Tự dưng tiền rơi vào đầu nhiều như trúng Vietlott, liệu bạn có nghỉ việc?

    PV,  

    Keith, một người làm khởi nghiệp bỗng dưng có hàng chục triệu USD để tiêu xài, anh quyết định nghỉ việc và đó là một quyết định tệ hại nhất của anh.

    Keith, người làm khởi nghiệp tại thung lũng Silicon với dự án công nghệ ấp ủ bấy lâu. Một ngày đẹp trời, công ty của anh nổi tiếng, giá trị tăng cao và anh bỗng chốc trở thành triệu phú chỉ sau một đêm. Keith đã nghĩ rằng mình không bao giờ cần làm việc nữa.

    Với số tiền nhiều chục triệu USD mà Keith có được, Keith cho rằng nó đã thay đổi cuộc đời anh. Số tiền trên là nguồn đảm bảo cho cuộc sống của anh nhẹ nhàng hơn, thứ mà nhiều người hằng mơ ước.

    Keith bắt đầu gián đoạn quá trình lên công ty của mình và sau đó không lâu thì ngừng hẳn làm việc. Anh tự thưởng cho mình 1 năm chỉ đi du lịch quanh thế giới và vung tiền vào những thứ mà trước đây anh chưa từng nghĩ mình sẽ có cơ hội mua. Tưởng chừng là cuộc sống mơ ước, sướng như tiên, thế nhưng Keith nhận thấy anh không còn là chính mình.

    Đối với rất nhiều người, trong đó có cả Keith, tin rằng chúng ta làm việc chỉ để kiếm tiền và khi có đủ tiền chúng ta có thể thoải mái nghỉ ngơi. Anh ta đã sai lầm, nhiều người khác cũng vậy. Sau khoảng thời gian chán chường vì đi chơi dài cũng như những ngày tiêu tiền như rác, Keith bắt đầu quay trở lại tìm kiếm một công việc cho mình.

    Ngoài tiền, có một lý do quan trọng hơn để chúng ta làm việc mỗi ngày.

    Keith nói: "Tôi cảm thấy không vui khi không làm việc và không biết mục tiêu tiếp theo của bản thân là gì. Kĩ năng của tôi kém dần và tôi gặp khó khăn khi kết nối với những người khác. Có lý do quan trọng hơn để chúng ta làm việc mỗi ngày".

    Và giờ đây, khi quay trở lại văn phòng, mặc dù công việc này không mang lại cho anh nhiều tiền, thế nhưng anh thấy vui hơn rõ rệt so với khoảng thời gian không làm gì.

    Bạn sẽ nghĩ rằng một khoảng tiền khổng lồ rơi vào đầu đồng nghĩa với tấm vé tới thế giới tự do, nơi mà bạn không cần làm việc, ngày qua ngày hưởng thụ cho tới cuối đời. Mặc dù vậy, khi không còn áp lực tiền bạc, mọi tứ sẽ trở nên nhàm chán. Thường thì người ta có những ước mơ khác như trở thành vận động viên nổi tiếng, đoạt giải thưởng cao quý... còn với công việc, không phải ai cũng hứng thú khi nhắc tới nó.

    Không phải ai cũng như Keith hay những người vô tình trúng số rồi nghỉ làm, đa phần họ vẫn giữ nhịp sống bình thường, điểm khác là họ có một lượng tiền khổng lồ tích trữ, giúp họ có cuộc sống dễ dàng hơn. Ví dụ như rất nhiều tỷ phú trên thế giới, có nhiều tiền đâu có nghĩa là họ dừng làm việc, đúng không nào?

    Tiền và niềm thoả mãn công việc

    Có rất nhiều người làm việc với mức lương thấp, đi làm thuê cho các công ty. Nhưng khi họ có một khoản tiền lớn cho bản thân, họ vẫn không nghỉ việc. Lý do có thể tới từ sự kết nối giữa mức lương với niềm thoả mãn công việc rất yếu.

    Theo nghiên cứu của đại học Florida bởi giáo sư Timothy Judge chỉ có 2% các yếu tố đồng nhất giữa lương với niềm thoả mãn công việc. Trong hành trình dài hơi, chúng ta thường dựa theo hướng thoả mãn công việc hơn là thu nhập, khi mà người làm việc cảm thấy sảng khoái hơn bởi các dự án có nghĩa, các cơ hội thăng tiến chứ không phải tiền lương.

    Chuyên gia tư vấn Jamie Traeger cho rằng đa phần chúng ta làm việc vì nhiều yếu tố khác nhau chứ không chỉ riêng gì tiền bạc. Chúng ta không nhận ra điều này cho tới khi có một khoản tiền lớn hay nguồn tài chính dồi dào bỗng nhiên xuất hiện.

    98% bệnh nhân được Jamie Traeger tư vấn đều làm việc bình thường sau khi tình hình tài chính của họ cải thiện. Đối với một số người, họ coi việc làm như một mục tiêu cốt yếu, số còn lại thì vẫn đi làm vì nó là một thói quen đã hình thành trong họ từ quá lâu.

    Bà cho rằng: "Tiền bạc có ảnh hưởng rất ít tới hạnh phúc so với những gì chúng ta kì vọng. Nhiều khi đạt được giấc mơ là chưa đủ khi nó không có nghĩa, không hứng thú và không làm chúng ta cảm thấy hạnh phúc".

    Khi mà địa vị xã hội biến mất

    Có một lý do lớn hơn vì sao chúng ta muốn đi làm, đó chính là địa vị và sự nhìn nhận từ xã hội.

    Hãy tưởng tượng bạn đạt được rất nhiều thành tựu trong công việc, chức vụ cao, thành công lớn... nhưng rồi nghỉ việc vì có nhiều tiền. Khi đó ai hỏi bạn "bạn đang làm gì?" liệu bản thân có cảm thấy xấu hổ hay không?

    Làm việc giúp chúng ta có địa vị, có chức danh để người khác nhận ra bạn thông qua những thứ bạn đã làm, đặc biệt là những công việc bạn đã làm quá lâu, lâu tới nỗi người khác biết thừa bạn làm gì mà không cần hỏi.

    "Chúng ta mất đi địa vị xã hội khi không có việc làm, người khác sẽ đánh giá bạn theo điều đó đồng thời gán cho bạn những thứ không hay mà bạn không muốn nghe".

    Đối với Karen Gordon, một người khởi nghiệp với nhiều sản phẩm thành công, cô cho rằng làm việc còn quan trọng hơn nhiều so với việc tiêu số tiền cô kiếm được từ những sản phẩm thành công.

    Và rồi những cảm xúc tiêu cực sẽ diễn ra mà giàu không tài nào giải quyết được. Bạn hãy cứ thử nghỉ việc vài tháng, nằm chơi dài ở nhà và bạn sẽ hiểu. Trong những trường hợp này, có nhiều thời gian rảnh hơn không mang lại hạnh phúc, bạn cần nhanh chóng quay trở lại mục tiêu.

    Nếu bạn vô tình giàu, hãy thưởng cho mình 1 năm để xác định lại bản thân, tích luỹ kiến thức cũng như làm việc giúp cho bạn có thêm nhiều động lực mới, những thành công to lớn hơn ban đầu.

    Quay trở lại câu chuyện của Keith, làm việc mang tới ý nghĩa cho cuộc sống của anh. Đến văn phòng và làm việc mỗi ngày đôi khi mang lại khoái cảm lớn hơn cả tiêu tiền, du lịch hay những khoảng thời gian nghỉ ngơi cùng bạn bè.

    "Khi bạn có một công việc thật sự với những buổi họp, thuyết trình, deadline và những buổi đánh giá... Nó sẽ đưa bạn tới rất nhiều thách thức khó khăn, những thứ bạn không muốn làm nhưng rất cần thiết để hình thành nên con người bạn", Keith nói.

    Theo Trí Thức Trẻ

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ