng hơn so với loại cà rốt mà chúng ta ăn hiện nay.

    Việc thuần hóa cà rốt mất đến cả vài thế kỷ nhưng bước ngoặt quan trọng nhất đó là khi người ta tạo ra được giống cà rốt có màu cam như hiện nay. Ngoài màu da cam, cà rốt còn có màu vàng, màu trắng và màu tím. Theo thống kê chưa đầy đủ thì trên toàn thế giới hiện có khoảng hơn 20 loại cà rốt.

    Dưa hấu

    Chúng ta đã quá quen thuộc với vị ngọt ngào của những quả dưa hấu ruột đỏ phải không? Nhưng có lẽ đã đến lúc bạn nên đặt câu hỏi về nguồn gốc của chúng sau khi được xem bức tranh tĩnh vật vẽ hoa quả (Still Life With Fruit) của họa sĩ Giuseppe Recco. Trong bức tranh của ông có rất nhiều loại trái cây và rau quả, dường như có một quả dưa hấu nằm ở góc dưới bên phải. Nhưng ruột bên trong của nó không phải màu đỏ đồng nhất như chúng ta thấy hiện nay mà là màu trắng xen lẫn đỏ.

    Thoạt nhìn thì có vẻ giống như quả dưa hấu chưa chín hiện nay, nhưng khi quan sát kỹ, bạn sẽ thấy các hạt màu đen căng mẩy. Điều này có nghĩa là quả dưa hấu đã chín muồi. Và đó chính là màu sắc của trái dưa hấu đầu tiên. Trông quả dưa hấu này cũng khá đẹp mắt đấy chứ, mặc dù có thể nó chẳng ngọt được như dưa hấu ngày nay.

    Đào

    Người Trung Quốc đã thuần dưỡng đào cách đây ít nhất 3.000 năm để có được giống đào thuần chủng như ngày nay. Những trái đào nguyên thủy có kích thước rất nhỏ, không có lông tơ và ít cùi thịt giống như quả anh đào. Đào nguyên thủy cũng không có vị ngọt như đào ngày nay.

    Cừu

    Cừu là một trong những loài gia súc được con người thuần hóa sớm nhất để nuôi lấy lông, da, thịt, mỡ và sữa. Cừu nhà có nguồn gốc từ những con cừu hoang dã với cái tên tuyệt đẹp "Mouflon". Những chú Mouflon thường sinh sống ở trên núi và thay vì có bộ lông màu trắng, dài như cừu nhà hiện nay thì lông của chúng khá ngắn và có màu nâu ánh đỏ, trông chúng chẳng khác nào những chú dê núi.

    Con người đã thuần hóa cừu cách đây khoảng 10.000 năm nhưng phải mất đến hàng ngàn năm sau, chúng ta mới bắt đầu sử dụng sữa cừu, thịt cừu thay vì chỉ biết lấy lông cừu làm len.

    Một tác động nữa của việc thuần hóa động vật đó là cừu hiện đại có chân ngắn hơn, đầu thì to hơn so với tổ tiên cũng như anh em hoang dã của chúng.

    Ngô

    Kể từ khi được gieo trồng cách đây 9.000 năm, ngô được xem là loài thực vật có nhiều biến đổi ấn tượng nhất. Tổ tiên của loài ngô chính là cây cỏ dại có tên Teosinte. Tuy nhiên, loài cỏ này lại chẳng có chút đặc điểm nào giống ngô hiện đại cả, Teosinte gần như không thể ăn được, hạt của nó cực kỳ cứng đến nỗi mà người ta phải dùng đá đập nhiều lần thì mới lấy được phần thịt hạch mềm bên trong.

    Khi những cư dân châu Âu bắt đầu trồng ngô thì họ đã thuần hóa để ngô dễ trồng hơn, cho bắp to và ngọt hơn.

    Ở thời điểm hiện tại, loài người vẫn nỗ lực để thuần hóa ngô nhưng thay vì mục đích cải biến ngô ngon hơn, mềm hơn thì sẽ là làm cho chúng cứng cáp hơn, chịu được khô hạn tốt hơn để chống chọi được với những biến đổi khắc nghiệt của thời tiết.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ