Cuộc chiến giữa truyền hình truyền thống với VOD khá giống với thời kỳ smartphone đổ bộ khiến feature-phone lụi tàn.
Khi công nghệ và internet ngày càng phát triển cũng là lúc truyền hình có những bước chuyển mình lớn để phù hợp với thời đại. Rất dễ hiểu khi ngày càng có nhiều dịch vụ (Video on Demand - VOD) truyền hình theo yêu cầu xuất hiện, không chỉ tại các nước lớn mà thậm chí ở Việt Nam cũng dần nhen nhóm.
Tại Mỹ, dịch vụ truyền hình theo yêu cầu nổi tiếng Netflix đã từng bước đánh bại truyền hình truyền thống. Mới đây nhất dịch vụ này tuyên bố hỗ trợ người dùng tại 130 quốc gia trong đó có cả Việt Nam và nhận được sự ủng hộ của nhiều người dùng. Có thể thấy trong tương lai, truyền hình truyền thống sẽ khó có thể trụ vững nếu không có những bước đi hợp lý.
VOD hoạt động như thế nào?
Có rất nhiều hình thức VOD được cung cấp hiện nay, trong đó phổ biến nhất là dịch vụ cung cấp qua tài khoản sử dụng trên máy tính, smartphone và hình thức cung cấp qua hộp giải mã (box). Cả hai hình thức trên đều nhận tín hiệu từ đường truyền internet thay vì đầu thu hoặc chảo thu tín hiệu.
Nếu hiểu một cách đơn giản, VOD không khác nhiều so với việc bạn đăng ký một tài khoản xem phim trực tuyến và sử dụng. Hiện tại các dịch vụ VOD tại Việt Nam đa phần được cung cấp qua hộp giải mã để xem trên TV như FPT Play Box, MyTV hay mới đây là Fim . Khi kết nối các box này với đường truyền internet, bạn có thể thoải mái xem truyền hình, truy cập kho phim tại bất kỳ thời điểm nào, đặc biệt VOD có cung cấp dịch vụ truyền hình xem lại (như FPT và MyTV), thuận tiện trong việc theo dõi chương trình yêu thích. Bên cạnh box thì nhiều dịch vụ như Netflix và Fim còn cho phép người dùng xem trên nhiều thiết bị như smartphone hay tablet với tài khoản online. Nội dung phim được các đơn vị quảng cáo là đảm bảo bản quyền với chất lượng từ HD, Full HD cho tới Ultra HD.
Ưu điểm của VOD so với truyền hình truyền thống
"Hậu sinh khả úy", câu này hoàn toàn đúng với VOD khi so sánh với truyền hình truyền thống. Nhưng đặt vị trí một người dùng thông thường, chúng ta chỉ cần quan tâm tới một số ưu điểm sau:
- Truyền hình xem lại: Tính năng này được nhiều người dùng cho là lợi thế lớn của VOD so với truyền hình truyền thống. Hãy thử tưởng tượng nếu như bạn muốn xem chương trình "Hãy chọn giá đúng" trên VTV nhưng vào thời gian phát sóng lại có việc bận, vậy làm thế nào để theo dõi lại trên TV? VOD sẽ giải quyết vấn đề này bởi dịch vụ có hệ thống máy chủ lưu tạm chương trình TV giúp khách hàng theo dõi bất cứ khi nào trong khoảng thời gian từ 24 - 48 tiếng sau khi phát sóng.
Anh Vũ, khách hàng sử dụng FPT Play Box cho biết: "Gia đình là fan "cứng" của phim "Cô dâu 8 tuổi" nhưng giờ phát sóng thường vào lúc đi vắng, có việc bận. Bình thường muốn xem phải lên mạng tìm kiếm và xem trên máy tính rất bất tiện. Mình quyết định lắp đặt VOD để giải quyết vấn đề bởi dịch vụ cho phép xem lại chương trình trong thời gian 48 tiếng đồng hồ, chỉ cần bật TV, sử dụng điều khiển để chọn chương trình là được. Với chi phí sử dụng hàng tháng khoảng 150.000 đồng cùng tính năng xem lại, mình thấy như vậy là hợp lý".
Tuy vậy, không phải dịch vụ VOD nào cũng cung cấp tính năng trên. Một số dịch vụ tại Việt Nam như DANet hay Fim chỉ cung cấp kho phim, không hỗ trợ kênh truyền hình nên trước khi lựa chọn dịch vụ phù hợp, bạn nên tìm hiểu kỹ thông tin cùng các gói cước khi cần thiết.
- Kho phim lớn có thể truy cập 24/24: Ưu điểm thu hút khách hàng trẻ tuổi của VOD chính là kho phim đồ sộ mà các dịch vụ này cung cấp. Cũng như những website xem phim trực tuyến, bạn có thể xem rất nhiều phim hay từ trong nước tới quốc tế thông qua VOD nhưng với chất lượng cao (HD, Full HD hay thậm chí UltraHD) cùng thuyết minh và phụ đề đi kèm, đặc biệt không phải đau đầu vì pop-up quảng cáo.
Hiện tại Netflix cung cấp kho phim quốc tế lớn, có thể xem tại Việt Nam với giá cước hợp lý nhưng chưa hỗ trợ phụ đề Việt, trong khi đó Fim cung cấp phim bản quyền nhưng mới dừng lại ở khoảng 1000 phim cả trong nước và quốc tế. Dịch vụ FPT Play Box cũng cung cấp kho phim với tần suất cập nhật nhanh, tuy nhiên do vấn đề bản quyền nên dịch vụ này hiện chưa thực sự có nhiều phim hấp dẫn. Theo thông tin chúng tôi có được, phía FPT đã đàm phán với một số bên nắm giữ bản quyền phim để cập nhật lại kho của mình trong khoảng giữa năm 2016.
Trao đổi với một khách hàng đang sử dụng dịch vụ VOD, chúng tôi được chia sẻ: "Việc sở hữu TV độ phân giải cao hiện nay đã quá phổ biến, nhu cầu xem TV cũng không còn như trước đây nữa. Không chỉ là việc bật TV lên và xem những kênh truyền hình phát sóng chương trình theo từng khung giờ, bật lên giờ nào sẽ xem chương trình giờ đó. Nhu cầu hiện nay cao hơn, xem TV đúng nghĩa giải trí, đúng nghĩa sản phẩm phục vụ mình, mở lên sẽ cần chọn được chương trình yêu thích, xem được bộ phim mình yêu thích thay vì thụ động đón nhận".
Vẫn có những khuyết điểm còn tồn tại
Khó có dịch vụ, sản phẩm nào hoàn hảo, VOD cũng không ngoại lệ. Khi sử dụng VOD đồng nghĩa với việc mạng internet phải luôn trong tình trạng ổn định và đường truyền tốc độ cao. Nếu như mạng lỗi, TV nhà bạn sẽ chỉ để... làm cảnh.
Đa phần dịch vụ VOD tại Việt Nam được cung cấp thông qua chính nhà cung cấp mạng, vì vậy khi đăng ký người dùng cũng được nâng băng thông để bảo đảm hình ảnh tốt nhất. Mức giá phổ biến của dịch vụ VOD gói truyền hình đi kèm ở Việt Nam dao động từ 140 - 220 nghìn đồng/tháng, giá của VOD chỉ có kho phim (như Fim , DANet) là 50.000 đồng/tháng. Riêng dịch vụ quốc tế Netflix có giá cao nhất, từ trên 180.000 đồng/tháng và không có kênh truyền hình.
Nếu như sử dụng dịch vụ VOD và kết nối internet ở thời điểm hiện tại, mỗi tháng tổng chi phí sẽ ở mức ~300.000 đồng. Dù có nhiều tiện ích nhưng giá cước còn cao so với truyền hình truyền thống vẫn là rào cản với nhiều người dùng.
Truyền hình truyền thống loay hoay tìm cách vực dậy
Cách đây khoảng 3 - 4 năm, truyền hình truyền thống vẫn giữ ngôi vương cùng nhiều ưu thế cạnh tranh, nổi bật nhất có lẽ là dịch vụ K và đầu thu VTC. Ví dụ như dịch vụ K có nhiều kênh truyền hình riêng đặc sắc, đặc biệt là việc mua độc quyền một số giải bóng đá như Ngoại hạng Anh,...
Nhưng có vẻ như cuộc chiến giữa VOD và truyền hình truyền thống sẽ giống với cuộc đổ bộ của smartphone khiến feature phone phải lùi bước.
Ở thời điểm ra mắt chiếc iPhone thế hệ đầu tiên của Apple, Nokia vẫn là hãng điện thoại ai ai cũng biết với nhiều chiếc máy nồi đồng cối đá như 1110i cho tới thế hệ N-series hay feature-phone màn hình cảm ứng 5800. Khi iPhone ra mắt, mọi người cười chê cười cho rằng nó không phù hợp vì chỉ sở hữu màn hình cảm ứng và 1 nút Home cứng trên mặt. Tuy nhiên iPhone đã khơi mào cho sự bùng nổ của smartphone chiến feature-phone dần mất vị thế của mình bởi những tính năng thời thượng cùng sự thuận tiện khi sử dụng.
VOD cũng tương tự như vậy, nó hội tụ những tính năng tiện dụng nhất ở thời điểm hiện tại, tăng trải nghiệm sử dụng TV tại nhà. Việc truyền hình truyền thống thất thế là điều hoàn toàn dễ hiểu.
"Gia đình tôi đã hủy thuê bao truyền hình VTC để chuyển sang dùng VOD vì chi phí hàng tháng của hai dịch vụ này không chênh nhau quá nhiều, trong khi đầu thu VTC chỉ có TV còn VOD có cả kho phim và chương trình TV có thể xem lại được. Sẵn có đường mạng cáp quang đang sử dụng, tôi thấy dùng VOD hợp lý hơn so với TV" - khách hàng Minh Tuấn (Lạc Trung, Hà Nội) cho biết.
Anh Tú (Hai Bà Trưng, Hà Nội) lại đổi sang VOD vì lý do khác: "Trước đây tôi đăng ký truyền hình K vì xem được bóng đá do họ mua độc quyền, tới nay họ vẫn có nhiều trận bóng hay mà kênh truyền hình khác không có. Thế nhưng từ khi dùng đến giờ tôi chỉ biết xem duy nhất kênh bóng đá vì nó đúng nhu cầu, các kênh truyền hình khác của K không phù hợp với sở thích của tôi. Với chi phí hơn 100.000 đồng/tháng mà chỉ xem bóng đá rất lãng phí nên tôi chuyển sang dùng VOD để sử dụng đúng nhu cầu hơn, khi đến mùa bóng có thể ra quán bia, quán cafe để xem cùng bạn bè cũng được".
Có thể thấy truyền hình truyền thống đang nỗi lực thay đổi mình để hi vọng không rơi vào tình cảnh như "feature-phone và smartphone". Gần đây nhất, dịch vụ truyền hình từng gây "sốt" một thời là K đã phải ra mắt dịch vụ "myK " để níu chân khách hàng khi nhân thấy rằng lợi thế độc quyền bóng đá của mình không còn được như trước đây. Dịch vụ này giúp người dùng xem được kênh truyền hình có trên gói K premiun với các thiết bị như smartphone hay tablet. Dù vậy, có vẻ như myK không thực sự hấp dẫn khi chỉ cung cấp truyền hình đơn thuần kèm lịch phát sóng, khó có thể hấp dẫn như những gì VOD mang tới.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Những tiểu tiết bạn có thể đã bỏ qua trong trailer The Witcher 4