Từ 2018, các hãng sữa phải ghi rõ sữa bò tươi hay sữa bột pha nước ngay trên vỏ hộp

    Hieu.D,  

    Đây chính là điểm chính quan trọng nhất trong thông tư mới ban hành về Quy chuẩn Kỹ thuật quốc tế QCVN 5:1-2017/BYT đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng do Bộ Y tế ban hành, nhằm thay thế cho Quy chuẩn cũ gây nhiều nhẫm lẫn.

    Hầu hết người tiêu dùng suốt trong nhiều năm qua đã rất do dự và nhầm lẫn khi chọn mua các sản phẩm sữa với những tên bao bì dễ gây hiểu nhầm.

    Đơn cử như tên gọi “sữa tiệt trùng” đã gây tranh cãi lớn trong thị trường các sản phẩm sữa từ trước đến nay, khi mà nguyên liệu sản xuất sữa tươi dạng lỏng chỉ đáp ứng được khoảng 30%, số còn lại phải nhập khẩu sữa bột về từ đó pha thành sữa nước để cung cấp cho thị trường.

    Thế nhưng thực chất, tên gọi “sữa tiệt trùng” lại không phải một tên gọi đúng đắn về sữa, mà chỉ là một biện pháp công nghệ trong quy trình sản xuất mà một số công ty sữa sử dụng để đặt tên cho các sản phẩm sữa bột pha lại.

    Nhiều người dùng vẫn nghĩ sữa ở đây chính là sữa tươi, thực tế lại không phải vậy, từ đó tình trạng chưa phân biệt được nguyên liệu sản xuất các sản phẩm sữa tiệt trùng, từ sữa bột hay sữa tươi, là hoàn toàn dễ hiểu.

    Từ 2018, các hãng sữa phải ghi rõ sữa bò tươi hay sữa bột pha nước ngay trên vỏ hộp - Ảnh 1.

    Tên gọi "sữa tiệt trùng" truyền thống gây khá nhiều nhầm lẫn cho người tiêu dùng

    Hiểu được điều đó, cũng như để bắt kịp với xu thế tiêu chuẩn của thế giới và giải quyết sự hiểu lầm trên, các cơ quan chức năng và Bộ Y tế đã ban hành Quy chuẩn mới QCVN 5:1-2017/BYT nhằm thay đổi khái niệm sữa dễ gây nhầm lẫn. Loại bỏ hoàn toàn khái niệm “sữa tiệt trùng”, thay vào đó sẽ sử dụng tên gọi “sữa hoàn nguyên”, “sữa pha lại” và “sữa hỗn hợp”.

    Cụ thể, những điểm quan trọng nhất trong Quy chuẩn mới quy định bao gồm định nghĩa rõ ràng các từ ngữ tên gọi sữa như sau:

    - Sữa tươi nguyên chất thanh trùng/tiệt trùng: Được chế biến hoàn toàn từ sữa tươi đã qua thanh trùng/tiệt trùng, không thêm hoặc tách bớt thành phần nào của sữa.

    - Sữa tươi nguyên chất tách béo thanh trùng/tiệt trùng: Là sữa tươi nguyên chất thanh trùng/tiệt trùng đã được tách chất béo.

    - Sữa tươi thanh trùng/tiệt trùng: Được chế biến chủ yếu từ sữa tươi nguyên liệu (sữa tươi nguyên liệu chiếm tối thiểu 90% tính theo khối lượng sản phẩm cuối cùng). Sản phẩm này có thể bổ sung các thành phần khác nhưng không nhằm mục đích thay thế các thành phần của sữa, đã qua thanh trùng/tiệt trùng.

    - Sữa tươi tách béo thanh trùng/tiệt trùng: Là sữa tươi thanh trùng/tiệt trùng đã được tách chất béo.

    Từ 2018, các hãng sữa phải ghi rõ sữa bò tươi hay sữa bột pha nước ngay trên vỏ hộp - Ảnh 2.

    Lựa chọn đúng sản phẩm sữa sẽ đem lại nhiều hiệu quả hơn cho chúng ta khi tiêu thụ sản phẩm này

    - Sữa hoàn nguyên thanh trùng/tiệt trùng: Sản phẩm dạng lỏng thu được bằng cách bổ sung một lượng nước cần thiết vào sữa bột hoặc sữa cô đặc để tái tạo tỷ lệ nước và chất khô thích hợp của sữa hoặc thu được bằng cách kết hợp chất béo sữa và chất khô không béo của sữa, có thể bổ sung nước để thu được thành phần thích hợp của sữa.Thành phần sữa hoàn nguyên chiếm tối thiểu 90% tính theo khối lượng sản phẩm cuối cùng.

    - Sữa hỗn hợp: Sản phẩm được chế biến từ hỗn hợp sữa tươi nguyên liệu, các sản phẩm sữa hoặc các thành phần của sữa. Sản phẩm này có thể bổ sung các thành phần khác nhưng không nhằm mục đích thay thế các thành phần của sữa, đã qua thanh trùng/tiệt trùng. Thành phần sữa hỗn hợp chiếm tối thiểu 90% tính theo khối lượng sản phẩm cuối cùng.

    Cách phân loại và gọi tên mới này dựa trên tiêu chuẩn của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế có tên tiêu chuẩn Codex chung về sử dụng các thuật ngữ đối với sữa (Codex 206 - 1999), là cơ sở phân biệt các sản phẩm sữa của nhiều Quốc gia trên thế giới đang áp dụng.

    Từ 2018, các hãng sữa phải ghi rõ sữa bò tươi hay sữa bột pha nước ngay trên vỏ hộp - Ảnh 3.

    Việc thay đổi tên gọi sữa sẽ giúp người tiêu dùng dễ dàng lựa chọn và mua sản phẩm sữa phù hợp với nhu cầu của mình hơn

    Đây là một tín hiệu tốt của Ngành sữa Việt nam, việc gọi đúng tên sẽ giúp người tiêu dùng hiểu được bản chất của từng loại sữa, lựa chọn đúng sản phẩm mình cần mua, tránh tình trạng nhầm tưởng mọi loại “sữa tiệt trùng” đều như nhau.

    Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia QCVN 5:1-2017/BYT đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng sẽ chính thức có hiệu lực từ 1/3/2018.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày