Từ chối lời mời ở lại Pháp, tiến sĩ 8X này về nước với mong muốn cứu người Việt khỏi ung thư bằng... con đường ăn uống
Dù được giữ lại làm việc tại Pháp với nhiều cơ hội tươi sáng cho sự nghiệp song chàng tiến sĩ 8X Việt đã quyết định trở về quê hương với mong mỏi sẽ mang bữa ăn dinh dưỡng cứu sống nhiều người.
Tốt nghiệp Kỹ sư Công nghiệp thực phẩm Đại học Bách Khoa Hà Nội với tấm bằng giỏi, Lê Đoàn Thanh Lâm nhận học bổng Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam để học Thạc sĩ tại trường kỹ sư về Sinh học - Thực phẩm tại Dijon (AgroSup Dijon).
Tại đây, anh tiếp tục được nhận làm nghiên cứu sinh 3 năm với học bổng của Viện nghiên cứu quốc gia Nông nghiệp Pháp (INRA). Luận văn nghiên cứu bảo vệ Tiến sĩ của Thanh Lâm đạt kết quả xuất sắc.
Với thành tích hoạt động xã hội và học tập – nghiên cứu ấn tượng, Lâm là người Việt đầu tiên có cơ hội làm việc tại trung tâm nghiên cứu về tế bào, sinh vật, ung thư mới được xây dựng tại thành phố Toulouse (Pháp).
Thế nhưng, không như nhiều du học sinh khác, ngay sau khi có trong tay bằng tiến sĩ, Lê Đoàn Thanh Lâm đã giữ lời hứa cách đây 6 năm rằng sẽ quay trở về Việt Nam cống hiến cho đất nước.
Sau khi có bằng tiến sĩ 8X Lê Đoàn Thanh Lâm đã trở về Việt Nam với mong mỏi cống hiến cho đất nước.
Lâm cho biết, Việt Nam đang dần chuyển mình và là một môi trường phù hợp cho các bạn trẻ năng động, giàu tham vọng và nhiệt huyết.
Vốn là người nhiệt huyết và mong mỏi cống hiến, trong bối cảnh thông tin về thực phẩm bẩn khiến nhiều người lo lắng, tiến sĩ 8X đã khởi xướng trang thông tin Dinh dưỡng chuẩn (dinhduongchuan.com), một dự án phi lợi nhuận nhằm nâng cao nhận thức dinh dưỡng cho người Việt.
"Đừng đợi ung thư gõ cửa mới chú ý đến dinh dưỡng"
Tại dự án này, vị tiến sĩ 8X đã đưa ra những kiến thức rất thiết thực cho người tiêu dùng. Đặc biệt, cách truyền đạt của anh rất dễ hiểu, thiết thực thu hút được nhiều người quan tâm.
Tiến sĩ Lâm cho rằng, người Việt đang bị mắc lừa bởi những lời tuyên bố kiểu “nửa sự thật” về các sản phẩm có kết quả trong một thời gian ngắn. Trong khi đó, 1/3 số bệnh ung thư phổ biến nhất có thể được phòng ngừa thông qua chế độ ăn uống lành mạnh, duy trì một cân nặng khỏe mạnh và chăm hoạt động thể chất thường xuyên.
Nguồn: Dinh dưỡng chuẩn.
Theo dự đoán của Cơ quan quốc tế nghiên cứu về ung thư của WHO, Việt Nam sẽ có 160.000 người bị ung thư vào năm 2015 (tăng 30% so với năm 2012), và sẽ có thêm 30.000 người chết mỗi năm, đưa tổng số người chết vì ung thư lên 125.000 người.
Trong khi đó chỉ cần ăn nhiều trái cây có thể ngăn ngừa 25% nguy cơ ung thư vòm họng, và 36% số ca ung thư phổi. Chỉ cần giảm uống rượu và béo phì là có thể giảm ung thư gan – loại ung thư phổ biến nhất ở Việt Nam với tỉ lệ mắc cao gấp 3 lần tỉ lệ trung bình thế giới. Mỗi năm căn bệnh này lấy đi mạng sống của 23500 người Việt.
Cũng theo thống kê mới nhất của Viện dinh dưỡng quốc gia, tại các thành thị, 45% người trưởng thành bị rối loạn mỡ máu và 50% bị tăng huyết áp, ngay từ độ tuổi 25-30. Và cứ 4 người trưởng thành ở thành thị thì có 1 người bị thừa cân, béo phì.
Các bệnh mãn tính không lây ở Việt Nam được ước tính là nguyên nhân của ¾ tổng số ca tử vong và gây ra gấp 4 lần số ca tử vong do các bệnh truyền nhiễm.
Mà những bệnh mãn tính nguy hiểm chủ yếu từ miệng mà ra. Thế nhưng, không như các nước phát triển trên thế giới, người Việt chủ yếu ăn theo sở thích và ít ai quan tâm đến chế độ dinh dưỡng từ bữa ăn. Do đó, chúng ta rất cần những bữa ăn tiêu chuẩn về dinh dưỡng.
“Vì thế, người Việt rất cần kiến thức đúng về chế độ dinh dưỡng và đừng đợi ung thư gõ cửa mới chú ý đến dinh dưỡng và lối sống”, tiến sĩ 8X này cho hay.
Theo Trí Thức Trẻ
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI