Trước ‘ông vua’ phần mềm Bill Gates, thế giới đã có một ‘ông trùm’ khoa học hiện đại: Cũng bỏ học giữa chừng, vài năm sau là làm nên nghiệp lớn

    Thùy Bảo, Nhịp sống thị trường 

    Nếu Bill Gates bỏ học đại học Harvard để thành lập nên công ty công nghệ hàng đầu Microsoft thì trước vị tỷ phú, có một vĩ nhân cũng đã làm điều tương tự để thay đổi hoàn toàn thế giới.

    Ngày này năm xưa, 15/2/1564, nhà Thiên Văn học, Toán học, Vật lý nổi tiếng thế giới Galileo Galilei ra đời. Ông được mệnh danh là “cha đẻ” hay ông trùm của khoa học hiện đại.

    Từ cậu bé đa tài tới chàng trai bỏ học đại học 

    Galileo Galilei sinh ra tại thành phố Pisa, nước Ý. Ông là con cả của gia đình có sáu người con. Để con mình thành đạt, cha của ông đã có kế hoạch dạy bảo rất cẩn thận. Galilei được bố dạy tiếng Hy Lạp và Latin cũng như nhiều tri thức khác, ngoại trừ toán học.

    Từ nhỏ, ông đã rất chăm chỉ và tiếp thu kiến thức rất tốt. Ông có khả năng chơi đàn, vẽ tranh hay thậm chí là làm đồ chơi. Sau này, theo nguyện vọng của cha, ông đã theo học y khoa tại trường đại học Pisa. Tuy nhiên, ông lại không yêu thích ngành học này mà thay vào đó là say mê các kiến thức toán học, khoa học cũng như chiêm tinh học.

    Trước ‘ông vua’ phần mềm Bill Gates, thế giới đã có một ‘ông trùm’ khoa học hiện đại: Cũng bỏ học giữa chừng, vài năm sau là làm nên nghiệp lớn - Ảnh 1.

    Đại học Pisa ngày nay

    Trong năm đầu tiên học đại học, khi đang quan sát một đèn treo đu đưa ở nhà thờ Pisa, ông đã đã nhận ra rằng chiếc đèn luôn luôn mất cùng một thời gian để thực hiện một dao động dù phạm vi đu đưa rộng hay hẹp. Điều này sau đó đã được ông thí nghiệm và đề xuất ra nguyên lý con lắc trong điều tiết đồng hồ.

    Một bước ngoặt trong cuộc đời Galilei là vào năm 1585, ông đã thôi học và không nhận được bằng tốt nghiệp. Sau đó ông đã quyết định theo đuổi đam mê, tham gia nghiên cứu toán học và kiếm tiền bằng nghề gia sư dạy toán.

    Tương tự với Galilei, thế giới trong nhiều năm sau cũng đã chứng kiến một viễn cảnh tương tự khi tỷ phú Bill Gates bỏ Harvard để theo đuổi đam mê cũng như thành lập công ty phần mềm Microsoft.

    Vào năm 1586, Galilei đã công bố một luận văn liên quan đến cân thủy tĩnh. Chính luận văn này đã giúp ông nổi tiếng khắp nước Ý. Sau này, Galilei đã được mời làm giảng viên toán học tại đại học Pisa, chính ngôi trường mà ông đã không thể tốt nghiệp.

    Hành trình thay đổi thế giới

    Galileo Galilei đã từng bước đi trên con đường trở thành một trong những vĩ nhân có tầm ảnh hưởng nhất trong lịch sử thế giới. Sau khi thành công với luận văn cân thủy tĩnh, ông đã sáng chế ra nhiều công trình lịch sử khác.

    Năm 1592, Galilei được bổ nhiệm chức danh giáo sư toán học tại đại học Padua. Ông đã có những chuyến viếng thăm thường xuyên đến Arsenal, cảng nội địa nơi tàu bè Venice hay lui tới. Tại đây ông đã nghiên cứu về các máy cơ học.

    Năm 1594, Hội đồng thành phố Venice đã trao cho ông bằng sáng chế cho một dụng cụ đưa nước lên cao do một con ngựa điều khiển. Phát minh này có tên là “máy bơm Galileo” và trở thành cơ sở của các máy bơm hiện đại sau này.

    Chưa hết, tài hoa của ông chưa dừng lại ở đó. Ông cũng đã chứng minh rằng các vật bị ném trong không khí sẽ được chuyển động theo hình parabol. Ông cũng là người khai sinh ra chiếc nhiệt kế nước thô sơ và giúp thế giới biết đến khái niệm đo nhiệt độ hay chế tạo ra la bàn.

    Ông cũng khẳng định không hề có việc vật nhẹ thì rơi chậm, vật nặng thì nhanh. Nếu không có lực cản của không khí thì các vật sẽ rơi xuống cùng một lúc. Những sáng kiến đó của nhà khoa học vĩ đại đã làm tiền đề cho sự phát triển của thế giới sau này.

    Ngoài ra, công trình mang tính lịch sử của ông không thể không nhắc tới kính thiên văn. Thực ra, Galilei không phát minh ra kính thiên văn, nhưng ông đã thực hiện cải tiến lớn đối với chúng. Năm 1609, ông đã công bố các thiết kế kính thiên văn mà ngày nay được gọi chung là Kính thiên văn Galileo.

    Trước ‘ông vua’ phần mềm Bill Gates, thế giới đã có một ‘ông trùm’ khoa học hiện đại: Cũng bỏ học giữa chừng, vài năm sau là làm nên nghiệp lớn - Ảnh 2.

    Cái thứ nhất là một kính thiên văn nhỏ phóng đại ba lần, sau đó là một chiếc có khả năng phóng đại 8 lần. Dù không phải người phát minh nhưng ông là người đã sử dụng kính thiên văn để nghiên cứu tổng quan về vũ trụ.

    Ông cũng đã có nhiều công bố có ích cho thế giới thông qua việc quan sát hàng loạt vì sao như sao Mộc, sao Kim hay mặt trăng. Ông cũng là người châu Âu đầu tiên quan sát được những vùng đen trên Mặt trời (sunspots) và cũng phát hiện ra rằng bề mặt Mặt Trăng lồi lõm và dải Ngân Hà là một tập hợp sao. Các quan sát thiên văn đầu tiên của ông được công bố năm 1610 trong tác phẩm “Sidereus Nuncius” (Sứ giả của các vì sao).

    Thông qua các quan sát của mình, nhà khoa học vĩ đại cũng đã thấy rằng, Trái đất đang quay xung quanh mặt trời chứ không phải là trung tâm của vũ trụ. Ông hoàn toàn ủng hộ học thuyết này của nhà thiên văn Ba Lan, Nicolaus Copernicus (1473-1573).

    Tuy nhiên học thuyết Copernicus đó được cho là làm trái ngược với giáo lý của Giáo hội Công giáo La Mã đang cai trị nước Ý lúc bấy giờ. Giáo hội cho rằng Trái đất là trung tâm của vạn vật chứ không phải Mặt Trời, do đó mọi học thuyết phản bác lại điều này đều bị coi là dị giáo.

    Cuối cùng, Giáo hoàng Urban VIII quyết định xử Galilei tội dị giáo và bắt ông phải chịu sự giám sát của nhà thờ trong suốt phần đời còn lại. Tương truyền rằng, sau khi bước ra khỏi cửa tòa án, Galileo Galilei đã bực tức nói to: “Dù sao Trái Đất vẫn quay”.

    Mãi sau này, học thuyết của Galileo Galilei mới được công nhận là đúng. Nhà thờ cũng đã giải tội cho ông. Từ đó, tên tuổi của ông cùng những cống hiến vĩ đại cho khoa học thế giới mới được công nhận và lưu truyền mãi về sau. Galileo Galilei mất ngày 8 tháng 1 năm 1642, hưởng thọ 77 tuổi, khép lại một hành trình cống hiến vĩ đại.

    Tổng hợp

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ